Sau các khoản thu ‘trên trời’, nhiều người bức xúc muốn bỏ hội phụ huynh
Chỉ 1 tuần sau khi bước vào năm học mới, nhiều phụ huynh bức xúc về những khoản thu “trên trời” với hình thức “tự nguyện”.
Tại Trường THPT Cái Tắc (huyện Châu Thành A, Hậu Giang) vừa vào năm học mới, Ban đại diện phụ huynh đã được nhà trường cho phép tự vận động kinh phí mua tivi trang bị cho lớp học. Các phụ huynh tự nguyện đóng góp theo khả năng, tự đi mua sắm, lắp đặt.
Còn tại Trường THPT Thanh Miện 3 (Hải Dương), giáo viên chủ nhiệm lớp 10 phát cho phụ huynh tờ kê khai chi tiết các khoản thu dự kiến vào đầu năm học. Tổng số tiền sẽ thu theo thông báo là 8.715.000 đồng/học sinh.
Phụ huynh bức xúc vì trong danh sách này có nhiều khoản thu vô lý hoặc cao hơn so với các trường khác. Chỉ đến khi có phản ánh, trường mới thông tin đây là số tiền đưa ra để thăm dò chứ chưa tiến hành thu.
Khoản thu "tự nguyện nhưng không đóng không được"
Bình luận trên VietNamNet, nhiều độc giả đồng cảm khi hiện nay, nhiều trường đưa ra các khoản thu đầu năm “vô lý, khó hiểu” khiến phụ huynh choáng ngợp.
“Nếu thu các khoản học phí, bảo hiểm y tế, đồng phục… tôi không có ý kiến gì, nhưng yêu cầu nộp 500.000 đồng/học sinh để mua TV, tôi cảm không thấy thuyết phục. Tại sao phải mua TV khi giáo viên chủ yếu giảng dạy bằng máy chiếu?”.
Độc giả Trần Hữu Vĩ cũng cảm thấy “không xuôi” với nhiều khoản cần phải nộp, chẳng hạn như “phí quản lý cuối ngày”.
“Về danh nghĩa, đây là cách giúp những phụ huynh bận rộn không thể đón con tan có người coi trông hộ. Nhưng cũng có nơi, đây lại là cách ép phụ huynh nộp tiền trông trẻ rất khiên cưỡng. Thậm chí, một số giáo viên còn dùng cách này để phụ đạo, dạy các dạng đề kiểm tra mà những em không tham gia “quản lý cuối ngày” không biết”.
Cùng chung bức xúc, một độc giả khác bình luận: “Đầu năm học mới, chưa gặp mặt cô giáo đã bị “vận động hành lang” sơn sửa lớp, năm ngoái lại chuyện gắn máy lạnh. Bên cạnh đó, tiền làm giấy khen, quà khen thưởng, huy hiệu… phụ huynh cũng đều bị thu”.
Độc giả Nguyễn Hoài Nam cho rằng mỗi dịp đầu năm hay cuối năm học, các khoản phí phải nộp luôn là câu chuyện khiến phụ huynh đau đầu. Từ chuyện góp tiền mua máy lọc nước (trong khi đã đóng tiền mua nước uống tinh khiết) đến những đóng góp mua sắm cơ sở vật chất, văn phòng phẩm… lên tới vài trăm nghìn đồng.
“Vấn đề không phải ít hay nhiều tiền, nhưng cần minh bạch và công khai. Phụ huynh cho con đi học đã phải đóng rất nhiều loại tiền, nếu tiếp tục kêu gọi nộp những khoản vô lý, chuyện bức xúc cũng là đương nhiên”.
Nhưng dù bức xúc, nhiều người vẫn thừa nhận có những khoản mang tính vận động, ủng hộ trên tinh thần nhất trí, tự nguyện nên “chẳng ai dám từ chối”.
“Tôi có con học ở Quận 12, nhà trường cũng lập ra hội phụ huynh chuyên đứng lên thu tiền. Nhưng sau đó, họ đưa ra đủ các thể loại phí cần đóng góp. Nếu không đóng, tôi sợ con ngại với bạn bè hoặc ngại bị thông báo lên các hội nhóm cho mọi người cùng biết. Lo giáo viên không quan tâm đến bé, cuối cùng tôi vẫn phải bấm bụng đóng tiền”, một phụ huynh bình luận trên VietNamNet.
Thậm chí, một độc giả còn cho rằng “hội phụ huynh giờ đây chẳng khác nào hội… phụ thu”.
“Có riêng chuyện điều hòa, năm nào cũng thu, năm nào cũng lắp mới. Mỗi năm, hội phụ huynh còn thu 500.000 đồng/em vào quỹ với mục đích dùng trong các hoạt động của trường, lớp, tặng quà thầy cô, nhưng thực tế chi tiêu gì không ai rõ”. Dù cảm thấy không hài lòng, nhưng phụ huynh này vẫn cắn răng đóng đủ vì không muốn con bị coi là cá biệt.
Nên bỏ hội phụ huynh?
Độc giả Nguyễn Cường đề xuất các trường nên “giải tán” hội phụ huynh để tránh trở thành “cánh tay nối dài thu” của nhà trường.
“Hội phụ huynh xuất hiện ít hỗ trợ trong các vấn đề trường lớp, chủ yếu chỉ để thu tiền kêu gọi ủng hộ, quỹ trường, quỹ lớp. Có những trường năm nào vào đầu các khóa như lớp 1, lớp 6 cũng đều kêu gọi lắp điều hòa, máy chiếu, TV... Nhưng như nhà tôi điều hòa dùng 10 năm nay vẫn chưa thấy hỏng”.
Nhiều độc giả cũng đồng tình rằng các khoản tự nguyện đóng góp đang “đè nặng” lên phụ huynh liên tục trong nhiều năm. Một số người bày tỏ sự khó hiểu vì sao những tài sản công liên tục hư hỏng mỗi năm, buộc phải mua mới.
“Việc hư hỏng đồng loạt là chuyện khó xảy ra. Thay vì thu tiền mua mới, nhà trường nên thu tiền bảo dưỡng, định kỳ 5 năm/lần. Phụ huynh chỉ cần đóng các khoản cơ bản như học phí, tiền đồng phục, sách vở, phù hiệu, bảo hiểm bắt buộc... Các khoản khác phụ huynh có thể đóng theo khả năng của mình.
Ví dụ tôi tự nguyện đóng 100.000 đồng cho tất cả các khoản còn lại, nhà trường tự phân chia cho phù hợp. Nếu thấy khoản nào gấp, trường sẽ ưu tiên chi trước, khoản nào không quan trọng chờ ngân sách hoặc đợi năm sau.
Đây là vấn nạn chung của cả nước vào đầu năm học nên cần phải có biện pháp quyết liệt để tránh lạm thu. Là cán bộ viên chức, tôi còn chóng mặt chạy theo các khoản thu, nói gì đến các bác nông dân”, độc giả Long Đại bình luận.
Một độc giả khác cho rằng phụ huynh cần mạnh dạn từ chối những khoản tự nguyện nếu thấy vô lý. “Hoàn cảnh mỗi gia đình đều khác nhau nên việc đóng góp cần dựa trên điều kiện kinh tế. Nếu tổng thu không đủ, nhà trường có thể huy động từ các nguồn xã hội hóa, không nhất thiết phải phụ thuộc vào sự đóng góp của phụ huynh”, độc giả đề xuất.
Bảng dự chi 'phong bì' cho giáo viên và quyết định tức thì của hiệu trưởng
Đồng Nai: Nếu lạm thu, hiệu trưởng không thể đổ lỗi cho hội phụ huynh