Công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) tạo sinh có thể tạo đột phá cho thị trường livestream thương mại điện tử Trung Quốc.
Trung Quốc nổi tiếng với lĩnh vực livestream thương mại điện tử (TMĐT). Trong những sự kiện lớn như Ngày độc thân, mỗi phiên livestream có thể thu về hàng tỷ USD.
Nếu như các thành phố lớn như Thâm Quyến, Hàng Châu đang trong cuộc đua thiết lập trung tâm livestream TMĐT toàn cầu, một số doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc lại muốn thúc đẩy công nghệ AI tạo sinh để tạo ra streamer ảo, đủ khả năng livestream suốt ngày đêm.
AI tạo sinh là các thuật toán đứng sau ChatGPT và chatbot khác, dùng để tạo nội dung mới, bao gồm âm thanh, hình ảnh, văn bản, video… Công nghệ đang mang đến thay đổi lớn cho nhiều ngành nghề truyền thống cả trong và ngoài nước.
Streamer ảo do AI tạo ra sẽ ảnh hưởng đến hơn 400.000 người đang hành nghề streamer trên khắp Trung Quốc.
Theo Hugo Huang, nhà sáng lập dịch vụ cung cấp streamer ảo Sansongshuzi, chi phí sử dụng streamer ảo cho chiến dịch tiếp thị trực tuyến của các doanh nghiệp, thương hiệu nhỏ thấp hơn nhiều so với streamer con người.
Công ty của Huang cung cấp streamer ảo với giá 500 NDT (hơn 1,6 triệu đồng) mỗi tháng. Ngược lại, chi phí thuê streamer con người và studio rơi vào khoảng 50.000 NDT mỗi tháng.
Gao Zilong, Giám đốc vận hành WH Zones – startup chuyên phát triển và điều hành người có sức ảnh hưởng (KOL) ảo – cho biết một vài thương hiệu lớn trên thị trường livestream TMĐT Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến streamer ảo.
Ông Gao tiết lộ, một “gã khổng lồ” điện tử trong nước và một tập đoàn mỹ phẩm quốc tế đang làm việc với WH Zones để chạy chiến dịch vào tháng 8 với sự tham gia của streamer ảo, dựa trên hình mẫu của vài người nổi tiếng; kết hợp giữa công nghệ và con người sẽ thúc đẩy doanh số cho thương hiệu.
Hiện nay, công nghệ 2D và 3D đang được dùng để tạo ra streamer ảo. Dù 2D tiết kiệm hơn, 3D lại có sức sáng tạo tốt hơn, Gao nhận xét. Dù vậy, để streamer 3D làm được những gì như con người đang làm, chi phí cuối cùng có thể cao hơn cả thuê người thật.
Bên cạnh đó, ứng dụng AI tạo sinh trong livestream TMĐT mới ở giai đoạn sơ khai, vẫn còn nhiều hạn chế, theo Zhang Yi, CEO hãng nghiên cứu iiMedia. Ông cho biết mọi người vẫn đang tranh luận xem mô hình này có thể được quảng bá rộng rãi không.
Ngoài lợi ích về mặt chi phí, Zhang chỉ ra giới trẻ có xu hướng bị hấp dẫn bởi một người kỹ thuật số và theo đuổi công nghệ mới.
Tại một sự kiện do Baidu tổ chức gần đây, công ty đã giới thiệu công nghệ mới dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn. Khi nhập từ khóa như “sầu riêng Thái Lan”, “doanh số 100.000 mỗi tháng”, “dưới 300 chữ”, nó có thể viết được kịch bản giới thiệu sản phẩm.
Giải pháp này còn cung cấp nội dung khác cho streamer để tương tác với khán giả trực tuyến trong phiên livestream. Baidu tiết lộ, một thương hiệu đã dùng giải pháp tương tự để bán vé Disneyland Thượng Hải, giúp mang về doanh thu 540.000 NDT mỗi tháng.
Bất chấp những lợi thế mà AI mang lại, các nền tảng như Douyin, Kuaishou vẫn muốn dùng streamer con người hơn.
(Theo SCMP)
PewPew khai trương tiệm bánh mì ở Hà Nội, khách kiên nhẫn xếp hàng dài từ sáng sớm để thưởng thức
Người 'chặt chém' streamer IshowSpeed ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hoàn trả tiền