‘Siêu’ đập thủy điện 315m xô đổ kỷ lục thế giới, vốn 'khủng' 129 nghìn tỷ bắt đầu trữ nước
Với tổng mức đầu tư khoảng khoảng 129.000 tỷ đồng, công trình được triển khai trong gần một thập kỷ với mục tiêu vừa phát điện vừa kiểm soát lũ lụt.
Dự án thủy điện Shuangjiangkou, nằm ở tây nam Trung Quốc, đã chính thức bước vào giai đoạn tích nước từ ngày 1/5, đánh dấu cột mốc quan trọng trong lộ trình trở thành con đập cao nhất thế giới. Với tổng mức đầu tư khoảng 36 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 129.000 tỷ đồng), công trình được triển khai trong gần một thập kỷ tại Châu tự trị dân tộc Tạng và Khương, tỉnh Tứ Xuyên, với mục tiêu vừa phát điện vừa kiểm soát lũ lụt.

Được xây dựng trên thượng nguồn sông Đại Độ - con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng và chảy vào lưu vực Tứ Xuyên - dự án do Tập đoàn Xây dựng Điện lực Trung Quốc (PowerChina) thi công. Toàn bộ công trình bao gồm đập chính, hệ thống chuyển dòng, các hạng mục phát điện và xả lũ. Sau khi hoàn thiện, đập Shuangjiangkou sẽ đạt chiều cao 315m, tương đương một tòa nhà hơn 100 tầng, vượt qua kỷ lục hiện tại là 305m của đập Jinping-I, cũng tọa lạc tại Tứ Xuyên.
Theo PowerChina, sau khi hoàn thành giai đoạn tích nước đầu tiên, mực nước tại đập đã đạt tới 2.344m - cao hơn khoảng 80m so với mực nước ban đầu của sông. Với khả năng chứa đến 110 triệu m3, con đập có sức chứa gấp khoảng 8 lần hồ Tây nổi tiếng ở Hàng Châu. Tập đoàn này nhận định, tiến độ đạt được hiện nay là “nền tảng vững chắc” để đưa nhà máy điện vào hoạt động trong thời gian tới.
Tổ máy đầu tiên dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay. Khi vận hành toàn bộ, nhà máy sẽ đạt công suất lắp đặt 2.000 megawatt, cung cấp hơn 7 tỷ kWh mỗi năm - đủ để đáp ứng nhu cầu điện cho hơn 3 triệu hộ gia đình. Bên cạnh đó, nguồn điện sạch từ dự án sẽ giúp Trung Quốc giảm tiêu thụ gần 3 triệu tấn than đá và cắt giảm khoảng 7,18 triệu tấn khí CO₂, đóng góp tích cực cho chiến lược phát triển bền vững và giảm phát thải.
Dự án Shuangjiangkou được chính phủ trung ương Trung Quốc phê duyệt vào tháng 4/2015 và chính thức khởi công vào tháng 7 cùng năm. Với độ cao hơn 2.400m và địa hình phức tạp, công trình đối mặt với hàng loạt thách thức kỹ thuật khắt khe để đảm bảo an toàn và hiệu quả thi công.
Trong một nghiên cứu năm 2016, hai kỹ sư cấp cao tham gia trực tiếp dự án đã chỉ ra những trở ngại lớn như kiểm soát thấm, đảm bảo khả năng chịu động đất và thi công đập trong địa hình hiểm trở. Để vượt qua những rào cản này, dự án đã ứng dụng hàng loạt công nghệ hiện đại như robot tự động và hệ thống liên lạc 5G nhằm nâng cao độ chính xác và an toàn trong quá trình xây dựng.

Tại hiện trường, các kỹ sư sử dụng robot dạng xe lăn gắn cảm biến để thu thập dữ liệu toàn công trường, từ đó tối ưu hóa hiệu suất vận hành. Bên cạnh đó, máy bay không người lái được triển khai nhằm phát hiện sớm các rủi ro môi trường tiềm ẩn. Đặc biệt, một khu vườn thực vật đã được thành lập để bảo tồn và trồng lại các loài cây cần được gìn giữ trong quá trình xây dựng.
Trung Quốc hiện là quốc gia dẫn đầu thế giới về số lượng đập cao. Từ thập niên 1950 đến nay, nước này đã xây dựng hơn 22.000 đập có chiều cao từ 15m trở lên - chiếm gần một nửa tổng số đập cao trên toàn cầu - nhằm phục vụ các mục tiêu về thủy lợi, kiểm soát lũ và sản xuất điện. Hầu hết các công trình quy mô lớn này tập trung ở khu vực tây nam, dọc theo các con sông lớn như Lan Thương, Dương Tử và Kim Sa.