Tình hình thương mại nhiều biến động,... kết thúc quý II/2022, các doanh nghiệp họ “Tân Cảng” đã công bố kết quả kinh doanh với những con số trái chiều.
Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn được biết tới là nhà khai thác cảng container hàng đầu Việt Nam với thị phần container xuất nhập khẩu chiếm trên 90% khu vực phía Nam và hơn 60% thị phần cả nước. Ngành nghề chủ lực của doanh nghiệp là khai thác cảng, dịch vụ logistics, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Hầu hết các doanh nghiệp thuộc họ “Tân Cảng” đang niêm yết trên sàn đều hoạt động chính trong lĩnh vực logistics như ICD Tân Cảng - Long Bình, Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng, Kho vận Tân Cảng,...
Trong quý II nói riêng và nửa đầu năm 2022 nói chung, sản lượng hàng hóa qua cảng biển tăng trưởng chậm lại, giảm tốc so với cùng kỳ do nhiều nguyên nhân như giá cước vận chuyển dù hạ nhiệt nhưng vẫn "neo" cao, chính sách Zero Covid của Trung Quốc, lạm phát tăng trong bối cảnh tăng trưởng ảm đạm…
Cụ thể, tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam 6 tháng năm 2022 đạt 371,64 triệu tấn, chỉ tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ năm 2021 (theo số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam).
Quý II năm nay, CTCP Đại lý Giao nhận Vận tải Xếp dỡ Tân Cảng (Mã: TCL) ghi nhận doanh thu đạt 370 tỷ đồng - tăng nhẹ 13% trong khi lãi ròng tăng 50% lên 45 tỷ đồng. Đây được ghi nhận là mức lãi cao nhất trong 11 năm qua của doanh nghiệp này (kể từ quý II/2011).
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022, TCL đạt doanh thu 668 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 69 tỷ đồng - tương đương tăng 11% và 21% so với năm trước. Với kết quả này, công ty đã hoàn thành 53% kế hoạch doanh thu và 58% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
CTCP ICD Tân Cảng – Long Bình (Mã: ILB) cũng ghi nhận lợi nhuận quý II tăng mạnh. Cụ thể, ILB báo doanh thu chỉ tăng nhẹ lên 138 tỷ đồng. Tuy nhiên doanh thu từ hoạt động tài chính tăng mạnh đã giúp lợi nhuận quý này của công ty tăng 36% lên 30 tỷ đồng.
Mặc dù xuất hiện tương đối muộn so với các đối thủ, nhưng ICD Tân Cảng – Long Bình hiện là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực kho vận và dịch vụ điểm thông quan nội địa ICD tại khu vực Đông Nam Bộ khi chiếm tới 40% thị phần khu vực.
Ngược lại, hai công ty ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh trong quý này là CTCP Tân Cảng - Phú Hữu (Mã: PNP) và CTCP Dịch vụ biển Tân Cảng (Mã: TOS).
Cụ thể, TOS báo lợi nhuận quý này giảm sâu 51% xuống chỉ còn 21 tỷ đồng, trong khi doanh thu vẫn ghi nhận gần 365 tỷ đồng - tương đương tăng 17%. Nguyên nhân là do doanh thu tài chính quý này giảm mạnh trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp lại ghi nhận tăng cao.
Tương tự, PNP ghi nhận lợi nhuận quý II đạt 82 tỷ đồng - giảm 19% so với cùng kỳ; lãi ròng cũng giảm 36% xuống chỉ còn 9 tỷ đồng. Bán niên 2022, doanh thu và lợi nhuận của PNP cũng giảm nhẹ và lần lượt đạt 163 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn có 2 doanh nghiệp khác họ “Tân Cảng” là CTCP ICD Tân Cảng Sóng Thần (Mã: IST) và CTCP Kho vận Tân Cảng (Mã: TCW) báo lợi nhuận không có sự biến động quá nhiều khi lần lượt ghi nhận lãi ròng 9 tỷ đồng và 19 tỷ đồng.
Về triển vọng nửa cuối năm 2022 và năm 2023, SSI Research ước tính lợi nhuận doanh nghiệp ngành cảng có thể đi ngang hoặc giảm nhẹ từ nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, tăng trưởng so với cùng kỳ có thể duy trì tích cực do mức so sánh thấp trong nửa cuối năm 2021.
Do cạnh tranh gay gắt, một số công ty có thể chịu áp lực trong khi các cảng nước sâu tại Cái Mép và Hải Phòng (Gemalink, HICT) kỳ vọng sẽ đạt kết quả vượt trội.
Năm 2023, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận có thể chậm lại do nhu cầu yếu.
Cước vận tải container tăng đến 30%, doanh nghiệp như "ngồi trên đống lửa"