Siêu cường đụng độ: Quốc gia Trung Đông sắp tung ‘đòn giáng’ mạnh mẽ vào tháng 12 khiến kinh tế nước Nga có thể rơi vào ‘khủng hoảng’
Kinh tế nước Nga có thể gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đảm bảo nguồn thu từ dầu mỏ nếu Ả Rập Xê-Út khiến giá dầu toàn cầu giảm mạnh.
Quốc gia Trung Đông đã báo hiệu rằng giá dầu có thể giảm xuống mức 50 USD/thùng nếu Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) không cam kết cắt giảm sản lượng.
Theo Business Insider (BI), Ả Rập Xê-Út đang cảnh báo rằng họ có thể tăng cường sản xuất và cung cấp dầu nhiều hơn ra thị trường toàn cầu, làm cho nguồn cung dầu thừa thãi. Khi có quá nhiều dầu trên thị trường, giá dầu sẽ giảm mạnh do cung vượt cầu.
Động thái này của Ả Rập Xê-Út nhằm gây sức ép lên những thành viên của OPEC - không tuân thủ quy định cắt giảm sản lượng dầu - trong đó có Nga. Khi giá dầu giảm xuống, các quốc gia này sẽ gặp khó khăn trong việc kiếm tiền từ xuất khẩu dầu vì giá bán thấp. Điều này đặc biệt ảnh hưởng đến Nga, vốn phụ thuộc rất nhiều vào nguồn thu từ dầu để tài trợ cho các hoạt động kinh tế.
“Nga hiện đang phải bán dầu với giá rẻ hơn mức giá bình thường (giá chiết khấu), chi phí để khai thác và sản xuất dầu của họ cũng cao hơn so với nhiều quốc gia khác. Vì vậy, nếu giá dầu trên thị trường toàn cầu giảm mạnh, tài chính của Nga sẽ gặp khó khăn”, Luke Cooper, nhà nghiên cứu tại Trường Kinh tế London, viết trong Tạp chí IPS Journal.
Ả Rập Xê-Út, quốc gia lãnh đạo chủ chốt của OPEC đã cố gắng giữ giá dầu ở mức cao hơn 100 USD/thùng bằng cách yêu cầu các nước thành viên cắt giảm sản lượng dầu. Mục đích của việc này là giảm nguồn cung để đẩy giá lên.
Tuy nhiên, dù đã cố gắng, giá dầu trên thị trường quốc tế hiện vẫn dưới 80 USD/thùng, điều này cho thấy kế hoạch chưa đạt hiệu quả. Để thay đổi chiến lược, theo các nguồn tin từ tờ Financial Times, Ả Rập Xê-Út dự định tăng sản lượng dầu vào tháng 12.
Dữ liệu từ S&P Global Ratings cho thấy Nga nằm trong số các quốc gia thành viên OPEC+ (nhóm mở rộng của OPEC) vượt quá sản lượng cho phép.
Vào tháng 7, Nga đã sản xuất nhiều hơn 122.000 thùng dầu so với hạn ngạch hàng ngày được thỏa thuận. Không chỉ Nga, Iran và Kazakhstan cũng vi phạm các giới hạn sản lượng mà họ đã đồng ý với OPEC.
Tình thế “tiến thoái lưỡng nan” của Nga
Simon Henderson, Giám đốc chương trình Chính sách Vùng Vịnh và Năng lượng tại Viện Washington cho rằng một số thành viên trong liên minh OPEC+ có thể đã sản xuất vượt hạn ngạch để tối đa hóa lợi nhuận cá nhân, bất chấp các thỏa thuận cắt giảm sản lượng.
Đối với Nga, họ đang chịu áp lực phải thu về càng nhiều tiền từ xuất khẩu dầu càng tốt, vì cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến chi tiêu cho quốc phòng và an ninh tăng lên đáng kể trong ba năm qua. Năm tới, các lĩnh vực này sẽ chiếm 40% tổng chi tiêu liên bang của Nga.
Tài chính của Nga cũng phụ thuộc nhiều vào doanh thu từ dầu mỏ. Cách đây vài năm, khí đốt và dầu mỏ đã đóng góp 35%-40% vào doanh thu ngân sách của quốc gia, theo thông tin từ Bộ trưởng Tài chính Nga.
Chính vì sự phụ thuộc này, phương Tây đã cố gắng hết sức để hạn chế lợi nhuận từ dầu mỏ của Nga. Một trong những biện pháp là mức giá trần 60 USD/thùng mà Nhóm G7 áp đặt lên dầu thô của Nga.
Nga đã có thể né tránh mức giá trần do phương Tây áp đặt bằng cách sử dụng các tàu chở dầu không đăng ký, thường được gọi là
“tàu bóng đêm” để vận chuyển dầu mà không bị kiểm soát. Tuy nhiên, lời cảnh báo từ Ả Rập Xê-Út về việc giảm giá dầu xuống mức 50 USD/thùng có thể là thách thức lớn hơn đối với Nga.
Tình hình có thể càng trở nên tồi tệ hơn nếu động thái tăng sản lượng dầu của Ả Rập Xê-Út gây ra một cuộc xung đột giá dầu giữa hai nước.
Ông Henderson nhận định rằng kịch bản này có khả năng xảy ra, dựa trên kinh nghiệm từ một sự kiện tương tự vào năm 2020, khi những bất đồng về cắt giảm sản lượng dầu giữa hai quốc gia này đã dẫn đến việc cả hai đều tăng cường cung cấp dầu ra thị trường, tạo ra một cuộc chiến về giá.
Trong những tình huống như vậy, dự trữ ngoại hối trở nên vô cùng quan trọng, và điều này đang tạo ra khó khăn cho Nga. Sau cuộc xung đột với Ukraine, Nga hiện không còn khả năng tiếp cận các loại tiền tệ phương Tây để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của mình, làm tăng thêm rủi ro tài chính khi giá dầu giảm.
Theo BI
>> 3 'mối nguy' áp sát kinh tế Nga, chuyên gia cảnh báo ông Putin lâm vào thế khó