Rào cản tiếng Anh khiến nhiều nhà khoa học lỡ hẹn với giải Nobel
Số lượng người đoạt giải Nobel của Nhật Bản gần đây đang chững lại, đặc biệt so với những thập kỷ trước. Khả năng tiếng Anh đã hạn chế cơ hội của các nhà khoa học nước này trong việc đạt được sự công nhận xứng đáng trên trường quốc tế.
Nhật Bản từ lâu đã được công nhận là một cường quốc hàng đầu về nghiên cứu khoa học, với số lượng người đoạt giải Nobel nhiều nhất tại châu Á. Nhật Bản có 29 nhà khoa học được vinh danh Giải Nobel (tính đến năm 2024).
Kể từ năm 2000, Nhật Bản có 19 nhà khoa học đoạt giải Nobel, chỉ đứng sau Mỹ. Tuy nhiên, do thiếu vắng các nghiên cứu nổi bật kể từ thập niên 2010, số lượng người Nhật đoạt giải Nobel đang chững lại và dự kiến sẽ giảm mạnh từ thập niên 2030, theo Nikkei Asia.
Trong số các yếu tố góp phần vào sự suy giảm này, rào cản về năng lực tiếng Anh là một vấn đề đáng chú ý, đặc biệt trong các lĩnh vực như kinh tế.
Dẫn đầu châu Á trong lĩnh vực khoa học
Sự thống trị của Nhật Bản trong các giải Nobel ở châu Á xuất phát từ việc chú trọng vào khoa học và công nghệ sau Thế chiến thứ hai.
Quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của quốc gia này, cùng với sự đầu tư mạnh mẽ của chính phủ vào nghiên cứu và phát triển, đã cho phép các nhà khoa học Nhật Bản vượt trội trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các ngành khoa học tự nhiên.
Sự đổi mới của Nhật Bản trong lĩnh vực điện tử, robot và khoa học vật liệu đã được công nhận toàn cầu, góp phần vào thành công của Nhật Bản với các giải thưởng Nobel.
Thành công của Nhật Bản một phần là nhờ hệ thống giáo dục có cấu trúc tốt, chú trọng vào khoa học và toán học, cùng với cơ sở hạ tầng nghiên cứu quốc gia mạnh mẽ. Sự tài trợ hào phóng của chính phủ cho các trường đại học và viện nghiên cứu đã giúp nuôi dưỡng một thế hệ các nhà khoa học tài năng.
Xu hướng giảm số lượng
Mặc dù Nhật Bản liên tục sản sinh ra các nhà khoa học đoạt giải Nobel từ thập niên 1980 đến 2010 nhưng trong những năm gần đây, số lượng người đoạt giải đã giảm dần.
Việc cắt giảm ngân sách nghiên cứu của chính phủ là nguyên nhân chính, tờ Nikkei Asia nhận định. Theo Nagayasu Toyoda, Chủ tịch Đại học Khoa học Y tế Suzuka, số lượng các nhà nghiên cứu được trích dẫn nhiều thường tăng ở các quốc gia đầu tư ngày càng lớn cho nghiên cứu đại học.
Trong khi đó, sau khi các trường đại học quốc gia ở Nhật Bản được chuyển thành cơ sở giáo dục công lập vào 2004, chính phủ đã cắt giảm trợ cấp hàng năm xuống mức 1%, đồng thời trao cho các trường nhiều quyền tự quản hơn trong công tác quản lý học thuật.
Chính sách này nhằm thúc đẩy cạnh tranh để nâng cao chất lượng nghiên cứu, nhưng dường như không mấy hiệu quả.
"Cơ hội và ngân sách dành cho các nhà nghiên cứu trẻ để theo đuổi các nghiên cứu độc lập ở Nhật Bản ít hơn nhiều so với ở Mỹ và các nước khác", PGS. Kei Igarashi tại Đại học California (Mỹ) nhận định.
Một yếu tố quan trọng khác ảnh hưởng đến cơ hội giành giải Nobel của Nhật Bản là khả năng làm chủ tiếng Anh.
Năm 2016, giải Nobel Kinh tế thuộc về hai nhà kinh tế học người Mỹ, trong khi ứng viên tiềm năng của Nhật Bản không giành được vinh danh. Các chuyên gia cho rằng Nhật Bản chưa có ai đoạt giải Nobel Kinh tế và một trong những nguyên nhân chính được cho là rào cản về tiếng Anh.
Cộng đồng khoa học toàn cầu chủ yếu sử dụng tiếng Anh để giao tiếp và các tạp chí khoa học danh tiếng nhất cũng như các hội thảo lớn đều sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính. Các nhà nghiên cứu Nhật Bản thường gặp khó khăn trong việc điều hướng môi trường ngoại ngữ này, làm giảm cơ hội hợp tác của họ.
Bài nghiên cứu “Rào cản ngôn ngữ và ảnh hưởng của chúng đến sự giao lưu quốc tế của các nhà khoa học Nhật Bản” (2021) của GS. Peter J. J. St. John tại Đại học Hokkaido (Nhật Bản) đã phân tích ảnh hưởng của tiếng Anh đến sự nghiệp và khả năng hợp tác quốc tế của các nhà khoa học ở Nhật Bản.
Theo đó, mặc dù chương trình giảng dạy tiếng Anh được phổ biến rộng rãi trong các trường học Nhật Bản nhưng chất lượng giáo dục thường không đạt yêu cầu. Trong xã hội Nhật Bản, có một định kiến văn hóa liên quan đến việc sử dụng tiếng Anh. Điều này khiến nhiều nhà nghiên cứu trẻ cảm thấy lo lắng và không tự tin khi giao tiếp bằng ngôn ngữ này.
Nhiều nhà nghiên cứu Nhật Bản trải qua quá trình đào tạo mà không bao giờ hợp tác với đồng nghiệp quốc tế. Việc thiếu kinh nghiệm sử dụng tiếng Anh trong bối cảnh chuyên nghiệp càng làm hạn chế kỹ năng và sự tự tin ngôn ngữ của họ.
Với trường hợp của quốc gia mặt trời mọc, ngay cả với những nghiên cứu xuất sắc, việc không thể trình bày ý tưởng một cách thuyết phục bằng tiếng Anh có thể dẫn đến việc thiếu sự công nhận hoặc bị từ chối từ các tạp chí và giải thưởng khoa học hàng đầu.
Giải Nobel Kinh tế 2024: Vén màn bí mật về sự thịnh vượng của các quốc gia
Nobel Văn học 2024: Bài học xuất khẩu văn chương từ Hàn Quốc