Sầu riêng quả tươi đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ
Sầu riêng sẽ là trái cây chủ lực của Đắk Lắk, từ đó việc trồng, chế biến đạt chất lượng tốt để xuất khẩu phát triển bền vững, nâng cao thương hiệu là tất yếu mà chính quyền, doanh nghiệp và người dân hướng đến.
Ngày 2/7/2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức Hội nghị triển khai ngành hàng sầu riêng niên vụ năm 2024. Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT; lãnh đạo Sở, ngành, UBND huyện; các hợp tác xã, tổ hợp tác trồng sầu riêng; doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh chê biến xuất khẩu ngành hàng sầu riêng.
Theo đánh giá tại hội nghị, Sầu riêng quả tươi Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung đã xuất khẩu sang 22 quốc gia và vùng lãnh thổ; sầu riêng đông lạnh là 23 quốc gia và vùng lãnh thổ. Sầu riêng Việt Nam được tiêu thụ chính ở thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hoa Kỳ... Năm 2023 Việt Nam xuất khẩu hơn 603 nghìn tấn sầu riêng, Trong đó, xuất sang Trung Quốc hơn 595 nghìn tấn (chiếm 98,6%), kim ngạch xuất sầu riêng năm 2023 đạt 2,24 tỷ USD. Kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đến hết quý I/2024 đạt gần 57.000 tấn với trị giá thu về 253 triệu USD, tăng 42% về lượng và tăng 63,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Báo cáo tại hội nghị cho thấy, Đắk Lắk là tỉnh có diện tích trồng sầu riêng lớn nhất cả nước, đây là lợi thế để cây sầu riêng trở thành cây ăn quả mũi nhọn của tỉnh. Năm 2023 diện tích sầu riêng toàn tỉnh là 32.785 ha, tăng 10.326,4 ha so với năm 2022; sản lượng đạt 281.350 tấn, tăng 93.364 tấn so với năm 2022. Năm 2024, dự báo diện tích của tỉnh Đắk Lắk khoảng 34.000 - 35.000 ha, sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đã cấp 266 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.292 ha. Về sơ chế, chế biến, toàn tỉnh có 251 cơ sở thu mua, trong đó tập trung tại một số huyện: Krông Pắc 101 cơ sở, Cư M’gar 64 cơ sở, Krông Búk 11 cơ sở, Buôn Hồ 10 cơ sở…. Trong đó, đã có 23 cơ sở đóng gói và 68 vùng trồng với tổng diện tích 2.521 ha đã được Tổng cục Hải quan Trung Quốc cấp mã số phục vụ xuất khẩu. Hiện Đắk Lắk có 198 vùng trồng với diện tích 4.771ha và 10 cơ sở đóng gói quả tươi đang chờ phía Hải quan Trung Quốc phê duyệt; 16 cơ sở đóng gói sầu riêng đông lạnh đang đàm phán với Trung Quốc cấp mã để được xuất chính ngạch.
Về xây dựng nhãn hiệu sầu riêng, tỉnh Đắk Lắk có 2 huyện được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng ký nhãn hiệu là “Sầu riêng Krông Pắc” và nhãn hiệu “Sầu riêng Cư M’gar”. Có 2 huyện đang xây dựng đề án và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là Krông Búk và Ea H’Leo.
Tham luận tại hội nghị: Bà Ngô Tường Vy – Phó chủ tịch Hội sầu riêng tỉnh Đắk Lắk – Tổng Giám đốc công ty cổ phần XNK trái cây Chánh Thu chia sẻ: Sầu riêng vẫn là trái cây phát triển tốt trong nhiều năm tiếp theo. Ngoài thị trường Trung Quốc các doanh nghiệp xấu khẩu đang mở rộng thị trường sang nhiều nước trên thế giới có tiềm năng như: Ấn Độ, các nước khu vực Châu á… Song để ngành sầu riêng phát triển, xuất khẩu thuận lợi thì Việt Nam cần ban hành quy chuẩn về chế biển, bảo quản sau thu hoạch để cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu có cơ sở thực hiện. Hiện nay, các doanh nghiệp áp dụng quy chuẩn chế biến của các nước nhập khẩu sầu riêng để bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu sang thị trường mà doanh nghiệp hướng đến. Do đó, Việt Nam cần đồng bộ quy trình này để hoạt động của doanh nghiệp được thuận lợi. Về việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở chế biến phía Việt Nam cần xúc tiến, đàm phán với Trung Quốc để hoạt động xuất nhập khẩu, tiêu thụ sầu riêng cũng như các loại trái cây khác của Việt Nam và Đắk Lắk được thuận lợi và chính ngạch.
Tham dự phát biểu tại hội nghị ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục chế biến và phát triển thị trường, Bộ NN&PTNT chia sẻ: “Chất lượng sẽ quyết định thương hiệu sầu riêng. Đắk Lắk cần thực thi tốt vấn đề này, định hướng đầu tư cho khoa học công nghệ để phát triển ngành hàng mũi nhọn, hợp tác với Viện nghiên cứu tăng nguồn lực đầu tư nghiên cứu tình hình sâu hại dịch bệnh, tiêu chuẩn để nông dân thực hiện trồng, chăm sóc tốt cho sầu riêng đạt chất lượng xuất khẩu”.
Phát biểu kết luận hội nghị Ông Nguyễn Văn Hà - Phó giám đốc sở Nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk nhận định: Dự báo năm 2024, diện tích sầu riêng cả nước khoảng 151.000 ha; sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn, trong đó diện tích của tỉnh Đắk Lắk khoảng 34.000 - 35.000 ha, sản lượng ước đạt trên 300.000 tấn.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường xuất khẩu, cơ quan chức năng tỉnh sẽ tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao Năng lực quản trị, tổ chức sản xuất của HTX, Tổ hợp tác để quản lý tốt mã số vùng trồng. Lực lượng công an, quản lý thị trường và cả hệ thống chính trị vào cuộc nhằm tránh tình trạng tranh mua, tranh bán, gian lận thương mại. Tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo người dân sử dụng thuốc BVTV đảm bảo nguyên tắc 4 đúng và chỉ thu hoạch sầu riêng khi đảm bảo độ chín. Cơ quan chức năng, doanh nghiệp chủ động kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và một số kim loại nặng... Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm sầu riêng; kiểm tra về pháp lý thương nhân để ngành sầu riêng đi vào hoạt động ổn định, thuận lợi cho việc sản xuất, kinh doanh xuất khẩu sầu riêng bền vững.
>> Bầu Đức tiết lộ mức doanh thu 'khủng' từ 300ha sầu riêng sắp được thu hoạch