Tập đoàn Lazada được thành lập năm 2012 và hiện nay thuộc sở hữu của Alibaba.
Mới đây, Tập đoàn Alibaba vừa có thông báo về kế hoạch chia tách thành 6 tập đoàn nhỏ và dự định triển khai các hoạt động gọi vốn hoặc niêm yết cho các đơn vị này. Ngay sau thông tin trên, cổ phiếu của Alibaba niêm yết tại Mỹ đã tăng hơn 14%.
Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Alibaba - ông Daniel Zhang nói rằng cuộc cải tổ sẽ giúp hoạt động kinh doanh "nhanh nhẹn hơn, rút ngắn các hệ thống ra quyết định và phản ứng nhanh hơn". Các chuyên gia phân tích và nhà đầu tư đều phản hồi tích cực với kế hoạch tái cấu trúc mới nhất của Alibaba.
Bên cạnh đó, tương lai của Lazada - chi nhánh thương mại điện tử của Alibaba tại Đông Nam Á cũng đang được quan tâm. Câu hỏi đặt ra là liệu Lazada sẽ ra sao sau cuộc cải tổ lịch sử này?
Theo kế hoạch cấu trúc, Lazada sẽ trực thuộc Global Digital Business Group – đơn vị bao gồm cả AliExpress, Trendyol và Daraz. Sau khi thực hiện thay đổi, vấn đề quản lý của Lazada sẽ trở nên “tập trung và nhanh nhẹn hơn”, theo Zerlina Zeng – Chuyên gia phân tích cấp cao tại CreditSights cho biết.
“Chúng tôi dự tính Alibaba sẽ tiếp tục tăng hiệu quả hoạt động và giảm thua lỗ tại Lazada”, bà Zeng nói với Tech in Asia. Zeng cũng nói thêm rằng Lazada có thể IPO – lựa chọn tốt để công ty có thêm vốn mở rộng quy mô.
Angus Mackintosh – một chuyên gia phân tích tại CrossASEAN Research nhận định ông tin rằng bước đi này cũng sẽ mở ra khả năng huy động vốn cho Lazada.
“Với tất cả sự giám sát ngày càng tăng trong nước ở Trung Quốc, các khoản đầu tư ra nước ngoài có thể trở nên quan trọng hơn", Mackintosh nói. Các động thái như Alibaba bơm 1,6 tỷ USD vào Lazada trong suốt năm 2022 và khoản đầu tư của Lazada vào ví điện tử Dana của Indonesia cho thấy công ty này đang chuyển sang những ngành kinh doanh ưu tiên cao hơn cho công ty mẹ.
Được thành lập từ năm 2012, Lazada hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Alibaba với dự định tạo ra một Amazon của Đông Nam Á. Ở thời điểm mới ra mắt, Lazada đã trở thành mảng logistics và thanh toán lớn nhất tại khu vực.
Chỉ trong một thời gian ngắn, Lazada nhanh chóng phủ sóng gần hết toàn bộ khu vực Đông Nam Á. Sau 2 năm thành lập, công ty đã huy động thành công hơn 647 triệu USD vốn từ các ông lớn và 100 triệu USD từ các nhà đầu tư khác.
Cũng trong năm 2014, tập đoàn thương mại điện tử này đã chiếm được 65% trong tổng doanh thu bán hàng trên thị trường điện tử Đông Nam Á với tổng giá trị hàng hóa (GMV) đạt 384 triệu USD.
Năm 2016, GMV của Lazada đã đạt con số 1,36 tỷ USD từ 6 thị trường của khu vực Đông Nam Á (Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Philippines, Việt Nam). Đưa Lazada Group trở thành tập đoàn hàng đầu về thương mại điện tử.
Đến tháng 4/2016, cổ phiếu mới của Lazada đã được tập đoàn Alibaba trả 500 triệu USD để mua lại quyền kiểm soát. Đồng thời, cổ phiếu của các nhà đầu tư cho Lazada cũng được Alibaba chi hơn 500 triệu USD mua lại.
Nnăm 2017, Lazada được nhận thêm 1 tỷ USD đầu tư từ Alibaba, cũng từ đó nâng cổ phần mà Alibaba đang nắm giữ từ 51% lên thành 83%, Alibaba chính thức nắm quyền Lazada.
Tháng 9/2019, Lazada Group tuyên bố là sàn thương mại hàng đầu trong khu vực Đông Nam Á với hơn 50 triệu người dùng. Tuy nhiên hiện nay, Lazada đã đánh mất đi vị thế đứng đầu của mình.
Tại Việt Nam, theo xếp hạng ngành thương mại điện tử của Reputa (Hệ thống Giám sát và phân tích thông tin mạng) năm 2022, Lazada hiện tại đang tụt xuống vị trí thứ 2, nhường cho Shopee vươn lên dẫn đầu với tổng số doanh thu cao gấp 3 lần.