Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay

12-06-2023 16:17|Linh Nhi

Việc thu hẹp room tín dụng làm dấy lên lo ngại về tình trạng các doanh nghiệp lớn rơi vào tình trạng bị đứt gãy nguồn vốn.

Dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (TCTD) sửa đổi có đề xuất, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng không được vượt quá 10% vốn tự có của các TCTD, trong khi luật hiện hành quy định tỷ lệ này là 15%.

Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ cấp tín dụng tối đa đối với một khách hàng và người có liên quan cũng được hạ từ 25% xuống còn 15% vốn tự có.

"Siết giới hạn cấp tín dụng, thiệt cả ngân hàng và người đi vay"

Đóng góp ý kiến về những sửa đổi này, tại phiên họp quốc hội vừa qua, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh) cho biết, việc điều chỉnh theo hướng giảm tỷ lệ tối đa cho vay khách hàng sẽ gây khó khăn cho người đi vay, đặc biệt là các doanh nghiệp.

Vì doanh nghiệp phải tiếp cận cùng lúc với nhiều ngân hàng mới đảm bảo đủ nguồn lực tài chính để triển khai dự án. Các chi phí liên quan đến tài chính cũng sẽ cao hơn rất nhiều, đặc biệt là cũng sẽ giảm sức cạnh tranh của ngân hàng.

Mặt khác, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cũng đã nêu rõ, kinh nghiệm quốc tế đang quy định hạn mức này cao hơn so với luật hiện hành.

Đại biểu nói thêm, ngay ở hiện tại, quy định hạn mức tối đa cũng đã gây khó cho các tổ chức kinh tế. Nhiều doanh nghiệp hay dự án lớn do không được cấp đủ vốn tín dụng phải đi huy động từ các nhiều nguồn khác.

Ngoài ra, việc doanh nghiệp phải vay tại nhiều ngân hàng, phải đáp ứng nhiều điều kiện khác nhau của các tổ chức tín dụng, trong khi lại không có nguồn tài trợ chính cũng sẽ có thể dẫn đến nhiều rủi ro, khi hoạt động kinh doanh không thuận lợi hay xảy ra tranh chấp.

Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Bảo (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: Quốc hội)

Đại biểu Trần Chí Cường (TP. Đà Nẵng) cho rằng, bên cạnh việc thu hẹp khá lớn về room tín dụng được cấp cho khách hàng như vừa nêu trên, do dự thảo luật còn mở rộng định nghĩa phạm vi, đối tượng về người có liên quan, đó là công ty con của công ty con của tổ chức tín dụng, mở rộng người có liên quan hệ huyết thống.

Điều này dẫn đến tổng dư nợ cấp tín dụng cho nhóm khách hàng sẽ thấp hơn trước rất nhiều. Ngân hàng có thể cũng sẽ bị thu hẹp lượng khách hàng và khách hàng cũng sẽ bị thu hẹp về nguồn vốn được tiếp cận.

Như vậy, có thể gây tác động bất lợi kép cho cả khách hàng và ngân hàng.

Vấn đề này có thể ảnh hưởng lớn và tức thời, đó là nguồn cung vốn cung ứng cho nền kinh tế bị hạn chế hơn, trong bối cảnh nhiều khó khăn như hiện nay, kinh tế giảm sút, lãi suất tăng cao, tín dụng tăng trưởng thấp, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp vào nền kinh tế yếu, kênh huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhiều vấn đề nên gần như không đảm bảo vai trò huy động vốn cho phát triển.

Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay
Đại biểu Trần Chí Cường - đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng

Đồng tình với ý kiến này, đại biểu Nguyễn Việt Hà (Tuyên Quang cũng cho rằng, việc thay đổi tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng của tổ chức tín dụng cho 1 khách hàng và người liên quan cần có lộ trình thực hiện phù hợp để đảm bảo không gây đứt gãy đột ngột nguồn vốn hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dẫn đến rủi ro cho cả ngân hàng và khách hàng.

Lý do là, hiện nay, hoạt động kinh doanh hằng ngày của các doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào nguồn vốn tín dụng đang được các tổ chức tín dụng cấp. Trên thực tế, khi chưa thực hiện điều chỉnh giảm thì đã có doanh nghiệp gần như chạm trần tỷ lệ giới hạn cấp tín dụng tại tất cả các ngân hàng thương mại nhà nước.

Không chỉ các tập đoàn kinh tế tư nhân, mà các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện các dự án trọng điểm của nền kinh tế cũng có nguy cơ thiếu vốn.

Vốn phụ thuộc vào ngân hàng sẽ tiềm ẩn rủi ro

Trước lo lắng của các đại biểu Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, trên thực tế, với hoạt động ngân hàng của Việt Nam thì nhu cầu đầu tư của doanh nghiệp phụ thuộc rất lớn vào hệ thống ngân hàng.

Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước - Nguyễn Thị Hồng.

Các tổ chức quốc tế cũng cảnh báo rằng nếu như nhu cầu đầu tư tiếp tục phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng thì cũng sẽ tiềm ẩn rủi ro bất cứ khi nào mà kinh tế thế giới, trong nước có những biến động phức tạp, ảnh hưởng đến doanh nghiệp và người dân thì sẽ ảnh hưởng đến ngân hàng.

Khi ngân hàng ảnh hưởng thì domino sẽ rất hệ lụy đến nền kinh tế.

Chính vì vậy, đồng bộ với việc phát triển ngành ngân hàng thì các thị trường như thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp cần phải được phát triển đồng bộ. Hiện nay, Chính phủ đang có các giải pháp để hướng đến điều đó.

Mặc dù giảm room tín dụng được cấp cho một khách hàng hoặc nhóm khách hàng sẽ khiến doanh nghiệp khó khăn tiếp cận vốn, song Thống đốc cho rằng, Ngân hàng Nhà nước đã cho phép cơ chế là các tổ chức tín dụng đồng tài trợ.

Mặc dù vậy, trước băn khoăn của đại biểu Quốc hội, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục rà soát để quy định làm sao cho phù hợp và đảm bảo nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nhưng vẫn đảm bảo an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng.

Tạo điều kiện để thị trường vốn phát triển

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/siet-ty-le-cap-tin-dung-voi-khach-hang-lon-thiet-ca-ngan-hang-va-nguoi-di-vay-187401.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Siết tỷ lệ cấp tín dụng với khách hàng lớn: Thiệt cả ngân hàng và người đi vay
    POWERED BY ONECMS & INTECH