Dự án hút 17 tỷ USD trở thành 'bài học quý' cho TP. HCM
TP. HCM đang thúc đẩy hợp tác quốc tế nhằm phát triển trung tâm tài chính, thu hút đầu tư và chia sẻ kinh nghiệm từ các mô hình thành công.
Chiều 15/7, UBND TP.HCM phối hợp với Trung tâm tài chính quốc tế Astana (AIFC) của Kazakhstan tổ chức chương trình Bàn tròn doanh nghiệp giữa TP. HCM và Astana với chủ đề "Hợp tác phát triển trung tâm tài chính quốc tế Việt Nam tại TP. HCM".
Tại sự kiện, ông Bakhtiyar Tleubayev, Giám đốc điều hành AIFC, đã trình bày khái quát về trung tâm này – một trong những trung tâm tài chính hàng đầu tại khu vực Đông Âu và Trung Á. AIFC đã thu hút gần 17 tỷ USD vốn đầu tư, tạo gần 10.000 việc làm và là nơi đặt trụ sở của hơn 4.000 doanh nghiệp đến từ 80 quốc gia.
Ông Kanat Tumysh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Kazakhstan tại Việt Nam, cho biết hai Chính phủ đang tích cực triển khai các thỏa thuận cấp cao, trong đó có việc tăng cường hợp tác với AIFC – thể hiện rõ nét qua bản ghi nhớ đã được ký kết giữa AIFC và UBND TP. HCM. Đại sứ Kazakhstan cũng cam kết Đại sứ quán sẽ hỗ trợ tối đa các sáng kiến chung giữa AIFC và phía Việt Nam, đồng thời tin tưởng vào những kết quả tích cực từ nỗ lực hợp tác song phương.
![]() |
Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: VGP/Lê Anh |
>> Bộ trưởng Anh lên tiếng ủng hộ việc xây dựng trung tâm tài chính của Việt Nam
Ông Đinh Khắc Huy, Phó Giám đốc Sở Tài chính TP. HCM, cho biết thành phố đang phối hợp với các Bộ, ngành và đối tác quốc tế để xây dựng mô hình trung tâm tài chính quốc tế tại phường Bến Thành, phường Sài Gòn và Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Mô hình này định hướng phát triển các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, fintech; tích hợp hạ tầng số, công trình xanh - thông minh, đô thị tích hợp; áp dụng khung pháp lý đặc thù và cơ chế thử nghiệm (sandbox); thu hút nguồn vốn quốc tế, định chế tài chính và các tập đoàn đa quốc gia.
Ông Huy nhấn mạnh: “Chúng tôi đánh giá rất cao mô hình phát triển của AIFC - trung tâm tài chính hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành trên nền tảng công nghệ và pháp lý tiên tiến, đã và đang thu hút nhiều định chế tài chính lớn toàn cầu. Thành công của AIFC là bài học quý báu cho TP. HCM, đặc biệt là về: Cơ chế tài chính - pháp lý linh hoạt, thân thiện với nhà đầu tư; mô hình quản trị độc lập, minh bạch; hạ tầng số, sàn giao dịch chứng khoán quốc tế, hệ sinh thái khởi nghiệp fintech; kết nối vùng và hợp tác xuyên biên giới”.
Đại diện Sở Tài chính TP. HCM cho biết, ngoài việc học hỏi mô hình, TP. HCM kỳ vọng mở rộng hợp tác giữa các doanh nghiệp tài chính – công nghệ của hai bên trong các lĩnh vực như fintech, quản lý tài sản, giao dịch chứng khoán, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu tài chính. Thành phố cũng kêu gọi doanh nghiệp Kazakhstan đầu tư vào dự án trung tâm tài chính tại Thủ Thiêm, đặc biệt trong các lĩnh vực như hạ tầng số, dịch vụ tài chính và khởi nghiệp sáng tạo.
![]() |
Ảnh: Trung tâm tài chính quốc tế |
Trước đó vào ngày 11/7, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 58 và các hội nghị liên quan diễn ra tại Kuala Lumpur (Malaysia), Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có cuộc gặp song phương với Bộ trưởng Ngoại giao Anh David Lamy.
Phó Thủ tướng đề nghị Anh chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển trung tâm tài chính, hỗ trợ đào tạo nhân lực và khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức của Anh tham gia vào các dự án tại Việt Nam.
Đáp lại, Bộ trưởng Ngoại giao Anh bày tỏ ấn tượng với sự phát triển toàn diện trong quan hệ song phương, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại và đầu tư. Ông cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch… Ông cũng bày tỏ sự quan tâm và khẳng định ủng hộ các doanh nghiệp, chuyên gia Anh tham gia vào dự án xây dựng và phát triển trung tâm tài chính của Việt Nam, qua đó góp phần tăng cường hợp tác giữa hai nước.
Việc phát triển dự án đặc biệt này tại Việt Nam đang thu hút sự chú ý từ các nhà đầu tư quốc tế. Cụ thể, vào chiều 2/7 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Ali Ijaz Ahmad – Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Makara Capital Partners.
Tại buổi làm việc, Makara Capital mong muốn tham gia vào quá trình tái cơ cấu ngân hàng và xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam, với cam kết có thể huy động nguồn vốn từ 5-7 tỷ USD.
Makara Capital là tập đoàn quản lý quỹ, tài sản và cung cấp giải pháp tài chính hàng đầu của Singapore, thành lập từ năm 2005. Với hơn 20 năm hoạt động, Makara đã quản lý các quỹ và tài sản với tổng giá trị hơn 23 tỷ USD trên toàn cầu.
Trung tâm tài chính quốc tế: Quy định về đất đai, bảo hiểm vượt trội so với các nơi
Việt Nam học gì từ mô hình một trung tâm tài chính, hoạt động ở hai thành phố?