Thị trường chứng khoán Việt Nam đã có màn chào tháng 8 khá thuận lợi, nối tiếp đà hồi phục của những ngày cuối tháng 7. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, “ngày bùng nổ theo đà” vẫn chưa thể xuất hiện, thị trường cần thêm nhiều điều kiện mới có thể đạt được mục tiêu này.
Có ý kiến cho rằng, đà giảm của thị trường vừa qua có nhiều nét tương đồng với đà giảm trong giai đoạn tháng 6-7/2020 do dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa tạm thời nhiều hoạt động thương mại đã phải áp dụng, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị ảnh hưởng, tăng trưởng kinh tế chậm lại, tác động tiêu cực tới thị trường chứng khoán.
Ý kiến này hoàn toàn có cơ sở khi mới đây, nhiều đơn vị phân tích đã phải điều chỉnh lại mô hình dự báo do tác động tiêu cực của dịch bệnh. Có thể kể đến như Dragon Capital đánh giá, đợt bùng phát này phức tạp hơn tất cả 3 đợt trước cộng lại, nên đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm 2021 từ 6% về 5% để phản ánh các rủi ro hiện có.
Tương tự, Chứng khoán Bản Việt (VCSC) vừa hạ dự phóng tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2021 xuống con số 5,5%, thấp hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu ở mức 6,7%, do các tác động từ dịch Covid-19.
Đặc biệt, đà giảm vừa qua của thị trường cũng bắt đầu sau một giai đoạn thị trường tăng mạnh (sau đà tăng vượt đỉnh mọi thời đại của Vn-Index kéo dài từ tháng 1/2021) thì giai đoạn tháng 6-7/2020 cũng diễn ra sau đà hồi phục mạnh mẽ của thị trường từ cuối tháng 3.
Và tất nhiên, cũng giống với cách đây một năm, yếu tố duy nhất “níu giữ” dòng tiền ở lại trên thị trường chứng khoán chính là lãi suất thấp. Lãi suất huy động đã liên tục giảm trong năm 2020 và kéo dài đến hiện tại, nhiều khả năng sẽ vẫn tiếp tục thấp bất chấp tín dụng đã có những dấu hiệu tăng.
Nhìn lại lịch sử thị trường chứng khoán trong và ngoài nước cho thấy, thông tin có thể khác, tình hình kinh tế có thể khác, nhưng thị trường chứng khoán luôn có các chu kỳ tăng giá và giảm giá, những biến động do tâm lý con người tạo ra. Việc để thông tin và cảm xúc làm chủ quyết định đầu tư thường làm giảm lợi suất đầu tư, hoặc gây ra các khoản thua lỗ.
Theo đó, điều mà thị trường cần nhất lúc này là một mức giảm sâu nhất trong ngắn hạn mà Vn-Index có thể chạm tới, hay như giới đầu tư còn gọi là đáy. Khi thị trường đạt đến mức này, dòng tiền sẽ trở lại mạnh mẽ và “ngày bùng nổ theo đà” (Follow Through Day - FTD) sẽ tới. Đây là điểm khởi đầu cho một đà tăng bền vững.