Xã hội

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa

Hải Châu 06/05/2025 12:50

"Báu vật" này được xây dựng dưới triều vua Minh Mạng thuộc triều đại nhà Nguyễn.

Theo Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nhà cổ Đức An ra đời vào năm 1830 dưới thời vua Minh Mạng. Tên gọi của ngôi nhà mang ý nghĩa "giữ gìn đạo đức để bình an", đồng thời cũng là tên hiệu sách của gia đình họ Phan, chuyên buôn bán sách Hán Nôm và văn phòng phẩm.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 1
Nhà cổ Đức An là điểm tham quan nổi tiếng ở phố Hội. Ảnh: VOV

Công trình được xây theo kiểu nhà ống với mặt tiền rộng 7m, chiều sâu lên tới 40m. Bố cục ngôi nhà được thiết kế đối xứng: cửa chính đặt ở trung tâm, hai bên là cửa sổ phục vụ cho việc buôn bán. Phía trên cửa chính có hai mắt cửa, một chi tiết kiến trúc đặc trưng dễ thấy ở các ngôi nhà cổ Hội An.

Ngôi nhà được dựng theo kiểu nhà rường truyền thống miền Trung, kết hợp cùng những yếu tố kiến trúc điển hình của cư dân phố thị ven biển. Bao quanh là hệ thống tường gạch kiên cố, mái lợp ngói âm dương.

Không gian bên trong được chia thành nhiều lớp với các công năng khác nhau. Khu vực ngoài cùng là nơi buôn bán, kế tiếp là phòng khách và gian thờ tổ tiên. Qua khoảng sân trời là hành lang dẫn vào khu sinh hoạt và nơi ở của gia đình. Toàn bộ khung nhà cùng các vật liệu chính đều làm bằng gỗ kiền kiền, một loại gỗ quý nổi tiếng với độ bền cao, có khả năng chống chọi thời tiết khắc nghiệt đặc trưng của vùng duyên hải miền Trung.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 2
'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 3
Ngôi nhà mang phong cách kiến trúc Hoa - Việt kết hợp, có diện tích tổng thể của nó khá lớn so với các ngôi nhà ở trung tâm phố cổ. Ảnh: Di Sản Hội An

Trong ảnh là hệ thống hoành phi, câu đối cổ đã được lưu giữ gần hai thế kỷ qua trong ngôi nhà. Khung gỗ của phần nhà trước được thiết kế theo kiểu “chồng rường - giả thủ” và “mái chồng trụ đội”, nhằm gia tăng độ vững chắc cũng như mở rộng không gian sử dụng. Phần nhà giữa có kết cấu chồng rường với hai mái xếp chồng, tạo nên kiểu “mái chồng mái trốn lầu”, một kiến trúc độc đáo hiện chỉ còn lại duy nhất tại Hội An. Trong ảnh là toàn cảnh gian giữa của ngôi nhà, nơi được bố trí giếng trời, hồ cá và hòn non bộ, mang đến không gian xanh mát, hài hòa.

Đầu thế kỷ XX, khi phong trào chống Pháp lan rộng trên khắp tỉnh Quảng Nam và nhiều địa phương khác, nhà cổ Đức An nhanh chóng trở thành điểm tụ họp của những chí sĩ yêu nước như Huỳnh Thúc Kháng, Phan Chu Trinh, Trần Quý Cáp…

Lúc này, hiệu sách Đức An đóng vai trò là nơi truyền bá tinh thần yêu nước đến giới trí thức và nhân dân. Năm 1908, hiệu sách ngừng hoạt động, chuyển sang bán thuốc Bắc, đồng thời trở thành cơ sở bí mật của cách mạng, nơi lưu giữ nhiều tài liệu quan trọng phục vụ công tác tuyên truyền, vận động.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 4
'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 5
Gian giữa là nơi lưu lại những hình ảnh và kỷ vật của nhà yêu nước Cao Hồng Lãnh. Ảnh: Hiệp Hội Du Lịch Quảng Nam

Năm 1927, tại chính ngôi nhà này, tổ chức Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên Hội An được thành lập, do ông Cao Hồng Lãnh (tên thật là Phan Hải Thâm, bí danh Năm Thêm) đảm nhiệm vai trò Bí thư.

Theo Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản Văn hóa Hội An, ông Cao Hồng Lãnh (sinh năm 1906, con út đời thứ tư của dòng họ Phan) là một trong những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu của tỉnh Quảng Nam. Từ năm 1923, ông đã đứng ra tổ chức thanh niên trong xã đấu tranh chống cường hào, tích cực tham gia các phong trào yêu nước. Năm 1926, ông vào Nam Bộ tiếp tục hoạt động cách mạng. Một năm sau, ông gia nhập Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên tại Quảng Trị và đến năm 1929 góp phần thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 6
Đầu thế kỷ 20, nhà cổ Đức An là nơi ghi dấu quá trình hoạt động của Tổ chức Hội Việt Nam. Ảnh: Hiệp Hội Du Lịch Quảng Nam

Trong suốt thời kỳ kháng chiến, ông Cao Hồng Lãnh từng hoạt động ở nhiều chiến trường, bị thực dân Pháp kết án vắng mặt 15 năm tù. Ông từng đảm nhiệm nhiều vị trí quan trọng trong Đảng, Nhà nước và lĩnh vực đối ngoại. Với những đóng góp lớn lao cho cách mạng, ông được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất… Ông mất năm 2008 tại Hà Nội, thọ 102 tuổi, với 82 năm tuổi Đảng, là niềm tự hào lớn của gia tộc họ Phan tại Hội An.

Hiện nay, trong nhà cổ Đức An vẫn còn lưu giữ nhiều hiện vật gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của ông, như quần áo, giày dép, đồng hồ, radio và một số vật dụng cá nhân. Đặc biệt, những bức ảnh chụp ông Cao Hồng Lãnh cùng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhiều lãnh đạo cấp cao vẫn được lưu giữ cẩn thận tại đây.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 7
Chân dung đồng chí Cao Hồng Lãnh ở nhà cổ Đức An. Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng

Ông Phan Ngọc Trâm, hậu duệ đời thứ sáu của dòng họ Phan và là chủ nhân hiện tại của ngôi nhà cho biết, đến nay đã có tám thế hệ sinh ra và lớn lên trong nhà cổ Đức An. Nhiều vật dụng cá nhân của các thế hệ trước có niên đại hàng trăm năm vẫn được gìn giữ cẩn thận trong các tủ kính.

“Dù đã trải qua nhiều thế kỷ và những đợt lũ lụt thường niên nhưng nhà cổ Đức An vẫn giữ được gần như nguyên vẹn các giá trị văn hóa, kiến trúc truyền thống của ông cha để lại. Thế hệ con cháu chúng tôi sẽ làm hết sức mình để bảo tồn, giữ gìn ngôi nhà này”, ông Trâm chia sẻ.

'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 8
Nhiều sách báo tiến bộ như các tác phẩm của Phan Châu Trinh, Báo Chuông Rè, Đông Pháp thời báo, Tân Thế Kỷ, Nhân Loại và đặc biệt là báo Việt Nam Hồn xuất bản tại Pháp cũng được cất giữ và lưu hành tại đây. Ảnh: VOV
'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa - ảnh 9
Các hiện vật gắn với cuộc đời và sự nghiệp của nhà cách mạng Cao Hồng Lãnh được trưng bày trong tủ kính. Ảnh: VOV

Tháng 2/2010, nhà cổ Đức An được UBND thành phố Hội An công nhận là công trình văn hóa của thành phố, đồng thời là di tích lịch sử lưu niệm đồng chí Cao Hồng Lãnh và chính thức mở cửa đón du khách tham quan.

Theo chuyên trang Travel & Leisure, trong bảng xếp hạng World's Best Awards 2024 công bố tháng 7/2024, Hội An được vinh danh ở vị trí thứ 4 trong danh sách 25 thành phố đẹp nhất thế giới, đạt số điểm ấn tượng 90,67/100. Thành phố chỉ xếp sau San Miguel de Allende (Mexico), Udaipur (Ấn Độ) và Kyoto (Nhật Bản). Đặc biệt, ở hạng mục 25 thành phố đẹp nhất châu Á, Hội An vươn lên đứng thứ 3, sau hai đại diện đến từ Ấn Độ và Nhật Bản.

>> Căn nhà cổ 200 tuổi hiếm có được dựng hoàn toàn bằng gỗ mít, có tầng hầm chứa được 10 người

Việt Nam có ngôi nhà cổ gần 300 tuổi ở 'thành phố đẹp thứ 4 thế giới': Công trình không dùng đinh chứa nhiều cổ vật vô giá, được UNESCO công nhận là di sản

Nhà cổ hơn 100 tuổi tọa lạc trên nóc biệt thự 5 tầng tại Hà Nội: Gia chủ chi 1 tỷ đồng trong 8 tháng để ‘cẩu’ lên, quyết không phá bỏ chỉ vì 1 lý do

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/kien-thuc/bau-vat-gan-200-tuoi-o-thanh-pho-dep-thu-4-the-gioi-bao-tang-song-luu-giu-nhieu-hien-vat-quy-duoc-cong-nhan-la-cong-trinh-van-hoa-141771.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    'Báu vật' gần 200 tuổi ở thành phố đẹp thứ 4 thế giới: ‘Bảo tàng sống’ lưu giữ nhiều hiện vật quý, được công nhận là công trình văn hóa
    POWERED BY ONECMS & INTECH