Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông mới đây cho biết, Bộ đã đưa ra quy định về hoạt động livestream sau vụ việc bà Nguyễn Phương Hằng.
Tại buổi chất vấn trước Quốc hội ngày 4/11/2022 vừa qua, các Đại biểu đã đặt câu hỏi về nguyên nhân và trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc lúng túng, chậm xử lý những vi phạm trên mạng xã hội, điển hình là vụ việc của bà Nguyễn Phương Hằng. Cá nhân này thường xuyên đưa tin không kiểm chứng, có lời lẽ xúc phạm đến uy tín, danh dự của nhiều tổ chức, cá nhân.
Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi xử lý vụ việc livestream của cá nhân bà Nguyễn Phương Hằng, lúc đó chưa có quy định pháp luật nào về việc quản lý hành vi livestream. Vì vậy, xử lý vụ việc này phải theo thể chế cũ, xử phạt hành chính hai lần và chuyển cho cơ quan hình sự, công an xử lý.
Tối 24/3/2022, Nguyễn Phương Hằng - Tổng Giám đốc CTCP Đại Nam - vợ ông Huỳnh Uy Dũng (Dũng "lò vôi") đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (PC01) Công an TP. HCM bắt về hành vi Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân theo Điều 331 Bộ Luật Hình Sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Trước đó, bà Nguyễn Phương Hằng đã nổi tiếng trên khắp các trang mạng xã hội bởi những "lùm xùm" liên quan tới vấn đề từ thiện của nhiều nghệ sĩ cũng như những phát ngôn nhạy cảm liên quan đến nhiều cá nhân khác.
Sau những vụ việc này, Bộ đã đưa vào Nghị định 72 quy định rõ về hoạt động livestream. Theo đó, hoạt động này chỉ những người được đích danh trên môi trường số mới được thực hiện, cá nhân phải công bố địa điểm, thời gian livestream và nếu dùng livestream để bán hàng phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.
Xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên nền tảng số
Một số Đại biểu đã đề cập tác hại của mạng xã hội trong giáo dục. Theo bà Nga, không gian mạng xã hội đã “len lỏi” vào trong nhà trường, tác động đến những hành vi gian dối, ngông cuồng, hoang tưởng, định hướng lệch lạc, lối sống ảo, thực dụng và ích kỷ.
Bộ trưởng Hùng cho rằng, đây là câu chuyện nhức nhối. Rất nhiều người nghĩ rằng không gian mạng là vô danh, ảo nên phát ngôn thiếu trách nhiệm.
Theo quy định của dự thảo Nghị định 72, các chủ mạng xã hội phải xác thực danh tính khi người dân đăng ký để khi cơ quan điều tra yêu cầu thì phải cung cấp được danh tính của người sử dụng tài khoản. Theo ông Hùng, đây là giải pháp mạnh mẽ để mọi người có trách nhiệm hơn.
Về việc xây dựng văn hóa, lãnh đạo Bộ TTTT nêu quan điểm mạng xã hội là môi trường sống mới nên phải có văn hóa số. “Ở ngoài đời, mình nói một câu rất to thì chỉ có vài người đứng xung quanh nghe thấy. Nhưng khi lên mạng viết một câu là có thể 1 triệu người nhìn thấy. Đây là điểm khác biệt trong ứng xử”, ông Hùng nói.
Do đó, việc đầu tiên, ông Hùng cho rằng cần xây dựng bộ quy tắc ứng xử trên môi trường số. Hiện, Bộ TTTT đã ban hành bộ quy tắc mẫu và hy vọng rằng các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào đó ban hành quy tắc cho riêng cơ quan, tổ chức của mình.
Bộ trưởng cho biết, năm 2023, Bộ sẽ đánh giá sơ kết việc thực hiện bộ quy tắc này. Giải pháp căn cơ thì nên đi hai chân, một là pháp luật và hai là văn hóa.
Bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 kênh mạng xã hội để thông tin xuyên tạc
Xem thêm các bài viết liên quan: #hành trình trở thành "hot livetream" của bà Nguyễn Phương Hằng #bà Nguyễn Phương Hằng được tại ngoại