Doanh nghiệp

Số tiền đổ vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam “khủng” cỡ nào?

Thảo Đan 24/09/2023 10:40

Đến ngày 1/8/2023, cả nước đã có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ phục vụ cho việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA).

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) cho biết, thời gian qua, nhất là trong 4 năm gần đây (2019-2022), Việt Nam đã có sự phát triển rất nhanh về năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và điện gió.

Theo số liệu từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đến hết năm 2022, đã có 8.908 MW điện mặt trời, 7.660MW điện mặt trời áp mái, 5.059 MW điện gió, 395 MW điện sinh khối và điện chất thải rắn trong tổng công suất nguồn điện.

Tổng công suất đặt của các nguồn điện gió và mặt trời đã chiếm gần 27% tổng công suất đặt của hệ thống trong đó điện gió chiếm 6,27% và điện mặt trời chiếm 19,53%, đưa Việt Nam trở thành một trong các nước đi đầu về công suất lắp đặt điện năng lượng tái tạo trên thế giới và trong khu vực.

Viện Năng lượng cho biết, ước tính khoảng 20 tỷ USD chủ yếu từ nguồn vốn tư nhân và nước ngoài đã được huy động trong thời gian qua, giảm sức ép nguồn vốn nhà nước đầu tư nguồn điện trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế.

Nhiều vùng đất hoang hóa, khô cằn tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk, Đắk Nông... đã được khai thác sử dụng đem lại giá trị kinh tế cao, gia tăng giá trị sử dụng đất, đem lại công ăn việc làm cho người dân tại các địa phương nghèo.

Mặc dù năng lượng tái tạo có sự đóng góp đáng kể cho sản lượng điện phát trong năm 2022, nhưng đây cũng là một năm đặc biệt khó khăn cho các chủ đầu tư điện gió và điện mặt trời không đóng điện kịp tiến độ sau khi quy định giá bán điện FIT hết hiệu lực.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện có 85 dự án năng lượng tái tạo (dự án chuyển tiếp) với tổng công suất 4.736,16 MW (gồm 8 dự án điện mặt trời và 77 dự án điện gió) không đáp ứng điều kiện áp dụng giá bán điện FIT.

Một tín hiệu tích cực cho các nhà đầu tư của các dự án chuyển tiếp là Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15/2022/TT-BCT vào tháng 10/2022 về việc quy định phương pháp xây dựng khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp.

Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp làm cơ sở cho EVN và các chủ đầu tư sớm thỏa thuận giá điện để đưa các nhà máy vào vận hành.

Theo đó, khung giá đã được tính toán trên cơ sở chi phí quy định tại báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật được thẩm định của 99 nhà máy điện mặt trời (gồm 95 nhà máy điện mặt trời mặt đất, 4 nhà máy điện mặt trời nổi) và 109 nhà máy điện gió đã ký hợp đồng mua bán điện với EVN.

Đến ngày 1/8/2023, đã có 74/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp gửi hồ sơ phục vụ cho việc đàm phán Hợp đồng mua bán điện (PPA) và có 59/85 dự án thống nhất chấp nhận tính giá tạm là 50% giá trần của khung giá theo Quyết định 21 trong giai đoạn chưa đàm phán xong PPA.

Gần 3.000 doanh nghiệp tại Huế nợ Bảo hiểm xã hội, có cả công ty ngành hàng không

Hải Phòng sắp đón loạt dự án, tổng vốn đầu tư lên đến 1 tỷ USD

Bộ Công Thương ra tay, khách hàng có thể mua điện trực tiếp từ nhà sản xuất?

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/so-tien-do-vao-nganh-nang-luong-tai-tao-viet-nam-khung-co-nao-202199.html
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Số tiền đổ vào ngành năng lượng tái tạo Việt Nam “khủng” cỡ nào?
POWERED BY ONECMS & INTECH