Bắt buộc dùng xăng sinh học trên toàn quốc: Các ông lớn lọc dầu - phân phối đã sẵn sàng?
Bộ Công Thương đang hoàn thiện phương án trình Chính phủ để triển khai lộ trình bắt buộc sử dụng xăng sinh học E10 từ 1/1/2026. Tuy nhiên, bài toán thiếu hụt nguồn cung ethanol và hạ tầng kỹ thuật vẫn là thách thức lớn cần sớm tháo gỡ.
Bộ Công Thương đang tích cực hoàn thiện phương án trình Chính phủ trong tháng 7/2025 để triển khai lộ trình sử dụng xăng sinh học E10 (pha 10% ethanol với xăng khoáng) trên toàn quốc từ ngày 1/1/2026. Đây được xem là bước tiến lớn trong việc hiện thực hóa cam kết phát triển năng lượng sạch, giảm khí thải và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn.
![]() |
Ảnh minh họa |
Một trong những thách thức lớn hiện nay là nguồn cung ethanol trong nước còn hạn chế. Theo một lãnh đạo Bộ Công Thương, hiện chỉ có 2 trong số 6 nhà máy sản xuất ethanol đang vận hành, với tổng công suất khoảng 100.000 m³/năm. Trong khi đó, để triển khai E10 trên toàn quốc, nhu cầu ethanol có thể lên tới 1 - 1,5 triệu m³/năm.
Nguyên nhân chủ yếu do từ năm 2018 đến nay, Việt Nam mới chỉ áp dụng xăng E5 (pha 5% ethanol), dẫn đến nhu cầu ethanol thấp, các nhà máy sản xuất không có đầu ra, buộc phải tạm ngừng hoạt động.
Để giải quyết bài toán này, Bộ Công Thương xác định ethanol nhập khẩu sẽ đóng vai trò bổ sung trong giai đoạn đầu. Song song đó, các nhà máy trong nước sẽ được hỗ trợ phục hồi hoạt động nhằm tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo an ninh năng lượng. Về dài hạn, Bộ sẽ kiến nghị ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư toàn diện vào chuỗi giá trị sản xuất ethanol, từ vùng nguyên liệu đến tiêu thụ.
Làm sống lại các nhà máy đang "đắp chiếu"
Lãnh đạo Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam đã hội tụ đầy đủ các điều kiện để triển khai E10. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hơn 50 quốc gia đã luật hóa việc sử dụng nhiên liệu sinh học. Tại châu Âu và châu Mỹ, tỷ lệ pha cồn tối thiểu 10% là bắt buộc. Thái Lan và Philippines cũng đã áp dụng tỷ lệ 10% - 15% và đang hướng tới mức 20% trở lên.
Tại Việt Nam, nếu cả 6 nhà máy ethanol hoạt động hết công suất, có thể sản xuất khoảng 500.000 m³/năm, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu. Phần còn lại hoàn toàn có thể nhập khẩu từ các nguồn quốc tế ổn định. Khi nhu cầu dần ổn định, 4 nhà máy đang dừng có thể tái khởi động, tiến tới chủ động nguồn cung trong nước.
![]() |
Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất dự kiến sẽ vận hành trở lại vào cuối năm 2025 sau hơn một thập kỷ "đắp chiếu" vì thất bại của xăng E5 |
Về hạ tầng sản xuất và lưu trữ, các doanh nghiệp như Bình Sơn, Nghi Sơn, Petrolimex, PVOIL, Sài Gòn Petro... đều khẳng định đủ năng lực phối trộn và kinh doanh xăng E10, cả theo phương pháp tại bể và trong đường ống. Hiện cả nước có 214 kho xăng dầu với sức chứa đa dạng, đảm bảo khả năng lưu trữ.
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng đề xuất giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, phí bảo vệ môi trường và điều chỉnh tiêu chuẩn kỹ thuật cho xăng nền cũng như phương tiện sử dụng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc phối trộn và tiêu thụ E10.
Đáng chú ý, Bộ khuyến khích phát triển vùng nguyên liệu sắn, mía, ngô… gắn với nhà máy ethanol, đồng thời tận dụng phụ phẩm nông nghiệp như rơm rạ, bã mía để tránh cạnh tranh với cây lương thực chính.
Petrolimex bán thí điểm xăng E10 từ ngày 1/8/2025
Ông Trần Ngọc Năm - Thành viên HĐQT, Phó Tổng Giám đốc Petrolimex cho biết, từ ngày 1/8/2025, Petrolimex sẽ bắt đầu triển khai kinh doanh xăng E10 tại một số cửa hàng xăng dầu ở TP. HCM. Đây là bước đi nhằm đánh giá phản ứng thị trường, hành vi người tiêu dùng và khả năng vận hành kỹ thuật của hệ thống phân phối trước khi mở rộng trên toàn hệ thống.
Theo ông Năm, việc triển khai E10 đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, công nghệ, bồn chứa chuyên dụng và sự phối hợp đồng bộ với các nhà máy lọc dầu. Do đó, Petrolimex đề xuất Bộ Công Thương sớm có chỉ đạo cụ thể để các doanh nghiệp đầu mối chủ động đầu tư, đồng thời điều chỉnh các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phù hợp với nguồn xăng khoáng đang lưu hành trên thị trường quốc tế và trong khu vực.
![]() |
Ảnh minh họa |
Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam - ông Bùi Ngọc Bảo cho rằng, để triển khai thành công nhiên liệu sinh học trên toàn quốc, cần công bố rõ ràng lộ trình và dành tối thiểu 6 tháng chuẩn bị cho doanh nghiệp. Đồng thời, cần sớm ban hành văn bản thay thế Quyết định 53 của Thủ tướng Chính phủ, tập trung sửa đổi các quy định bất cập về chất lượng, quản lý và kinh doanh xăng dầu, trong đó có xăng E10.
Bộ Công Thương cho biết đã yêu cầu các đơn vị liên quan xây dựng các nhóm giải pháp đồng bộ, bao gồm: hỗ trợ giá ethanol nội địa để ổn định nguồn cung và giảm giá thành; hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn - quy chuẩn kỹ thuật cho xăng E10; tăng cường truyền thông cộng đồng và khuyến khích doanh nghiệp mở rộng hệ thống phân phối nhiên liệu sinh học, đặc biệt ở khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo.
>> Từ 1/1/2026, dự kiến sẽ bắt buộc sử dụng loại xăng mới, người dân nên biết để chuẩn bị