Sau 1 năm nhậm chức, hiệu trưởng ĐH lọt top 2% nhà khoa học hàng đầu thế giới
TRUNG QUỐC - Giáo sư Tần Tứ Chiêu - Hiệu trưởng ĐH Lĩnh Nam Hong Kong (Trung Quốc), lọt top 2% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2024, sau 1 năm nhậm chức.
Trong danh sách top 2% nhà khoa học ảnh hưởng nhất thế giới năm 2024, Giáo sư Tần Tứ Chiêu đứng đầu Hong Kong (Trung Quốc) ở cả 2 hạng mục sự nghiệp khoa học và số bài báo được trích dẫn năm 2023, lĩnh vực Kỹ thuật công nghiệp và Tự động hóa. Chia sẻ với China News Service, ông cho biết, đây là thành tựu quan trọng trong quá trình nghiên cứu nhưng không phải mục tiêu cuối cùng hướng đến.
GS Tần Tứ Chiêu sinh năm 1963 ở Sơn Đông (Trung Quốc). 16 tuổi, ông đỗ Đại học Thanh Hoa ngành Kỹ thuật điều khiển và Tự động hóa. Tốt nghiệp ĐH năm 1984, ông tiếp tục học thạc sĩ tại đây. Quá trình này, ông nhận được học bổng tiến sĩ toàn phần tại ĐH Maryland (Mỹ).
Khi học tiến sĩ, ông chuyển sang ngành Kỹ thuật Hóa học. Theo ông, việc chuyển ngành đột ngột đòi hỏi ý chí kiên định. Điều này được ông rèn luyện trong thời gian học ở Thanh Hoa. Với sự cố gắng không ngừng, sau 2,5 năm, ông hoàn thành chương trình đào tạo.
Năm 1992, sau khi nhận bằng tiến sĩ, ông làm trong công ty nghiên cứu và phát triển hệ thống điều khiển. 3 năm sau, ông được mời về ĐH Texas với tư cách trợ lý giáo sư. Sau 8 năm làm việc tại đây, ở tuổi 40, ông được bổ nhiệm thành giáo sư.
Năm 2007, ông rời ĐH Texas để đến ĐH Nam California. Đến năm 2014, sau gần 30 năm ở Mỹ, ông quyết định về nước cống hiến. Từ năm 2014 đến năm 2016, ông giữ chức Phó hiệu trưởng ĐH Trung Văn Hong Kong.
"Khi đó, ở tuổi ngoài 50, tôi không đặt mục tiêu lớn trong nghiên cứu mà tập trung phát triển phương pháp giảng dạy để vừa bảo tồn giá trị truyền thống, vừa giúp sinh viên hội nhập quốc tế", ông nói. Vì vậy, từ đó đến nay, công việc của ông đều xoay quanh mục tiêu này.
Tháng 9/2023, ông được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng ĐH Lĩnh Nam Hong Kong. Sau 1 tháng nhậm chức, GS Chiêu cùng lãnh đạo trường quyết định mua bản quyền ChatGPT cung cấp miễn phí cho sinh viên và giảng viên. Trong khi nhiều trường cấm hoặc hạn chế sử dụng công cụ AI vì lo ngại sinh viên gian lận, ông có quan điểm khác.
Ông cho rằng, sự xuất hiện của AI không chỉ là cuộc cách mạng công nghệ còn là cuộc cách mạng nhân văn: "Mọi người nghĩ nhân văn và công nghệ là 2 lĩnh vực tách biệt, thực tế AI đã thay đổi sự sáng tạo và tư duy trong lĩnh vực nhân văn. Đây là cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực nhân văn".
"Nếu không cho sinh viên tiếp cận AI, làm sao các em biết cách dùng hiệu quả? Nên để sinh viên dùng dưới sự hướng dẫn của giảng viên". Ông nhấn mạnh, giáo dục phải theo kịp thời đại, nắm bắt AI không để nó thay thế con người.
Trên cương vị hiệu trưởng, ông xây dựng ĐH Lĩnh Nam trở thành ngôi trường giáo dục nhân văn trong thời đại số. Ông coi đây là mục tiêu cuối cùng của sự nghiệp. "Mô hình này nhấn mạnh việc đào tạo toàn diện cả chiều sâu lẫn chiều rộng, nhằm rèn cho sinh viên khả năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề và kỹ năng giao tiếp", ông nói.
Theo ông, giáo dục nhân văn mục tiêu chính là giúp sinh viên hình thành nhân sinh quan và thế giới quan. "Quan niệm 'truyền đạo (truyền thụ đạo lý), thụ nghiệp (tiếp nhận và truyền thụ tri thức) và giải hoặc (giải đáp vấn đề)' trong văn hóa truyền thống Trung Quốc thực chất là giáo dục nhân văn thời kỳ đầu", ông nói.
Hơn 30 năm cống hiến cho khoa học thế giới, ông từng giữ vai trò là viện sĩ của Viện Hàn lâm Khoa học Nhà phát minh Quốc gia Mỹ (NAI), Viện Khoa học Kỹ thuật Hong Kong (HKAE) và Viện Hàn lâm Khoa học châu Âu,... Đối với ông danh hiệu này chỉ là vinh dự, không phải mục tiêu theo đuổi.
"Những thứ tôi đạt được là kết quả của sự nỗ lực. Tôi cũng từng đi sai đường, nếu được tiến thẳng đến mục tiêu, chắc chắn tôi sẽ đạt nhiều thành tựu hơn". Nhìn lại hành trình đi qua, ông khuyên thế hệ trẻ nên tập trung làm điều mình thích và luôn đặt ra mục tiêu mới.
Ông cho rằng, sứ mệnh quan trọng nhất của việc học là đóng góp cho xã hội: "10 năm trước, tôi ít trả lời phỏng vấn, gần đây tôi bắt đầu chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm của bản thân. Không phải tôi giỏi hơn người khác, mà vì tôi được hưởng lợi từ nền giáo dục thời đại nên chia sẻ điều đã học với xã hội".
Rào cản tiếng Anh khiến nhiều nhà khoa học lỡ hẹn với giải Nobel
Nhà khoa học chế tạo pin hạt nhân hiệu suất gấp 8.000 lần dùng vài trăm năm