Chia sẻ về sai lầm lớn nhất khiến bản thân phải hối hận, Shark Bình thừa nhận do trong quá khứ phải đứng trước áp lực của gia đình và do không dám dấn thân.
Trong một clip được Shark Nguyễn Hòa Bình – Chủ tịch Tập đoàn NextTech đăng tải trên trang cá nhân của mình gần đây, ông nói rằng: “Nếu tiếp tục học chương trình Tiến sĩ theo diện học bổng toàn phần Nhật Bản, có lẽ tôi sẽ không có được như ngày hôm nay.
Sai lầm lớn nhất khiến tôi phải hối hận là không dám dấn thân, không dám ra khỏi vùng an toàn sớm hơn.”
Shark Bình sở hữu bề dày thành tích hoạt động ngoại khóa cùng các giải thưởng nhờ sự nỗ lực trong quá trình là sinh viên. Bởi vậy, sau khi tốt nghiệp đại học vào cuối năm 2004, ông được một người thầy là Giáo sư ở Nhật Bản liên hệ và trao cho một suất học bổng toàn phần - một quá trình học Thạc sĩ và Tiến sĩ trong 7 năm.
Đây là một học bổng danh giá, để chinh phục được nó là rất khó khăn bởi Chính phủ Nhật Bản chỉ trao 20 suất/1 năm cho những gương mặt tiêu biểu xuất sắc ở Việt Nam. Bởi vậy, học bổng toàn phần của Chính phủ Nhật Bản đã thu hút đông đảo sự quan tâm của sinh viên Việt Nam. Khi ấy, có 2000 thí sinh tham gia thi xét tuyển học bổng, tức tỷ lệ chọi gắt gao 1/100.
Nhờ có sự giúp đỡ của Giáo sư, Shark Bình là trường hợp đặc biệt được đặc cách, miễn thi tuyển. “Ở thời điểm đó, đứng trước áp lực của gia đình và phần lớn do không dám dấn thân, tôi đã lựa chọn đi du học. Thế nhưng, niềm đam mê và khát khao khởi nghiệp, kinh doanh như một ngọn lửa âm ỉ, thôi thúc tôi phải lựa chọn hướng đi mới.” - ông nói.
Sau khi hoàn thành chương trình học Thạc sĩ trong 2,5 năm tại Nhật, Shark Bình xin phép Giáo sư và quyết tâm trở về Việt Nam theo đuổi đam mê. Bởi ông nhận ra, “việc du học khiến bản thân bị mất thời gian - tập trung”. Đó chính là sai lầm khiến Shark Bình cảm thấy tiếc nuối nhất đến tận bây giờ.
Ông cho biết thêm: “Nếu bản thân không mất 2,5 năm học khiến mất tập trung cho việc khởi nghiệp, thì bây giờ có lẽ NextTech Shark Bình có thể ở một tầm cao khác. Còn lại, hãy tưởng tượng một ông Nguyễn Hoà Bình khác, tuổi 40, đang cặm cụi tham gia nghiên cứu ở một Viện nghiên cứu, một trường đại học nào đó hay viết luận án thuê để kiếm được vài triệu. Khi ấy, tổng thu nhập cá nhân chắc chỉ được 10 - 15 triệu đồng/tháng. Nếu điều đó xảy ra, chắc chắn tôi phải ôm mối hận to lớn hơn.”
Theo Shark Bình, may mắn nhất của ông là kịp thời thoát được “ước mơ của hàng triệu người Việt - học xong đại học tiếp tục lên thẳng Thạc sĩ, rồi lại lên Tiến sĩ”, để tự tìm hướng đi mới cho bản thân.