Shopee đang thực hiện kế hoạch cắt giảm nhân sự quy mô lớn tại thị trường Đông Nam Á và Đài Loan trong bối cảnh các khoản lỗ ngày càng "phình to".
Cắt giảm nhân sự quy mô lớn
Nhiều trang tin truyền thông địa phương các quốc gia Đông Nam Á gồm Philippines, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và thậm chí cả ở ngoài khu vực Đông Nam Á là Đài Loan mới đây đều đã đưa tin về việc Shopee đang thực hiện kế hoạch sa thải nhân sự quy mô lớn.
Gã khổng lồ thương mại điện tử Shopee đang cắt giảm quy mô đội ngũ nhân sự của mình ở Đài Loan và Philippines như là một trong những nỗ lực nhằm tiếp tục các biện pháp cắt giảm chi phí trên toàn cầu, theo Tech in Asia.
Tờ Taiwan News mới đây đã đưa tin xác nhận từ Shopee rằng họ đã sa thải nhân viên khỏi các văn phòng của mình tại thị trường. Trang tin địa phương cũng cho biết hàng chục nhân viên đã được yêu cầu thu dọn đồ đạc và rời đi từ ngày 26/9, thời điểm họ nhận được thông báo.
Trong khi đó, trang tin tức Inquirer của Philippines trích dẫn các nguồn tin rằng việc sa thải nhân sự của Shopee ở nước này sẽ làm giảm lực lượng lao động xuống “một tỷ lệ phần trăm thấp ở mức một con số”. Trang tin này cũng nói thêm rằng động thái của Shopee có thể sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động cốt lõi của công ty tại thị trường Philippines.
Một đại diện từ Shopee Philippines đã xác nhận việc sa thải với tờ Inquirer, đồng thời cho biết những thay đổi này là một phần trong nỗ lực của Shopee nhằm “đạt được khả năng tự chủ tài chính” và sẽ mở rộng hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng trong quá trình chuyển đổi.
Trước đó vài ngày, trang tin The Thaiger đã đăng tải thông tin về việc Shopee bắt đầu tính phí tái cơ cấu lớn, bao gồm kế hoạch sa thải thêm nhân viên tại Shopee Thái Lan. Cụ thể, khoảng 10% việc làm sẽ bị cắt giảm và dự kiến sẽ ảnh hưởng tới khoảng 100 nhân viên ở thị trường này.
Trong khi đó, Tech in Asia cũng đã đưa tin về việc làn sóng sa thải nhân sự cũng đã lan sang tới thị trường Malaysia. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, sàn thương mại điện tử hàng đầu Đông Nam Á đã cắt giảm một loạt nhân sự ở nhiều thị trường trong khu vực.
Những đợt sa thải mới này của Shopee theo sau việc công ty thương mại điện tử có trụ sở tại Singapore cắt giảm hoạt động trên toàn cầu, bao gồm cả việc cắt giảm nhân sự ở thị trường quê nhà Singapore cũng như tại các văn phòng ở Trung Quốc và Indonesia. Công ty đã sa thải 180 nhân viên tại các thị trường này, tương đương khoảng 3% lực lượng lao động của mình.
Các nhân viên của công ty tại Indonesia đã được thông báo về tin này vào ngày 26/9. Nguồn tin bên trong công ty nói rằng đợt cắt giảm 3% nhân sự tại Shopee Indonesia này được thực hiện song song với các đợt cắt giảm khoảng dưới 10% nhân sự ở các bộ phận khác. Những nhân viên bị sa thải sẽ được nhận trợ cấp thôi việc và bồi thường.
Đầu tháng này, việc sa thải đã ảnh hưởng đến 4 trong số các hoạt động của Shopee ở khu vực Mỹ Latinh, nơi công ty đã rút khỏi Argentina và đóng cửa các hoạt động địa phương ở Chile, Colombia và Mexico. Vào tháng 3, Shopee cũng đã đóng cửa các hoạt động tại hai thị trường là Pháp và Ấn Độ dù mới chỉ bắt đầu hoạt động ở cả hai quốc gia này một năm trước đó.
Trong báo cáo tài chính quý II, Sea Group thông báo họ sẽ tạm dừng việc đưa ra dự báo về doanh thu năm cả 2022 cho sàn thương mại điện tử Shopee, đơn vị đóng góp khoảng 60% tổng doanh thu của tập đoàn trong quý trước.
Bị kêu gọi tẩy chay ở Philippines
Cũng liên quan tới thị trường Philippines, sàn thương mại điện tử Shopee mới đây đã vướng vào một làn sóng kêu gọi “tẩy chay” trên mạng xã hội của quốc gia Đông Nam Á này.
Theo các báo cáo truyền thông địa phương, người dùng đã sử dụng các nền tảng như Twitter và Facebook để kêu gọi người khác gỡ cài đặt và xóa ứng dụng sau khi công ty chọn người nổi tiếng Philippines Toni Gonzaga làm đại sứ thương hiệu mới nhất.
Động thái mới nhất của Shopee tại Philippines đã gây ra một làn sóng phẫn nộ bởi nhiều người không biết công ty đã lấy đâu ra tiền để thuê Toni Gonzaga trong khi vừa thông báo sa thải một loạt nhân sự để cắt giảm chi phí. Một số người bán hàng trên Shopee cũng đã lên tiếng trên phương tiện truyền thông xã hội, đe dọa sẽ rời khỏi nền tảng này sau sự xuất hiện của Gozaga trong vai trò đại sứ thương hiệu.
Ngoài việc là một nhân vật trong giới showbiz, Gonzaga còn được biết đến với vai trò là người lên tiếng ủng hộ Tổng thống Philippines hiện tại Ferdinand Marcos Jr, điều này dường như là một điểm gây tranh cãi khác giữa những người dùng. Hiện Shopee vẫn chưa đưa ra bình luận về vấn đề này.
Trước đó, công ty thuộc sở hữu của Sea Group có trụ sở chính tại Singapore đã chính thức thông báo về việc mời Gonzaga làm đại sứ thương hiệu tại Philippines vào ngày 29/9, theo The Philippine Star.
Trong một tuyên bố với một tờ báo địa phương khác, Philippine Daily Inquirer, Shopee cho biết người nổi tiếng này được chọn vì "sức hút quần chúng" chứ không phải "khuynh hướng chính trị".
Lời kêu gọi tẩy chay Shopee có thể mang lại lợi ích cho đối thủ cạnh tranh Lazada, với một số người nói rằng họ sẽ chuyển sang nền tảng thương mại điện tử được hậu thuẫn bởi gã khổng lồ Alibaba này.
Hạn chế thua lỗ, Shopee sa thải hàng nghìn nhân sự tại thị trường Đông Nam Á
Viettel Post sắp ra mắt sàn thương mại điện tử, người Việt có thể mua hàng quốc tế 'siêu tiện lợi'
Từng được định giá 13.800 tỷ đồng, hệ sinh thái Tiki giờ có những gì?