VPBank (VPB) được dự báo có lợi nhuận cao nhất trong số 13 ngân hàng được nhắc tới.
Bộ phận phân tích của Chứng khoán SSI (SSI Research) vừa ước tính lợi nhuận quý I/2022 của một số doanh nghiệp, trong đó có 13 ngân hàng.
Trong đó, VPBank (VPB) được dự báo có lợi nhuận cao nhất, đạt 11.000 tỷ đồng, tăng 175% so với cùng kỳ nhờ ghi nhận đầy đủ phí trả trước từ hợp đồng Bancassurance với AIA và tăng trưởng tốt tại bảng cân đối kế toán (tăng trưởng tín dụng và huy động đạt 7% và 12%).
Ngoài ra, SSI cũng dự báo cả năm 2022, lợi nhuận VPBank đạt khoảng 25.000 tỷ đồng (tăng 71% so với năm ngoái).
Tiếp đến là Vietcombank (VCB) với lợi nhuận ước tính đạt 9,5-10 nghìn tỷ đồng, tăng 10-16% so với cùng kỳ. Chất lượng tài sản cải thiện nhẹ do nợ tái cơ cấu giảm. Tăng trưởng tín dụng của VCB duy trì mạnh mẽ trong quý 1/2022 ở mức 6-7%.
Techcombank (TCB) được dự báo lợi nhuận trước thuế quý 1 đạt 6.500-6.700 tỷ đồng (tăng 18-21% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ và chi phí tín dụng giảm.
Với VietinBank (CTG), nhóm phân tích cũng ước tính lợi nhuận cả năm 2022 của VietinBank đạt 21.500 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ nhờ tăng trưởng tín dụng khá ở mức 10-12%, thu nhập ngoài lãi cải thiện và áp lực trích lập dự phòng giảm.
Bên cạnh đó, MBB có thể tăng trưởng tín dụng khoảng 10-11% trong quý đầu năm, giúp ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế ít nhất là 5.500 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ.
Tại BIDV (BID), lợi nhuận trước thuế quý 1/2022 ước tính đạt 4.200 tỷ đồng (tăng 23,7% so với cùng kỳ), nhờ tăng trưởng tín dụng tốt (4,7% so với đầu năm và tăng 14,7% so với cùng kỳ) và tối ưu hóa hệ số LDR (tiền gửi tăng 1,4% so với đầu năm). Tỷ lệ nợ xấu được duy trì ở mức dưới 1%.
Đặc biệt, SSI kỳ vọng kết quả kinh doanh của ACB sẽ tiếp tục ổn định trong quý 1/2022, nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, tiến độ thu hồi nợ xấu tốt và chất lượng tài sản ổn định. Do đó, lợi nhuận trước thuế ước tính đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ.
Bên cạnh đó, SSI cũng ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2022 của SHB đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 92% so với cùng kỳ) nhờ tăng trưởng tín dụng 5% so với đầu năm, và tăng trưởng tiền gửi 2,5% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,5% trong khi NIM ước tính ổn định.
Về phía HDBank (HDB),với việc giảm áp lực trích lập dự phòng, giúp lợi nhuận trước thuế có thể đạt 2.300 - 2.400 tỷ đồng (tăng 10-14% so với cùng kỳ).
Tại VIB, nhóm phân tích kỳ vọng ngân hàng có thể đạt 2,2 nghìn tỷ đồng trong quý 1/2022, tăng 24% so với cùng kỳ. Doanh thu từ Bancassurance tăng 8% lên 270 tỷ đồng trong khi NIM ổn định.
Tại Sacombank (STB), ước tính lợi nhuận trước thuế quý I/2022 có thể đạt 1.400-1.500 tỷ đồng, tăng 40-50% so với cùng kỳ với tăng trưởng đến từ thu nhập hoạt động mạnh mẽ và kiểm soát tốt chi phí dự phòng.
MSB được dự báo tăng trưởng tín dụng 9,5% so với đầu năm và tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1,3%, nên tăng trưởng lợi nhuận trước thuế của MSB dự kiến đạt 1.500 tỷ đồng (tăng 31% so với cùng kỳ). Kết quả này chưa bao gồm lợi nhuận từ việc bán FCCom.
Cuối cùng, TPBank (TPB) ước tính có tăng trưởng tín dụng đạt 10-11% trong quý đầu năm. Tuy nhiên, SSI cho rằng tăng trưởng lợi nhuận ở mức khá khoảng 14-15% so với cùng kỳ do ngân hàng có thể dự phòng để tạo bộ đệm tốt hơn cho tăng trưởng tín dụng.
SSI chỉ ra 3 yếu tố hỗ trợ TTCK tháng 12, ‘bất ngờ’ loại Hòa Phát (HPG) khỏi danh mục khuyến nghị
TikToker Mr Pips bị bắt cùng 5.000 tỷ: Lộ nhiều thủ đoạn lừa tiền dễ dàng