Bệnh lạ khiến 72 người tử vong, 1.676 ca nhiễm bệnh: Bộ Y tế Thái Lan phát cảnh báo khẩn cấp
Mưa lớn và lũ lụt làm gia tăng nguy cơ bệnh tật cho nông dân và người dân vùng trũng thấp.
Bộ Y tế Thái Lan vừa phát đi cảnh báo về bệnh melioidosis (hay còn gọi là bệnh Whitmore), căn bệnh đã khiến 72 người tử vong và 1.676 ca mắc trên toàn quốc.
Bệnh này có thể lây nhiễm qua tiếp xúc với đất hoặc nước bị ô nhiễm, hoặc thậm chí qua việc hít phải bụi nhiễm khuẩn. Người dân được khuyến cáo tránh lội nước, bùn và chỉ nên ăn thực phẩm nấu chín. Nếu có triệu chứng nghi ngờ, người dân cần đến cơ sở y tế ngay lập tức.

>> TPHCM: Phát hiện ca bệnh nhiễm 'vi khuẩn ăn thịt người'
Ngày 10/7 vừa qua, Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC), Bộ Y tế Công cộng Thái Lan, bác sĩ Panumas Yanawet Sakul cảnh báo rằng các trận mưa liên tục ở một số khu vực đang khiến điều kiện môi trường ẩm ướt, dễ phát sinh dịch bệnh.
Những người sống ở vùng dễ ngập lụt, nông dân và người thường xuyên làm việc với đất, nước là nhóm có nguy cơ cao nhiễm bệnh melioidosis.

Vi khuẩn gây bệnh tồn tại trong đất và nước, có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết xước trên da, qua ăn uống thực phẩm hay nước bị nhiễm khuẩn, hoặc hít phải bụi nhiễm khuẩn. Thời gian ủ bệnh thường kéo dài từ 4 đến 9 ngày, nhưng cũng có thể xuất hiện sớm chỉ sau 1 ngày hoặc muộn đến cả năm, tùy mức độ phơi nhiễm và hệ miễn dịch của từng người.
Triệu chứng của bệnh melioidosis không đặc hiệu, có thể giống với nhiều bệnh truyền nhiễm khác, từ nhiễm khuẩn khu trú đến nhiễm trùng toàn thân.
Các biểu hiện thường gặp gồm sốt, ho, khó thở. Trong các trường hợp nặng, người bệnh có thể bị áp-xe ở da, phổi, gan hoặc lá lách, dễ dẫn đến nhiễm trùng máu, gây khó khăn cho việc chẩn đoán, đòi hỏi phải xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn trong phòng thí nghiệm để xác nhận và điều trị.
>> Đi khám 3 lần, người đàn ông mới phát hiện mắc 'vi khuẩn ăn thịt người'
Theo bác sĩ Panumas, dữ liệu từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm kỹ thuật số của Cục Dịch tễ học cho thấy, từ ngày 1/1 đến ngày 9/7 đã ghi nhận 1.676 ca mắc và 72 ca tử vong vì bệnh melioidosis.
Nhóm tuổi có số ca mắc bệnh lạ này cao nhất là từ 60 tuổi trở lên (693 ca), tiếp theo là nhóm từ 50–59 tuổi (449 ca) và từ 40–49 tuổi (247 ca).
Theo báo KhaoSod, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất là vùng Đông Bắc Thái Lan, với tỉnh Mukdahan có tỷ lệ mắc cao nhất, trung bình 15,82 ca trên 100.000 dân, tiếp theo là Yasothon (11,10), Bueng Kan (9,77), Nakhon Phanom (9,66) và Buriram (8,64).
Phó Cục trưởng Cục Kiểm soát dịch bệnh, bác sĩ Direk Khamphan đã nêu ra các biện pháp phòng ngừa bệnh melioidosis, trong đó có tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước; sử dụng thiết bị bảo hộ như ủng cao su, găng tay khi làm việc; rửa tay, chân sạch sẽ bằng xà phòng sau khi tiếp xúc.

Nếu có vết thương, người dân cần sát trùng ngay và không nên để vết thương tiếp xúc với đất hoặc nước cho đến khi lành; chỉ nên ăn thực phẩm nấu chín, uống nước đóng chai tiêu chuẩn hoặc nước đã đun sôi.
Người dân cũng cần tránh hít phải bụi và không nên dầm mưa. Những người bị sốt cao kéo dài quá 2 ngày – đặc biệt là nông dân hoặc người mắc bệnh tiểu đường – cần đến bác sĩ kiểm tra ngay. Để biết thêm thông tin, người dân Thái Lan có thể liên hệ đường dây nóng của Cục Kiểm soát dịch bệnh theo số 1422.
Theo The Thaiger/KhaoSod
Bộ Y tế: Đề xuất hỗ trợ tiền mặt, hiện vật với gia đình sinh con một bề, có 2 con gái
Nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á ôm núi nợ hơn 700.000 tỷ đồng