Sự "bốc hơi" của vốn hóa thị trường....

02-07-2022 09:32|Đức Quân

Kết tháng 6/2022, VN-Index đứng ở mức 1.197,6 điểm - giảm 95,08 điểm (-7,36%) so với cuối tháng 5 song đã mất hơn 300 điểm (-20%) nếu tính từ đầu năm 2022. Dữ dội hơn, HNX-Index mất đến 41,4% còn UPCoM-Index cũng giảm 21,4% so với cuối năm ngoái.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục biến động tiêu cực trong tháng 6/2022. Kết phiên giao dịch cuối tháng 6 (30/6), VN-Index đứng ở mức 1.197,6 điểm - giảm 95,08 điểm (-7,36%) so với thời điểm cuối tháng 5; HNX-Index cũng giảm 38,08 điểm (-12%) xuống 277,68 điểm. UPCoM-Index giảm 27,1 điểm (-24,05%) xuống 85,58 điểm.

Rộng hơn, thị trường chứng khoán Việt Nam đã trải qua một nửa chặng đường của năm 2022 đầy thăng trầm khi VN-Index sau khi đạt mức đỉnh mới 1.524,7 điểm vào ngày 4/4 đã quay đầu bước vào nhịp điều chỉnh mạnh.

Phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6 khép lại với việc VN-Index giảm tới hơn 20 điểm xuống mức 1.197,6 - một lần nữa mất mốc 1.200.

Tính chung từ đầu năm 2022, chỉ số mất tổng cộng hơn 300 điểm (-20%). Mạnh mẽ hơn, dữ dội hơn, HNX-Index mất đến 41,4% còn UPCoM-Index cũng giảm 21,4% so với cuối năm ngoái.

Vốn hóa toàn thị trường tương ứng giảm hơn 1,22 triệu tỷ đồng (~53,3 tỷ USD) trong đó riêng sàn HOSE đã mất 1,08 triệu tỷ đồng (~49,6 tỷ USD).

Còn bao nhiêu doanh nghiệp vốn hóa tỷ USD trên TTCK?

Thị trường chứng khoán nửa đầu năm 2022 trải qua nhiều biến động theo chiều hướng không thật sự thuận lợi. Sau giai đoạn giằng co vùng đỉnh trong quý đầu năm, sóng gió nổi lên từ đầu tháng 4 đã nhanh chóng phủ nhận thành quả của một năm trước đó. Cổ phiếu giảm mạnh đến hàng chục % không hiếm, thậm chí nhiều cái tên còn thủng đáy một năm.

Hơn một nửa số vốn hóa thị trường đánh rơi trong 6 tháng đầu năm đến từ nhóm VN30 trong đó các tên tuổi lớn đầu ngành ngân hàng, bất động sản, thép,... như Vinhomes (HOSE: VHM) (-3,76 tỷ USD), Vingroup (HOSE: VIC) (-3,55 tỷ USD), Hòa Phát (HOSE: HPG) (-3,39 tỷ USD), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HOSE: GVR) (-2,5 tỷ USD), Techcombank (HOSE: TCB) (-2,21 tỷ USD), Tập đoàn Masan (HOSE: MSN) (-1,84 tỷ USD), Vietinbank (HOSE: CTG) (-1,62 tỷ USD), Novaland (HOSE: NVL) (-1,32 tỷ USD), VPBank ( HOSE: VPB ) (-1,31 tỷ USD), Vinamilk (HOSE: VNM (-1,29 tỷ USD) đều đã mất hàng tỷ USD vốn hóa.

vhoa.png
Nhóm cổ phiếu VN30 mất hàng tỷ USD vốn hóa từ đầu năm

Ở chiều ngược lại, chỉ có 6 cổ phiếu ngược dòng từ đầu năm trong đó Tổng Công ty Khí Việt Nam (HOSE: GAS) là cái tên có vốn hóa tăng mạnh nhất với 36.939 tỷ đồng, tương đương 20%.

Xét tương đối, quán quân tăng trưởng trong nhóm thuộc về Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (HOSE: PNJ) với mức tăng 42% tương đương 9.271 tỷ đồng. Các cái tên còn lại là FPT (HOSE: FPT) (+12%), Đầu tư Thế Giới Di Động (HOSE: MWG) (+8%), Tổng CTCP Bia - Rượu - Nước Giải khát Sài Gòn (HOSE: SAB) (+2%) và Vietjet (HOSE: VJC) (+1%).

Sự bứt phá mạnh mạnh mẽ bất chấp thị trường chung không thuận lợi đã đưa PNJ chen chân vào câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa. Ngoài VN30 cũng chỉ có thêm 1 cổ phiếu khác làm được điều tương tự là REE của Cơ điện Lạnh (HOSE: REE) với vốn hóa tăng 43% so với đầu năm lên mức 30.636 tỷ đồng (~1,33 tỷ USD).

Ngược lại, 10 cái tên gồm Thaiholdings (HNX: THD), DIC Corp (HOSE: DIG), VNDirect (HOSE: VND), Gelex (HOSE: GEX), Tài nguyên Masan (UPCoM: MSR), LienVietPostBank (HOSE: LPB), Masan MEATLife (UPCoM: MML), Đầu tư Nam Long (HOSE: NLG), Chứng khoán Bản Việt (HOSE: VCI), Viễn thông FPT (UPCoM: FOX) đã phải ngậm ngùi rời nhóm vốn hóa tỷ USD. Được biết, hầu hết các cổ phiếu này cũng chỉ mới gia nhập câu lạc bộ tỷ USD vốn hóa trong năm ngoái.

tho.png
Đồ thị giá cổ phiếu THD từ đầu năm 2022

Nổi bật nhất trong số này là cổ phiếu THD khi giá đổ nhào từ 277.000 đồng xuống đáy 38.400 đồng kết phiên 13/6.

Từ đầu năm 2022 đến nay, những thông tin tiêu cực trong nước và quốc tế cộng với việc phải hoàn trả hơn 840 tỷ đồng cho Tân Hoàng Minh đã nhấn chìm cổ phiếu THD (Thaiholdings) chỉ sau chưa đầy 2 năm phất cờ.

Đáng nói, cùng với động thái giảm không phanh của cổ phiếu, mã này cũng ghi nhận diễn biến bán ròng không ngừng từ khối ngoại kể từ đầu năm 2022.

Như vậy, tính đến hết tháng 6/2022, toàn sàn còn 52 cổ phiếu có vốn hóa trên 1 tỷ USD trong đó HOSE đóng góp 43 đại diện. HNX chỉ có duy nhất Tập đoàn KSFinance (HNX: KSF) trong khi UPCoM có đến 8 cái tên góp mặt với một số doanh nghiệp có vốn Nhà nước "đình đám" như Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam (UPCoM: ACV), Đầu tư Quốc tế Viettel (UPCoM: VGI), Lọc Hóa dầu Bình Sơn (UPCoM: BSR) hay Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (UPCoM: MVN).

vhoa1.png
Top 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất thị trường chứng khoán sau 6 tháng đầu năm

Cập nhật: 7 điểm thay đổi trên thị trường cơ sở sau khi KRX 'go-live'

VN-Index bất ngờ 'chao nghiêng': Nhìn lại 'siêu phẩm' từ trào lưu tích sản cổ phiếu ngành bank 'năm cũ'

[LIVE] Thị trường ngày 23/4: VN-Index giảm 13 điểm, xóa hết nỗ lực hồi phục

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kinh Tế Chứng Khoán
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/su-boc-hoi-cua-von-hoa-thi-truong-138508.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Sự "bốc hơi" của vốn hóa thị trường....
POWERED BY ONECMS & INTECH