Sau khi cài đặt phần mềm BHXH giả, người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 1 tỷ đồng
Do giao diện của phần mềm trông giống thật, nạn nhân đã hoàn toàn tin tưởng và thực hiện các thao tác mà không mảy may nghi ngờ.
Thông tin trên Báo Sức khoẻ và Đời sống chia sẻ, mới đây, chị T, cư trú tại quận Ba Đình (Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại tự xưng là đại diện của cơ quan Bảo hiểm xã hội quận Ba Đình, thông báo sẽ hỗ trợ chị kiểm tra hồ sơ trợ cấp thất nghiệp trực tuyến.
Người gọi yêu cầu chị T sử dụng điện thoại Samsung của mình để cài đặt một phần mềm hỗ trợ xử lý từ xa. Do giao diện của phần mềm này giống hệt giao diện của ứng dụng chị đã cài đặt trên điện thoại iPhone trước đó, chị T hoàn toàn tin tưởng và làm theo các hướng dẫn mà không mảy may nghi ngờ.
Sau đó, khi kiểm tra tài khoản ngân hàng, chị T phát hiện toàn bộ số tiền trong tài khoản đã bị rút sạch. Quá hoảng hốt, chị lập tức đến cơ quan công an để trình báo với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên tới gần 1 tỷ đồng. Tại cơ quan công an, chị T cho biết, mặc dù chị có trình độ về công nghệ thông tin và đã thực hiện các biện pháp bảo mật thông tin tài khoản ngân hàng rất cẩn thận, nhưng vì tin tưởng vào sự phục vụ nhiệt tình và chu đáo của đối tượng gọi điện, chị đã chủ quan và sập bẫy.
Để tránh sập bẫy các chiêu trò lừa đảo giả mạo cán bộ bảo hiểm xã hội và yêu cầu hỗ trợ cài đặt phần mềm Bảo hiểm xã hội VssID giả mạo chứa mã độc. Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân:
Nâng cao cảnh giác: Hãy luôn đề cao cảnh giác trước các cuộc gọi lạ hoặc tin nhắn liên quan đến cán bộ của các cơ quan chức năng. Không nên làm việc, cung cấp thông tin cá nhân, hay thực hiện theo các yêu cầu thông qua điện thoại mà chưa xác minh được thông tin.
Liên hệ xác minh: Khi nhận được cuộc gọi nghi ngờ, hãy liên hệ trực tiếp với các cơ quan chức năng hoặc có thẩm quyền để xác minh thông tin người gọi điện.
Chỉ cài đặt phần mềm chính thức: Chỉ cài đặt những phần mềm đã được cơ quan chức năng công bố trên website chính thức của đơn vị. Tuyệt đối không bấm vào các đường link nhận được qua tin nhắn và không cài đặt ứng dụng không rõ nguồn gốc qua link hoặc file Apk.
Cập nhật kiến thức về an ninh mạng: Thường xuyên cập nhật các phương thức và thủ đoạn hoạt động mới của tội phạm công nghệ cao qua các phương tiện thông tin đại chúng. Đồng thời, tuyên truyền cho người thân và mọi người xung quanh để cùng nâng cao cảnh giác và phòng tránh.
Sập bẫy kẻ lừa đảo 'chu đáo', người phụ nữ ở Hà Nội mất gần 1 tỷ đồng
Cảnh giác thủ đoạn “hỗ trợ” cài đặt sinh trắc học để lừa đảo