TBCKVN - “Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu và mang lại tác động không chỉ với các nước Đông Nam Á mà thậm chí còn với khu vực khác như Mỹ La Tinh”, Eddie Thái - Giám đốc 500 Startups Việt Nam chia sẻ tại chung kết Startup Việt 2019 đang được tổ chức tại TP.HCM.
Cách đây 4 năm, ngắm nhìn thành phố nhộn nhịp từ tòa cao ốc Bitexco, một Việt kiều Mỹ đã quyết định về Việt Nam bắt tay hỗ trợ cho cộng đồng khởi nghiệp (start-up) nước nhà. Nhân vật đó là Edward Thái, một chuyên viên tài chính từng tốt nghiệp Cử nhân Ðại học Harvard và Thạc sĩ tại Ðại học Yale. Tháng 8 vừa qua, anh và Binh Tran (doanh nhân khởi nghiệp Việt kiều từng thành công với Klout) đã mời được 500 Startups chính thức vào Việt Nam.
Được hậu thuẫn và thành lập bởi Google và Paypal ở Thung lũng Silicon từ năm 2010, 500 Startups là 1 trong 3 quỹ mạo hiểm lớn nhất thế giới. Ngoài mức cấp vốn 250.000 USD cho mỗi ý tưởng, đây còn là vườn ươm bài bản cho startup với những khóa huấn luyện và chia sẻ trực tiếp từ cộng đồng startup toàn cầu. Hiện 500 Startups đang quản lý tổng số vốn trị giá 267 triệu USD, đã đầu tư vào 686 startup và thoái vốn thành công ở 67 startup. Sự xuất hiện quỹ đầu tư mạo hiểm này tại Việt Nam (sau Singapore và Malaysia) chắc chắn sẽ mở ra cơ hội lớn cho cộng đồng khởi nghiệp.
“Thuyết phục 500 Startups bước vào Việt Nam không hề dễ”, Edward chia sẻ. Đáng lẽ, cuộc sống của anh đã an nhàn hơn nếu chấp nhận mức lương hấp dẫn của hãng tư vấn Dean & Company để ở lại Mỹ, hay tiếp tục giữ chức Giám đốc Chiến lược Tập đoàn CJ (Megastar). Nhưng Edward đã gạt bỏ tất cả. “Tôi về Việt Nam làm gì? Là để phát triển tối đa cộng đồng khởi nghiệp ở đây vì tôi có khả năng kết nối họ với nguồn lực tài chính quốc tế”, anh khẳng định.
Việt Nam là hệ sinh thái khởi nghiệp từ “sa mạc khô cằn” đến trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu
Eddie Thái - Giám đốc Quỹ 500 Startups Việt Nam ví von, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam tương tự hình ảnh của một sa mạc khô cằn vào hồi năm 2013 thì thời điểm hiện tại, có thể gọi là đồng cỏ thảo nguyên.
Đại diện 500 Startups Việt Nam đưa ra số liệu của Google SEA, 6 năm trước, có 36 triệu người sử dụng internet, sau đó tăng lên 49 triệu người vào năm 2016 và hơn 61 triệu người tại thời điểm hiện tại.
Cùng với đó, nếu năm 2013, thị trường thương mại điện tử còn chưa phát triển, với quy mô chỉ khoảng 300 triệu USD thì 6 năm sau, con số này đạt trên 10 tỷ USD.
Đặc biệt, nhìn lại thị trường, năm 2013, chỉ có khoảng 25 thương vụ đầu tư được thực hiện trong hệ sinh thái với số vốn dưới 50 triệu USD thì chỉ 3 năm sau đó, có 67 thương vụ được diễn ra với tổng vốn tăng thêm 80 triệu USD.
Và đến năm 2019, không thể đưa ra con số chính xác về số lượng nhưng tổng vốn đầu tư vào các start-up đạt trên 500 triệu USD.
Năm 2013, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam như "sa mạc, chưa có gì phát triển". Nhiều đồng nghiệp của Eddie Thái cũng là các nhà đầu tư từ thung lũng Silicon đã vào thị trường và cùng tìm cách kích hoạt hệ sinh thái phát triển.
3 năm sau đó, trên “sa mạc” đã có những mầm cây nảy nở. Chính phủ tham gia phát động phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, với hàng loạt sự kiện liên quan được tổ chức. Nhiều người nghe đến câu nói về một Việt Nam gắn với slogan “Quốc gia khởi nghiệp”.
“Đến 2019, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam đang phát triển như một thảo nguyên xanh. Các con số về thị trường “chất” hơn rất nhiều so với 6 năm trước. Một tin vui tôi muốn công bố, 500 startups vừa hoàn tất gói đầu tư vào công ty thứ 50, gấp đôi con số đầu tư ở Việt Nam thời điểm 2013”, Eddie Thái chia sẻ và cho biết, họ đã phải xem xét hơn 8.300 start-up để có thể chọn ra 50 dự án.
Trong 8.300 start-up nói trên, Eddie Thái cho biết họ đã gặp khoảng 1.500 Copycats - những bản sao siêu nhỏ từ mô hình ở nước ngoài.
Các start-up này cũng có thể tạo ra doanh thu nhưng chỉ là bản sao và không thể đạt tăng trưởng nhanh trong thị trường có quy mô lớn. Với Eddie Thái, đây là sự lãng phí tài năng nếu chỉ tập trung vào mô hình kinh doanh như vậy.
Dù vậy, Eddie đang nhìn thấy sự xuất hiện của những nhà sáng lập đang ngày trở nên tốt hơn. Họ tham gia sáng lập các start-up trong da dạng lĩnh vực từ tài chính, đến thương mại điện tử/bán lẻ, giáo dục, y tế,…cũng như mang theo những khát vọng mang tính toàn cầu, thay vì chỉ tập trung vào thị trường nội địa hay Asean.
Hình ảnh nào sẽ xuất hiện như mô phỏng hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vào năm 2025?
Eddie đang mường tượng về một khu rừng nguyên sinh. Đến 2025, nền kinh tế số tại Việt Nam theo ước tính của Google và Temasek sẽ đạt khoảng 40 tỷ USD.
Còn với đôi mắt của một nhà đầu tư như Eddie Thái, con số này có thể cao hơn rất nhiều.
Để Việt Nam có thể trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo hàng đầu, mang lại tác động không chỉ với các nước trong khu vực nói riêng, Eddie Thái đưa ra các gợi ý để kỳ vọng trên có khả năng diễn ra.
Điều cần làm không chỉ là tăng tỷ lệ người sử dụng internet, mà còn phải tăng sự hiểu biết của người dùng về internet, không chỉ sử dụng Facebook hay Youtube.
Cùng với đó, các nhà sáng lập luôn phải tự học và yêu cầu khả năng tự học ngày càng cao hơn cũng như học hỏi khả năng kết hợp với những cá nhân khác biệt khác.
Tìm lối về Việt Nam
Sinh ra ở bang Florida vắng đồng hương sinh sống, Edward hầu như quên hết tiếng Việt. Nhưng cậu bé này luôn tò mò về quê cha đất tổ. Hình ảnh đất nước xa xôi hiện lên qua lời kể của ba mẹ là những chiều đánh cá ven làng chài miền Tây, hay những tô hủ tiếu và bún riêu Nam Bộ. Khi chuyện kể không còn đủ thỏa mãn trí tò mò, Edward 10 tuổi bèn tìm đọc sách địa lý và lịch sử Việt Nam. Khi đọc đã chán, năm 16 tuổi, cậu đòi cha mẹ dẫn về thực nghiệm tại quê hương.
“Mừng là Việt Nam giàu đẹp hơn trong sách tôi đã đọc. Nhưng đời sống lúc đó vẫn còn nhiều khó khăn. Những đứa trẻ trạc tuổi tôi phải phụ giúp gia đình ngoài giờ học, không như trẻ con bên Mỹ vẫn có thời gian vui chơi, đọc sách mỗi tối”, anh nhớ lại.
Sau chuyến đi đó, Edward tự hứa rằng sẽ quay về giúp bà con mình, khi sự nghiệp ở Mỹ vững vàng. Tốt nghiệp thủ khoa bậc trung học, Edward chọn chuyên ngành Chính phủ (B.A. in Government) của Harvard vì tin rằng chính sách xã hội tốt có thể giúp nhiều người cùng một lúc.
Ở Harvard, ngoài việc học xuất sắc, Edward còn điều hành 7 câu lạc bộ sinh viên và nhận giải Reflection Award dành cho cá nhân ảnh hưởng nhất tới cộng đồng. Nhưng cuối cùng, kiến thức và nhiệt huyết tuổi trẻ chưa đủ cho anh thành chính trị gia. “Để làm chính trị, người ta phải chờ đến lúc đứng tuổi để có thêm 2 thứ: mối quan hệ và kinh tế”, anh chia sẻ. Thế là, Edward chuyển hướng tìm cơ hội khác giúp cộng đồng nhanh hơn.
Năm 2007, Edward đầu quân cho tập đoàn tư vấn Dean & Company. Ở đây, anh làm việc với một start-up công nghệ. Ngoài việc đảm trách phần tài chính cho start-up này, Edward còn giúp họ tăng vốn từ các nhà đầu tư. “Tôi nhận ra kinh doanh ảnh hưởng rất lớn đến xã hội, đặc biệt là các start-up. Với những công ty lớn, chúng tôi chỉ giúp họ tăng vốn hay giành thị phần. Nhưng với start-up, chúng tôi còn giúp họ tạo sản phẩm mang giá trị mới đến toàn xã hội”, anh nói.
Năm 2010, vừa lấy học bổng Thạc sĩ ngành Doanh nghiệp và Tài chính tại Yale, Edward cũng liên tục về Việt Nam. Thực tập tại VinaCapital vào năm 2011, anh bắt đầu đi sâu tìm hiểu cộng đồng khởi nghiệp. Giai đoạn làm Giám đốc Chiến lược cho Megastar (2012-2014), Edward dần thích ứng với cuộc sống tại Việt Nam, đồng thời ngầm tìm thời điểm mở quỹ đầu tư start-up mang tên Vietnam Accelerator Fund (VAF).
Từ VAF đến 500 Start-up
“Nếu tôi bước chân vào thị trường khởi nghiệp tại Việt Nam vào năm 2012, có lẽ lúc ấy vẫn còn hơi sớm. Hầu như chưa nhà đầu tư nào có thể thoái vốn ra khỏi start-up”, Edward cho biết. Thông qua Trương Thanh Thủy (từng thành công với start-up Tappy), anh tiếp cận Khailee Ng, Giám đốc Ðiều hành 500 Startups tại khu vực châu Á vào năm 2014. Tuy nhiên, theo Edward, do Khailee khi đó vẫn nắm chắc về thị trường Việt Nam nên 500 Startups quyết định chỉ đầu tư vào VAF như một bước thăm dò.
“Nhận định của 500 Startups cũng khá chính xác. Cách đây 2 năm, còn khá nhiều yếu tố ở Việt Nam cản trở nhà đầu tư nước ngoài và cả startup công nghệ”, Edward nhận xét. Ví dụ như việc người dân chưa quen xài thẻ tín dụng, nên việc trả tiền mặt khi giao hàng làm giảm hiệu suất của kinh doanh qua mạng; luật pháp vẫn có nhiều thay đổi ngoài dự đoán; dịch vụ hậu cần vẫn chưa phát triển bài bản để hỗ trợ... Và đặc biệt nhất là suy nghĩ hẹp hòi của chính các start-up.
“Để 500 Startups vào được Việt Nam thì tinh thần chia sẻ phải thành thói quen của cộng đồng khởi nghiệp. Nhưng start-up Việt lại thu mình vì sợ bị lấy cắp ý tưởng”, Edward phân tích.
Nhưng vào năm 2014, nhiều tín hiệu lạc quan đã xuất hiện ở cộng đồng startup Việt. Đồng thời, giới startup cũng tự biết thay đổi để tiếp cận quỹ đầu tư. “Họ đã biết chia sẻ và tận tâm thật sự với ý tưởng của mình. Nếu trước đây, start-up chỉ là việc trái nghề làm vào thời gian rảnh, thì bây giờ các bạn trẻ đầu tư toàn thời gian để đi đến tận cùng”, Edward vui mừng nhận ra thời điểm chín muồi đã đến.