Một thành phố giàu có của Việt Nam sẽ có 2 đặc khu sau sáp nhập
Hải Phòng dự kiến lập 2 đặc khu Cát Hải và Bạch Long Vĩ, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền và thúc đẩy chiến lược biển đảo quốc gia.
Theo đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã, Hải Phòng dự kiến tổ chức lại 167 đơn vị hiện có để hình thành 50 đơn vị hành chính mới, gồm 24 phường, 24 xã và 2 đặc khu.
Trong đó, đặc khu Cát Hải được đề xuất thành lập trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ huyện Cát Hải hiện nay, gồm 10 xã và 2 thị trấn, với diện tích tự nhiên 286,98km² và dân số khoảng 71.211 người. Trụ sở hành chính dự kiến đặt tại vị trí trụ sở UBND huyện Cát Hải hiện nay.
Cát Hải nắm giữ vị trí chiến lược trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo và đảm bảo an ninh quốc gia. Đặc biệt, quần đảo Long Châu cách đất liền khoảng 50km là tuyến đầu phòng thủ quan trọng, trong khi quần đảo Cát Bà vừa là khu dự trữ sinh quyển thế giới (UNESCO công nhận năm 2004), vừa được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới (cùng với Vịnh Hạ Long năm 2023), nổi bật với hệ sinh thái phong phú, bãi biển nguyên sơ và tiềm năng phát triển du lịch lớn.

Việc thành lập đặc khu Cát Hải không chỉ đi kèm với các chính sách ưu đãi mà còn góp phần tinh gọn bộ máy hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý và tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển kinh tế - xã hội. Chuyển đổi huyện đảo Cát Hải thành đặc khu được kỳ vọng sẽ thúc đẩy kinh tế biển, mở rộng du lịch, cải thiện đời sống người dân và biến nơi đây thành điểm sáng về phát triển kinh tế và quốc phòng của Hải Phòng cũng như cả nước.
Song song đó, Hải Phòng cũng dự kiến thành lập đặc khu Bạch Long Vĩ bằng cách giữ nguyên hiện trạng huyện đảo cùng tên, với diện tích 3,07km² và dân số khoảng 686 người. Trụ sở đặc khu dự kiến đặt tại vị trí hiện tại của UBND huyện Bạch Long Vĩ.

Việc chuyển Bạch Long Vĩ thành đặc khu là một bước đi mang tính chiến lược, nhằm phát huy tối đa tiềm năng và vị trí đặc biệt của hòn đảo nằm xa nhất Vịnh Bắc Bộ, cách đất liền khoảng 110 km. Đảo đóng vai trò then chốt trong bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc phòng trên biển. Tuy nhiên, với quy mô dân cư nhỏ, điều kiện sống còn khó khăn do thiếu nước ngọt, điện và hạ tầng, việc nâng cấp lên đặc khu sẽ tạo điều kiện để đầu tư vào các công trình thiết yếu như cấp nước, năng lượng tái tạo, y tế, giáo dục và giao thông, từ đó cải thiện chất lượng sống và thu hút người dân ra đảo sinh sống lâu dài, tăng cường sự hiện diện bền vững của Việt Nam trên biển.
Chủ trương này cũng phù hợp với định hướng phát triển theo Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045, và Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng. Việc hình thành đặc khu Bạch Long Vĩ góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa đảo tiền tiêu này trở thành trung tâm kinh tế - quốc phòng vững chắc, khẳng định chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
>> Thủ tướng chỉ đạo, hòn đảo 'bí ẩn nhất thế giới ở Việt Nam' có thể mở rộng nhờ san lấp biển
Sau sáp nhập, thành phố có vịnh biển đẹp bậc nhất thế giới của Việt Nam sẽ được mở rộng
Hướng dẫn mới nhất về bàn giao, xử lý tài sản công khi sáp nhập tỉnh