Xã hội

Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam

Thái Hà 27/05/2025 07:06

Sau khi sáp nhập, không nhiều nơi tại Việt Nam, thậm chí là cả Đông Nam Á có thể sánh với địa phương này về di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Theo Đề án, tỉnh Quảng NamTP. Đà Nẵng sẽ được sáp nhập, hình thành một thành phố trực thuộc Trung ương mới với tên gọi TP. Đà Nẵng. Trung tâm hành chính – chính trị đặt tại quận Hải Châu, thuộc TP. Đà Nẵng hiện nay.

Đơn vị hành chính mới có diện tích tự nhiên 11.859,6km² và dân số khoảng 2.819.900 người. Đây sẽ trở thành thành phố có quy mô lớn nhất cả nước, diện tích được mở rộng gấp khoảng 9,2 lần so với hiện tại.

Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam - ảnh 1
Đà Nẵng sau khi sáp nhập sẽ là thành phố lớn nhất cả nước. Ảnh: TusA

Sau sáp nhập, Đà Nẵng không chỉ được mở rộng về không gian hành chính mà còn trở thành thiên đường du lịch mới của Việt Nam. Không gian liên hoàn này tạo điều kiện lý tưởng để phát triển nhiều loại hình du lịch: từ nghỉ dưỡng biển, du lịch di sản đến du lịch sinh thái, văn hóa – cộng đồng.

Từ trước đến nay, TP. Đà Nẵng sở hữu nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Với lợi thế về cảng biển và sân bay quốc tế, là cửa ngõ đi và đến các di sản thế giới khu vực miền Trung, cùng nguồn tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống hạ tầng tương đối đồng bộ, môi trường du lịch an toàn, Đà Nẵng đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện đối với du khách trong và ngoài nước.

Đà Nẵng còn nổi tiếng với những cây cầu biểu tượng như cầu Sông Hàn, cầu Thuận Phước, cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý…

Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam - ảnh 2
Dòng sông Hàn chạy qua TP. Đà Nẵng. Ảnh: Nguyễn Trình

Về địa lý, thành phố được thiên nhiên ưu đãi: phía Bắc là đèo Hải Vân – được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”, phía Tây là Khu du lịch Bà Nà Hills – điểm đến hút khách hàng đầu, phía Đông Bắc là bán đảo Sơn Trà với các danh thắng nổi bật như chùa Linh Ứng, đỉnh Bàn Cờ… cùng chuỗi bãi biển đẹp kéo dài từ Sơn Trà đến Non Nước; phía Đông Nam là danh thắng Ngũ Hành Sơn với giá trị văn hóa – tâm linh đặc sắc.

Đà Nẵng còn sở hữu hệ thống thiết chế văn hóa nổi bật như Bảo tàng Nghệ thuật Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Nhà thờ Con Gà… thu hút đông đảo du khách đến tham quan, tìm hiểu bản sắc văn hóa miền Trung.

Các sản phẩm du lịch tại Đà Nẵng ngày càng đa dạng và nâng cao về chất lượng, với nhiều khu, điểm tham quan mới được bổ sung như Làng Pháp, Fantasy Park (thuộc Bà Nà Hills), suối khoáng nóng Núi Thần Tài, khu giải trí Helio Center…

Trong khi đó, Quảng Nam là địa phương giàu tiềm năng du lịch với việc sở hữu hai Di sản văn hóa thế giới là Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn, cùng với Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam - ảnh 3
Phố cổ Hội An nhìn từ trên cao. Ảnh: Tạp chí Kiến trúc & Đời sống

Dọc theo 125km đường bờ biển, Quảng Nam có nhiều bãi tắm nổi tiếng như Thống Nhất, An Bàng, Cửa Đại, Bình Minh, Tam Thanh, Biển Rạng… Trong đó, các bãi biển Hà My, An Bàng và Cửa Đại từng được các trang du lịch uy tín như Rough Guides và CNN Go bình chọn là những bãi biển đẹp và được yêu thích nhất thế giới. Vùng phía Tây tỉnh còn sở hữu hệ sinh thái rừng nguyên sinh đa dạng với nhiều loài động – thực vật quý hiếm.

Quảng Nam cũng là vùng đất có bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa phong phú, hình thành từ quá trình giao thoa giữa các nền văn minh Chăm, Ấn Độ, Nhật Bản, Trung Quốc và phương Tây. Sự phong phú ấy còn được thể hiện qua bản sắc văn hóa đặc trưng của 4 tộc người bản địa sinh sống tại khu vực miền núi.

Bên cạnh tài nguyên thiên nhiên về biển, đảo, sông, hồ, núi rừng với giá trị sinh học cao, nền tảng văn hóa đặc sắc chính là tiền đề để Quảng Nam phát triển du lịch một cách bền vững, đồng thời góp phần nâng cao đời sống người dân và thúc đẩy kinh tế – xã hội địa phương…

Sau khi sáp nhập, không nhiều nơi tại Việt Nam, thậm chí là cả Đông Nam Á có thể sánh với Đà Nẵng – Quảng Nam về mức độ hội tụ di sản, với 3 cái tên danh giá được UNESCO công nhận: Phố cổ Hội An, Thánh địa Mỹ Sơn và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm.

Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam - ảnh 4
Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm. Ảnh: Internet

Sự thanh bình, chậm rãi của Hội An tạo nên nét đối lập đầy cuốn hút so với nhịp sống hiện đại, năng động của Đà Nẵng – chính điều này đã làm nên một “cặp bài trùng” độc đáo mà hiếm nơi nào có được.

Nhờ tuyến đường ven biển chỉ dài khoảng 30km nối liền hai vùng, du khách có thể dễ dàng kết hợp kỳ nghỉ theo kiểu “một chặng – hai trải nghiệm”: buổi sáng lướt sóng ở Mỹ Khê, chiều thả bước bên sông Hoài, tối dạo chợ đêm Hội An hoặc ngược lại – một hành trình vừa thư giãn vừa đậm chất văn hóa.

>> ‘Hòn ngọc Biển Đông’ của Việt Nam từng được UNESCO vinh danh lọt top điểm đến 'du lịch chậm' hàng đầu châu Á

Thủ phủ của Long An trước cuộc sáp nhập thành Tây Ninh mới

Hạn chót 31/5 sẽ có chế độ, tiền lương, phụ cấp trách nhiệm cho cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sau sáp nhập

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/sau-sap-nhap-day-se-la-thien-duong-du-lich-lon-nhat-viet-nam-143268.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Đọc thêm
    Sau sáp nhập, đây sẽ là ‘thiên đường’ du lịch lớn nhất Việt Nam
    POWERED BY ONECMS & INTECH