Sau 31/12/2024: 10 triệu tài khoản Mobile Money có nguy cơ dừng giao dịch
Mobile-Money giúp vùng sâu tiếp cận thanh toán tiện lợi, nhưng nguy cơ tạm dừng sau 31/12/2024 nếu chưa có hành lang pháp lý chính thức.
Gần 10 triệu tài khoản Mobile Money
Năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thí điểm dịch vụ Mobile-Money thông qua Quyết định 316/QĐ-TTg với thời hạn hai năm. Đây là bước đi quan trọng nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt tại những khu vực khó tiếp cận với dịch vụ ngân hàng truyền thống. Năm 2023, Chính phủ tiếp tục gia hạn thời gian thí điểm này đến hết ngày 31/12/2024 thông qua Nghị quyết 192/NQ-CP.
Sau gần ba năm triển khai, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, Mobile-Money đạt được những kết quả tích cực. Đến tháng 9/2024, hơn 9,87 triệu khách hàng đã đăng ký dịch vụ, trong đó gần 71,73% là cư dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tuy vậy, chỉ 66,46% tài khoản đăng ký thực sự hoạt động. Hạ tầng dịch vụ cũng được mở rộng với hơn 11.900 điểm kinh doanh, chủ yếu tập trung tại các khu vực khó khăn.
Cả 3 nhà mạng Viettel, VNPT-Media và MobiFone đều đảm bảo được việc duy trì số dư trên tài khoản thanh toán tại ngân hàng lớn hơn số dư của tất cả các tài khoản Mobile-Money của khách hàng.
Tổng số dư tài khoản Mobile-Money của VNPT-Media đến cuối tháng 9/2024 là hơn 11,9 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 là hơn 16,7 tỷ đồng.
Tại Viettel, tổng số dư tài khoản Mobile-Money của khách hàng đến cuối tháng 9/2024 là hơn 49,62 tỷ đồng, tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của Viettel là hơn 81,5 tỷ đồng.
MobiFone xếp cuối bảng với tổng số dư tài khoản Mobile-Money của MobiFone đến cuối tháng 9/2024 là gần 1,41 tỷ đồng; tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán tại ngân hàng đến cuối tháng 9/2024 của MobiFone là hơn 2,67 tỷ đồng.
Nguồn: Ngân hàng Nhà nước |
>> Thí điểm dịch vụ Mobile Money đến hết năm 2024
Những hạn chế và giải pháp
Mặc dù có những thành tựu nhất định, dịch vụ Mobile-Money vẫn đối mặt với nhiều thách thức.
Chưa có hành lang pháp lý chính thức: Hiện tại, dịch vụ này chỉ hoạt động theo mô hình thí điểm. Nếu không được ban hành Nghị định hoặc quy định pháp lý cụ thể, các doanh nghiệp sẽ phải dừng cung cấp dịch vụ sau ngày 31/12/2024.
Hạn chế về hạn mức giao dịch: Quy định hiện hành giới hạn giao dịch ở mức không quá 10 triệu đồng/tháng/tài khoản, khiến khách hàng chưa nhận thấy lợi ích nổi bật so với các dịch vụ khác.
Khó khăn trong mở rộng mạng lưới: Việc phát triển điểm kinh doanh tại vùng sâu, vùng xa gặp trở ngại về chi phí và quy định pháp nhân, ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận người dùng.
Để giải quyết các vấn đề trên, các doanh nghiệp thí điểm như Viettel, VNPT-Media đã đề xuất:
Tăng hạn mức giao dịch để phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.
Mở rộng đối tượng khách hàng không bị giới hạn bởi điều kiện thuê bao sử dụng liên tục trong ba tháng.
Phát triển mạng lưới thanh toán thông qua hợp tác với các ngân hàng và tổ chức trung gian.
Cho phép liên thông giữa các tài khoản Mobile-Money của các doanh nghiệp khác nhau, tạo sự thuận tiện cho khách hàng.
Bổ sung các cơ chế linh hoạt như nạp/rút tiền qua thẻ trả trước và tùy chọn phương thức xác thực giao dịch định kỳ.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
NHNN, cơ quan quản lý chính, đã ghi nhận các kiến nghị này và đang trong quá trình xây dựng một Nghị định mới. Dự thảo Nghị định dự kiến bao gồm 5 chương với các nội dung chính như: quy định chung, điều kiện cung ứng dịch vụ, trách nhiệm các bên liên quan, và các điều khoản thi hành.
Việc hoàn thiện hành lang pháp lý không chỉ giúp dịch vụ Mobile-Money trở thành một kênh thanh toán hợp pháp mà còn thúc đẩy tài chính toàn diện, giảm chi phí xã hội, và tăng cường tiện ích cho người dân, đặc biệt tại các khu vực chưa có sự hiện diện của ngân hàng.
>> Thủ tướng chủ trì phiên họp về chuyển đổi số và triển khai Đề án 06
FPT bắt tay cùng Visa thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam
Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2021-2024