Startup nhựa sinh học BUYO Bioplastics vừa được Bộ KH&CN tôn vinh và sẽ đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường khởi nghiệp quốc tế.
Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học và công nghệ (NATEC, Bộ Khoa học và công nghệ) vừa phối hợp cùng Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao), Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học Công nghệ Việt Nam (SVF), Văn phòng Đề án 844 và Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Quốc gia (NSSC) đã tổ chức Vòng Chung kết Cuộc thi Tìm kiếm Tài năng Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia Techfest Việt Nam 2023.
Hưởng ứng chủ đề “Phát huy tài nguyên đất nước - Nâng tầm Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam hội nhập quốc tế”, Cuộc thi đã mang đến cơ hội kết nối nguồn lực tài chính, đối tác, phát triển thị trường, chia sẻ kiến thức cho các nhà sáng lập startup.
Đồng hành xuyên suốt cùng cuộc thi là hơn 150 chuyên gia, đối tác, quỹ đầu tư, các Cố vấn Công nghệ giàu kinh nghiệm trong đa ngành, đa lĩnh vực, hơn 34 Làng Công nghệ Techfest Vietnam 2023 cùng nhiều đối tác.
Sau 4 tháng phát động, cuộc thi đã nhận được hơn 500 hồ sơ đến từ các tỉnh, thành phố trên cả nước và đề cử của 18 làng công nghệ cùng các cuộc thi khởi nghiệp cấp tỉnh.
Các đội chiến thắng sẽ nhận được giải thưởng với tổng giá trị hiện kim và hiện vật hơn 18 tỷ đồng, bao gồm các quyền lợi về phát trển thị trường, quảng bá sản phẩm, truyền thông, hỗ trợ không gian làm việc, trưng bày triển lãm và huấn luyện, đào tạo.
Kết thúc quá trình xét chọn, Giải Quán quân của cuộc thi đã được trao cho BUYO Bioplastics. Đây là startup nhựa sinh học 100% nguồn gốc tự nhiên với công nghệ độc quyền sáng chế.
Sản phẩm có khả năng phân hủy hoàn toàn trong môi trường tự nhiên và an toàn cho sức khỏe, có tính chất vượt trội và giảm thiểu phát thải carbon.
Ngoài những hỗ trợ từ cuộc thi, BUYO Bioplastics sẽ đại diện Việt Nam tham gia các đấu trường quốc tế tại Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Singapore, Châu Âu…
Bên cạnh đó, Giải Á quân của cuộc thi đã thuộc về đội thi AIRX CARBON với giải pháp thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn bằng cách sử dụng chất thải nông nghiệp, công nghiệp và lâm nghiệp để tạo ra hạt nhựa sinh học.
CENERGY - đơn vị nghiên cứu phát triển và sản xuất hệ thống tích trữ năng lượng dựa trên công nghệ ắc quy dòng chảy tại Việt Nam, hướng tới giải quyết cơ sở hạ tầng lưu trữ năng lượng tại Việt Nam là đội thi giành giải 3 chung cuộc.
Cũng tại chương trình, 5 đội phù hợp với tầm nhìn phát triển của thị trường Hàn Quốc đã được lựa chọn để nhận gói tăng tốc khởi nghiệp toàn cầu 2023 Vietnam TechFest Shinhan Global Track Award do Shinhan Square Bridge Incheon tổ chức vào năm 2024.
Theo đó, gói tài trợ trị giá 60.000 USD này đã thuộc về các đội AirxCarbon, BUYO Bioplastics, Beekids, Toothless (Diaflow) và Trainizi.
Theo nhận định chung của các chuyên gia và quỹ đầu tư, các giải pháp tham gia cuộc thi đã có sự đa dạng trong giai đoạn phát triển, giải quyết các bài toán cụ thể trong nhiều lĩnh vực như giáo dục, giải trí, bảo vệ môi trường, năng lượng sạch, giảm rác thải...
Ông Trần Văn Tùng - Ủy viên thường trực ban điều hành đề án 844, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) cho hay: Bộ KH&CN cùng Ban điều hành đề án 844 cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các ý tưởng của người Việt Nam có thể tiếp tục phát triển, đồng hành cùng kinh tế của đất nước.
Bộ KH&CN cũng sẽ tạo điều kiện để các ý tưởng đổi mới, sáng tạo có cơ hội tỏa sáng tại thị trường trong và ngoài nước, đẩy mạnh hội nhập quốc tế.
"Tôi hy vọng những giải pháp, sáng kiến đổi mới sáng tạo này sẽ tham gia giải quyết các bài toán của cơ quan quản lý nhà nước, tập đoàn, tổng công ty, để phát triển xanh, bền vững, và thực hiện cam kết của Việt Nam với thế giới là Net-Zero vào năm 2050”, ông Trần Văn Tùng nói.
Hà Nội ‘rửa sạch’ sông Tô Lịch bằng nước hồ Tây thế nào?
Hà Nội ưu tiên bảo vệ môi trường khi xây dựng thành phố thông minh