Thế giới

Thế trận 3 bên phức tạp, EU căng mình trước sức ép Mỹ - Trung

Nhật Hạ 12/07/2025 - 07:02

Đàm phán với hai siêu cường không hề dễ dàng.

Thế trận ba bên phức tạp

Hiện nay, châu Âu đang bị cuốn vào vòng đàm phán thương mại căng thẳng với cả hai siêu cường thế giới. Thuế đối ứng vẫn đang treo lơ lửng và đàm phán thương mại chưa có nhiều tiến triển. Cùng lúc, châu Âu cũng đang cố gắng tái thiết quan hệ với Trung Quốc, với một hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra trong tháng 7.

Kết quả là một thế trận ba bên đầy phức tạp. Châu Âu ngày càng phải cân nhắc cách Mỹ ứng xử với Trung Quốc sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế và an ninh của chính mình. “Trong tam giác này, mỗi bên đều dè chừng hai bên còn lại”, theo Steven Everts thuộc Viện Nghiên cứu An ninh EU, cơ quan tư vấn nội bộ của khối.

Và châu Âu đang ở vị thế đặc biệt dễ bị tổn thương. Trong khi cuộc chiến Nga–Ukraine vẫn đang tiếp diễn, cả chính quyền Trump ở Mỹ và ông Tập Cận Bình ở Trung Quốc đều có quan điểm đối lập với lợi ích an ninh của châu Âu. Nền kinh tế châu Âu vốn đã trì trệ, giờ lại càng bị đe dọa bởi thuế quan từ Mỹ và sự cạnh tranh từ Trung Quốc.

Trung Quốc dường như đang tận dụng cơ hội để lấy lòng châu Âu. Hôm 30/4, Trung Quốc đã dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt từ năm 2021 đối với một số nghị sĩ và cơ quan của Nghị viện châu Âu. Dù đây là nhượng bộ không đáng kể đối với ông Tập, nhưng Trung Quốc cũng đang đẩy mạnh ngoại giao cấp địa phương. Ví dụ, quan hệ đối tác giữa tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc) và bang đông dân nhất của Đức – Bắc Rhine-Westphalia – vốn đã bị gián đoạn nhiều năm, nay đang được khôi phục từ phía Trung Quốc với kế hoạch tổ chức chuyến thăm cấp cao.

3.jpg
Trung Quốc, thương mại hàng hóa, tháng 4/2025, % thay đổi xuất khẩu và nhập khẩu so với mức trung bình hàng tháng năm 2024 (Ảnh: The Economist)

EU đang cân nhắc cách phản ứng. Một số người xem đây là cơ hội để châu Âu thể hiện rằng mình có các lựa chọn khác, gửi thông điệp đến ông Trump. “Chính phủ Tây Ban Nha cho rằng BRICS là một phần quan trọng của trật tự thế giới mới, và điều cần thiết là chúng ta phải học cách làm việc với họ”, theo Toni Roldan thuộc viện nghiên cứu EsadeEcPol tại Madrid. Trong khi đó, Chính phủ mới của Đức vẫn giữ giọng điệu cứng rắn. Ủy ban châu Âu được giao nhiệm vụ đầy thử thách là định hình một lập trường thống nhất trước hội nghị thượng đỉnh với Trung Quốc dự kiến diễn ra tại Bắc Kinh trong tháng 7 (ban đầu định tổ chức tại Brussels, nhưng ông Tập từ chối đến thăm).

3-2.jpg
Giá trị thương mại công nghệ ít carbon hàng năm (tỷ USD); bao gồm tua-bin gió, tấm pin mặt trời và thiết bị thu giữ carbon. Biểu đồ thể hiện số liệu của Trung Quốc, Đức và Mỹ. (Ảnh: The Economist)

Mối quan tâm hàng đầu của châu Âu tại hội nghị là hiện tượng chuyển hướng thương mại — hệ quả từ các cuộc chiến thương mại do ông Trump khởi xướng, khi hàng hóa vốn được sản xuất cho thị trường Mỹ nay có nguy cơ tràn sang châu Âu.

Một nhóm công tác của EU đang theo dõi dữ liệu hải quan và vận chuyển – những con số ban đầu cho thấy xuất khẩu vào châu Âu đang tăng vọt. Điều này càng khiến châu Âu lo ngại về tình trạng sản xuất dư thừa ở Trung Quốc, khiến hàng hóa được trợ giá tràn vào thị trường EU. Đặc biệt là các sản phẩm công nghệ sạch như tua-bin gió, tấm pin mặt trời và thiết bị tiết kiệm năng lượng, khi Trung Quốc ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường châu Âu trong lúc lại giảm dần nhập khẩu từ chính khu vực này.

Một thỏa thuận đổi chác đầy rắc rối?

Dù điều này mang lại lợi ích cho người tiêu dùng châu Âu, nhưng lại gây tổn hại cho các nhà sản xuất trong khu vực. Vì vậy, EU muốn bổ sung các biện pháp bảo vệ. Khối này vừa áp thuế chống trợ cấp đối với một số thiết bị công nghiệp, ngoài các mức thuế chống bán phá giá đã ban hành từ tháng 1.

Đối với xe điện, EU muốn Trung Quốc chấp nhận "cam kết về giá" thay cho các mức thuế hiện tại – tức là đặt ra giá tối thiểu đối với ô tô nhập khẩu. Phía châu Âu sẽ lập luận rằng Trung Quốc vẫn cần thị trường duy nhất - nơi còn tương đối mở đối với hàng hóa Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể sẽ tỏ ra tự tin hơn và phản bác lại, nhấn mạnh vào khả năng chống chịu kinh tế. Ông Tập Cận Bình cũng chắc hẳn nhận thấy rằng các nước lớn trong EU đang phải đối mặt với làn sóng dân túy cực hữu ngày càng mạnh, và khó có thể trụ vững nếu xung đột kinh tế leo thang – điều mà Trung Quốc có thể chịu đựng.

Yêu cầu thứ hai của châu Âu là có thêm lợi ích kinh tế. Các doanh nghiệp châu Âu đang chứng kiến thị phần của mình tại Trung Quốc bị thu hẹp. Trong khi đó, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào châu Âu đã chuyển từ việc mua lại công ty và công nghệ châu Âu sang đầu tư xây nhà máy mới của Trung Quốc (xem biểu đồ 3). Điều này cho phép Trung Quốc tránh phải chuyển giao công nghệ, nhằm ngăn châu Âu “học ngược” Trung Quốc (học hỏi công nghệ tiên tiến để phát triển các ngành công nghiệp cạnh tranh riêng như Trung Quốc từng làm với phương Tây).

3-3.jpg
Trung Quốc, các giao dịch FDI lớn đã hoàn tất tại EU & Anh (tỷ USD), bao gồm: đầu tư mới vào xe điện (Greenfield, EV), đầu tư mới không thuộc xe điện (Greenfield, non-EV), và sáp nhập & mua lại (M&A). (Ảnh: The Economist)

Phía Trung Quốc đã đề xuất khôi phục Hiệp định Đầu tư Toàn diện (CAI) – một kế hoạch đưa ra từ năm 2013, hoàn tất năm 2020 nhưng chưa bao giờ được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, phần lớn do lệnh trừng phạt của Trung Quốc đối với các nghị sĩ EU. Thỏa thuận này từng hứa hẹn mang lại quyền tiếp cận thị trường tốt hơn cho doanh nghiệp châu Âu tại Trung Quốc, đồng thời bảo vệ đầu tư Trung Quốc tại EU bằng cách hợp nhất 27 hiệp định song phương thành một hiệp định chung. “Nhưng đây là một thỏa thuận thuộc về một thời kỳ khác”, theo Janka Oertel của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu. Quan chức EU hiện coi CAI đã chết.

Điều EU lo ngại hơn là một cuộc đua xuống đáy. Các quốc gia thành viên đang cạnh tranh để thu hút đầu tư Trung Quốc, trong đó Hungary đi đầu. Điều này khiến EU khó đưa ra những điều kiện nghiêm ngặt như Trung Quốc đã áp dụng đối với đầu tư từ châu Âu, chẳng hạn yêu cầu chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động địa phương, hoặc tích hợp vào chuỗi cung ứng nội địa. Vì đầu tư vào châu Âu chịu quản lý theo luật từng quốc gia chứ không phải cấp EU, nên khối này có khả năng chỉ đạt được thỏa thuận về nguyên tắc, ví dụ như sàng lọc đầu tư nước ngoài vì lý do an ninh. Hy vọng là một thỏa thuận chính trị với Trung Quốc sẽ ít nhất thiết lập được các quy tắc cơ bản.

Yêu cầu thứ ba của châu Âu liên quan đến Ukraine. Chuyến thăm của ông Tập tới Moskva vào ngày 9/5, dự lễ duyệt binh kỷ niệm Thế chiến II, thể hiện sự ủng hộ Nga. Tuy nhiên, theo các nhà quan sát Trung Quốc, ông Tập Cận Bình thực sự muốn chiến tranh kết thúc. “EU hoàn toàn có lý khi yêu cầu Trung Quốc kiểm soát việc tái xuất các mặt hàng lưỡng dụng có xuất xứ từ EU sang Nga, khi hoạt động này vẫn đang gia tăng”, ông Everts nhận định. EU cũng kỳ vọng thuyết phục Trung Quốc tham gia tái thiết kinh tế Ukraine.

Chiến lược của Trung Quốc với châu Âu vẫn không thay đổi: chia tách châu Âu khỏi Mỹ, làm suy yếu và chia rẽ phương Tây – tốt nhất là không tốn nhiều chi phí. Chính ông Trump đã góp phần tạo điều kiện khi làm suy yếu an ninh và kinh tế châu Âu. Ông cũng khiến EU và các quốc gia thành viên buộc phải cân nhắc việc giảm rủi ro từ cả hai phía – điều này khiến châu Âu khó có thể mạnh tay tách khỏi Trung Quốc.

Và, tất cả những điều đó đều không giúp ích gì cho cơ hội đạt được các yêu cầu mà EU mong muốn khi bước vào bàn đàm phán với "con rồng châu Á".

Theo The Economist

>> Chuỗi siêu thị lớn nhất châu Âu rời Trung Quốc, chọn Việt Nam để tái cấu trúc chuỗi cung ứng

Lãnh đạo châu Âu gặp rắc rối giữa lúc đàm phán thuế quan với Mỹ

'Bóp nghẹt từng ngành một': Pháp cảnh báo làn sóng hàng Trung Quốc giá rẻ, kêu gọi EU ra tay áp thuế

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/the-tran-3-ben-phuc-tap-eu-cang-minh-truoc-suc-ep-my-trung-143614.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thế trận 3 bên phức tạp, EU căng mình trước sức ép Mỹ - Trung
    POWERED BY ONECMS & INTECH