Sau hơn 2 tháng xây dựng, tiến độ xây dựng sân bay Long Thành đến đâu?
Khi hoàn thành giai đoạn 1, sân bay Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Công trình nhà ga hành khách và đường băng cất - hạ cánh của dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành (sân bay Long Thành, huyện Long Thành, Đồng Nai) giai đoạn 1 chính thức khởi công vào ngày 31/8/2023.
Đến nay, sau hơn 2 tháng xây dựng, công trình nhà ga hành khách sân bay Long Thành (giai đoạn 1) hình hoa sen đã dần lộ diện.
Công trình nhà ga hành khách là gói thầu có quy mô lớn nhất, tính chất kỹ thuật phức tạp nhất và thời gian thi công dài nhất trong các gói thầu của Dự án thành phần 3 - Các công trình thiết yếu trong cảng hàng không thuộc Dự án đầu tư xây dựng sân bay Long Thành giai đoạn 1. Trị giá gói thầu 35.000 tỉ đồng, đơn vị thực hiện là Liên danh VIETUR. Thời gian xây dựng 1.170 ngày (tương đương 39 tháng).
Khi hoàn thành giai đoạn 1, sân bay quốc tế Long Thành có công suất phục vụ 25 triệu lượt hành khách/năm và 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm. Dự kiến sân bay quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động vào năm 2026.
Toàn cảnh sân bay Long Thành thời điểm hiện tại. Phía trong xa là công trình nhà ga hành khách đang được xây dựng. Ở giữa là khu nhà ở, nhà điều hành của ACV và các nhà thầu, cùng các trạm trộn bê tông.
Sân bay Long Thành có diện tích 5.000ha, thuộc địa bàn 6 xã của huyện Long Thành, nằm sát cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Sau khi nhận mặt bằng bàn giao từ địa phương, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV, chủ đầu tư dự án) đã triển khai các gói thầu san lấp, thoát nước, đóng cọc tại vị trí xây dựng nhà ga hành khách.
Về phần nhà ga, được thiết kế theo hình ảnh hoa sen, gồm 1 tầng trệt và 3 tầng, tổng diện tích sàn 376.451m2; chiều cao đỉnh mái 45,55m; bố trí 40 vị trí đỗ gần cho các máy bay.
DIC Corp (DIG) có động thái mới với khu đô thị 23.000 tỷ tại miền Bắc