Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có trợ lý ảo hỗ trợ học tập

08-10-2023 16:53|Vân Anh

Việc xây dựng và cho ra mắt trợ lý ảo PTIT Ami dành cho sinh viên là một hoạt động của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay.

Trong phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số diễn ra ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số đã chỉ rõ: Chuyển đổi số tạo ra cơ hội mỗi người có một trợ lý.

Công nghệ số đã tạo ra quá nhiều thông tin, nhưng ít tạo ra tri thức và sự thấu hiểu. Đã đến lúc công nghệ số phải giúp con người tạo ra nhiều hơn tri thức và sự thấu hiểu từ quá nhiều thông tin, quá tải thông tin. Và AI, trợ lý ảo là lời giải cho câu chuyện này. Mỗi người một trợ lý ảo chính là cách tốt nhất để tăng năng suất lao động.

Thực hiện chỉ đạo của người đứng đầu ngành TT&TT về xây dựng đại học số cũng như ứng dụng trợ lý ảo hỗ trợ hoạt động của các cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, trực tiếp là Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo của trường đã nghiên cứu, xây dựng chatbot có tên Ami, là trợ lý ảo thông minh dành riêng cho sinh viên học viện.

Ngày 8/10, trợ lý ảo dành cho sinh viên PTIT Ami đã được Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo thuộc Đoàn Thanh niên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông chính thức cho ra mắt, cung cấp tới cho khoảng 16.000 sinh viên của trường.

W-tro-ly-ao-cho-sinh-vien-ptit-ami-4-1.jpg
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh, Phó Giám đốc học viện mong rằng thành viên mới Ami sẽ ngày càng thông minh, thân thiện và hỗ trợ hữu hiệu các sinh viên. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Phát biểu tại sự kiện ra mắt PTIT Ami, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Quang Anh, Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đánh giá cao nỗ lực của Trung tâm Khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là nhóm nghiên cứu do Tiến sĩ Trần Tiến Công, giảng viên Khoa CNTT 1 làm trưởng nhóm để đưa kết quả nghiên cứu chatbot cho sinh viên vào ứng dụng trong thực tiễn. 

“Sản phẩm này một lần nữa khẳng định rằng Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông là một trong những trường tiên phong trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số giáo dục đại học. Chúc cho ‘thành viên mới’ Ami của học viện sẽ ngày càng thông minh, thân thiện và hỗ trợ hữu hiệu cho các sinh viên của trường”, Tiến sĩ Trần Quang Anh nhấn mạnh.

W-tro-ly-ao-cho-sinh-vien-ptit-ami-3-1.jpg
Các đại biểu thực hiện nghi thức ấn nút khai trương trợ lý ảo cho sinh viên PTIT Ami. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Theo nhóm phát triển, PTIT Ami là một ứng dụng tự động có khả năng trò chuyện với con người thông qua giao diện văn bản. PTIT Ami đóng vai trò một trợ lý ảo tin cậy, luôn sẵn sàng hỗ trợ cung cấp cần thông tin cần thiết trong quá trình học tập của sinh viên học viện.

Chatbot PTIT Ami có thể hoạt động 24/7, giúp sinh viên, học viên có được câu trả lời nhanh chóng, bất kể thời gian nào. Các sinh viên có thể tiết kiệm thời gian, vì họ sẽ không cần chờ đợi lâu hoặc tìm kiếm thông tin trên trang web, mà có thể nhận thông tin từ PTIT Ami một cách nhanh chóng.

Cùng với đó, Chatbot PTIT Ami có khả năng giao tiếp, tương tác tự nhiên, hiểu rõ câu hỏi và cung cấp câu trả lời chính xác. Đặc biệt, : trên cơ sở tổng hợp dữ liệu, PTIT Ami sẽ hướng dẫn, tư vấn và cung cấp thông tin liên quan đến khóa học, giúp học viên tự tin hơn trong quá trình học tập.

Để sử dụng, các sinh viên học viện chỉ cần mở ứng dụng kết nối nhà trường với sinh viên PTIT S-Link, bấm vào biểu tượng cá nhân ở góc dưới cùng bên phải của ứng dụng và chọn “Chatbot- Hỏi & đáp”.

W-tro-ly-ao-cho-sinh-vien-ptit-ami-6.jpg
Trưởng nhóm nghiên cứu PTIT Ami, Tiến sĩ Trần Tiến Công cho biết, thời gian tới trợ lý ảo này sẽ được cá nhân hóa cho từng sinh viên. (Ảnh: Hải Nguyễn)

Theo trưởng nhóm nghiên cứu PTIT Ami, Tiến sĩ Trần Tiến Công, giảng viên Khoa CNTT 1 của học viện, trợ lý ảo cho sinh viên được tập hợp nhiều công nghệ hiện đại nhất hiện nay như công nghệ sinh giọng nói, sinh hình ảnh hay mô hình ngôn ngữ lớn. Một điều đặc biệt là trợ lý ảo này được nghiên cứu, xây dựng bởi chính các sinh viên khóa D21, D22 của trường, cho thấy sinh viên dù mới chỉ học năm thứ 2, thứ ba nhưng đã có thể ứng dụng công nghệ một cách hiệu quả.

“PTIT Ami cũng là một minh chứng của việc ứng dụng các công nghệ mới trong trường đại học, là bước tiến để hỗ trợ các sinh viên học tập và làm việc tốt hơn. Chatbot PTIT Ami không chỉ là công cụ tìm kiếm mà còn là một người bạn của các bạn sinh viên học viện, một trợ lý giúp các sinh viên trong quá trình học tập”, Tiến sĩ Trần Tiến Công chia sẻ.

W-tro-ly-ao-cho-sinh-vien-ptit-ami-5-1.jpg
Hiện tại, các sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông đã có thể trải nghiệm PTIT Ami trên ứng dụng S-Link. (Ảnh: Đức Dũng)

Nhóm nghiên cứu trợ lý ảo PTIT Ami cũng cho hay, phiên bản hiện tại của chatbot này đang được cung cấp đến các sinh viên qua ứng dụng di động, tuy nhiên Giám đốc học viện Đặng Hoài Bắc đã chỉ đạo cần có PTIT Ami ở ngay sảnh các nhà  A1 và A2 của trường để mọi người có thể tương tác trực tiếp với trợ lý ảo. Đặc biệt, thời gian tới trợ lý ảo này sẽ được cá nhân hóa cho từng sinh viên.

Đại diện nhóm nghiên cứu cam kết sẽ tiếp tục tích cực phát triển để PTIT Ami ngày càng được hoàn thiện. Tuy nhiên, trợ lý ảo PTIT Ami thông minh và thân thiện hơn, thực sự là người bạn, người trợ lý không thể thiếu của mỗi sinh viên thì cần có sự tham gia tương tác thường xuyên của tất cả sinh viên PTIT trong thời gian tới.

Từ 'làng thông minh miền Tây' tới hết cảnh xếp hàng tranh chỗ đi học ở Thủ đô

GenAI ‘made in Vietnam’ giúp doanh nghiệp chuyển đổi số toàn diện

Tạp chí Việt Nam đầu tiên biến trợ lý ảo thành “Át chủ bài”

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/sinh-vien-hoc-vien-cong-nghe-buu-chinh-vien-thong-co-tro-ly-ao-ho-tro-hoc-tap-2199430.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Sinh viên Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông có trợ lý ảo hỗ trợ học tập
POWERED BY ONECMS & INTECH