Sự kiện Met Gala tránh nhắc tới xung đột ở Gaza
Sự kiện thời trang quan trọng được tổ chức trong hoàn cảnh không có tuyên bố chính trị rõ ràng đang gây tranh cãi về quan điểm thực sự của người nổi tiếng.
Vào tối thứ Hai, khi các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine chỉ diễn ra cách đó vài dãy nhà và Israel tiến hành các cuộc không kích nhắm vào thành phố Rafah, Met Gala đã được tổ chức ở New York mà không có tuyên bố chính trị nào.
Người tham dự diện những bộ cánh cầu kỳ làm từ cát hoặc hàng chục nghìn viên pha lê, có nhân viên đi cùng để nâng đỡ những tà váy cồng kềnh hoặc mặc những bộ âu phục giống như da bọc ghế sofa. Tuy nhiên, không có bất kỳ tuyên bố nào được đưa ra về những gì đang diễn ra bên ngoài thảm đỏ. Những tiếng hô vang của những người biểu tình gần đó cũng không thể làm xáo trộn không khí ở Met Gala.
Venetia La Manna, nhà hoạt động ủng hộ thời trang bền vững, đã chia sẻ trên Instagram: “ Điều này thật sự khủng khiếp (dystopian - phản địa đàng?). Trong khi những người nổi tiếng đang sải bước trên thảm đỏ và tự nguyện nín thở và không di chuyển khi đang mặc các bộ trang phục đắt tiền, Israel đã giành quyền kiểm soát cửa khẩu biên giới Rafah của Gaza, ngăn chặn nguồn viện trợ, phá hủy nơi cư trú an toàn cuối cùng của người Palestine. Họ đã mất đi cơ hội được hít thở và di chuyển.”
Những lần Met Gala trước đây không hề thiếu các thông điệp về chính trị. Năm 2021, nữ nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez đã gây tranh cãi khi mặc chiếc váy có in dòng chữ “Tax the Rich” (“Đánh thuế người giàu”). Năm 2018, với chủ đề “Heavenly Bodies: Fashion and the Catholic Imagination” (“Thực thể từ thiên đàng: Thời trang và Ý niệm Công giáo”), diễn viên Lena Waithe đã khoác lên mình chiếc áo choàng màu cầu vồng nhằm ủng hộ cộng đồng LGBTQ+. Chủ đề “Dấu ấn vàng son” của năm 2022 – lấy cảm hứng từ thời kỳ hưng thịnh của nước Mỹ vào thế kỷ 19 – đã tạo cơ hội cho một số người tham dự đưa ra những tuyên bố mang tính chính trị thông qua trang phục của mình. Trong số đó có Riz Ahmed, người đã diện bộ đồ lấy cảm hứng từ những người lao động nhập cư để nhấn mạnh vai trò “gìn giữ sự vàng son” của họ.
La Manna nói: “Thời trang không thể tách rời khỏi chính trị. Thời trang vốn mang tính chính trị. Quần áo cũng mang tính chính trị. Vải vóc cũng mang tính chính trị. Đó đều là nghệ thuật, phải không? Và nghệ thuật vốn mang tính chính trị. Đối với một sự kiện chủ yếu xoay quanh việc tôn vinh nghệ thuật, Met Gala giống như một cơ hội bị bỏ lỡ vì không có một tuyên bố chính trị rõ ràng nào được đưa ra.”
Với hàng nghìn máy quay ghi lại mọi khoảnh khắc và hàng tỷ lượt theo dõi qua mạng xã hội, thảm đỏ là nơi giúp người nổi tiếng có cơ hội bày tỏ lập trường về chính trị. Năm 2018, các diễn viên đã mặc đồ đen tại giải thưởng Quả cầu vàng và BAFTA (Giải thưởng Điện ảnh Viện Hàn lâm Anh quốc) khi phong trào #MeToo đang trên đà phát triển. Khi sức nóng của phong trào này thuyên giảm vào năm 2019, các ngôi sao vẫn đeo vòng tay có dòng chữ “Time’s Up x 2”. Tại lễ trao giải của Nghiệp đoàn Diễn viên Màn ảnh năm 2022, các diễn viên bao gồm Michael Douglas và Greta Lee đều mặc trang phục màu xanh và vàng để bày tỏ sự ủng hộ đối với Ukraina.
Gần đây, các sự kiện thảm đỏ tiếng tăm đã chứng kiến ít nhất một vài chi tiết trang phục mang tính chính trị liên quan đến cuộc xung đột ở Gaza. Tại lễ trao giải Oscar lần thứ 96, những người nổi tiếng bao gồm Billie Eilish và Ramy Youssef đã đeo ghim có dòng chữ “Artists4Ceasefire” (“Nghệ sĩ ủng hộ lệnh ngừng bắn”), trong khi những người khác, bao gồm cả diễn viên Milo Machado-Graner và Swann Arlaud (“Anatomy of a Fall”), đều đeo những chiếc ghim cài áo hình quốc kỳ Palestine. Ngay cả những biểu tượng tinh tế cũng gần như hoàn toàn vắng bóng ở Met Gala. La Manna đã mong đợi sự xuất hiện của “một chiếc ví hình dưa hấu” - loại trái cây có cùng màu với quốc kỳ Palestine.
Những lý do dẫn đến sự im lặng này là rất phức tạp. La Manna thắc mắc: “Có phải vì những người tham dự và các thương hiệu tài trợ đều cho rằng điều đó không đáng để họ tạo tranh cãi gây sức ép hoặc chịu rủi ro về lợi nhuận?”.
Nhà hoạt động trong ngành thời trang Orsola de Castro không thấy ngạc nhiên khi không có ai mặc “một bộ đầm cao cấp tuyệt đẹp mang màu cờ Palestine”. Tuy nhiên, điều này đã “củng cố sự hiểu biết rằng có tồn tại một nỗi lo sợ về việc phải lên tiếng về điều gì đó quá hiển nhiên”.
La Manna suy đoán rằng những người nổi tiếng có thể đã “rà soát trước” khi chứng kiến sự tranh cãi trong toàn ngành diễn ra ngay sau “một tuyên bố chính trị cực kỳ hợp lý trong bài phát biểu nhận giải của Jonathan Glazer [về những gì ông gọi là sự “mất nhân tính” ở Gaza] tại lễ trao giải Oscar”.
Vai trò của buổi dạ tiệc là gây quỹ cho Viện Phục trang của Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan. Amy Odell, người viết tiểu sử cho Anna Wintour, cho biết “các thương hiệu thời trang thường không muốn dính vào tranh cãi và chính trị”.
Nhưng trong thời đại mạng xã hội, một sự kiện hoàn toàn phi chính trị là vô cùng xa rời thực tế. Odell cho biết Instagram đang sắp xếp đan xen các bức ảnh về Met Gala và Gaza. “Dần dần, mọi người không coi Met Gala như một sự kiện tồn tại tách biệt với những gì đang diễn ra trên thế giới".
Chủ đề của sự kiện năm nay thậm chí còn mang tính chính trị. Tuy vẫn có sự nhầm lẫn, chủ đề của Met Gala tôn vinh “Khu vườn thời gian” - một truyện ngắn xuất bản năm 1962 của nhà văn J.G.Ballard. Nội dung câu chuyện xoay quanh sự sụp đổ của hệ thống chính trị khi một bá tước và nữ bá tước bị đám đông lật đổ. Sự bất đồng về nhận thức giữa những bông hồng xinh đẹp trên trang phục của người nổi tiếng và cốt truyện “Khu vườn thời gian” đã được chỉ ra trên mạng xã hội, mà theo như ký giả thời trang Rosalind Jana gọi nó là "mỉa mai vô cùng".
Anna Wintour - tổng biên tập tạp chí Vogue và đồng chủ tịch của Met Gala - đã từng gây nhiều tranh cãi trong quá khứ. Odell chỉ ra rằng khi bà Wintour đưa Ivana Trump lên trang bìa tạp chí Vogue vào những năm 1980, bà ấy “biết mình gây nhiều điều tiếng”. Tương tự với đó là cuộc phỏng vấn với Asma al-Assad, vợ của nhà độc tài Syria Bashar al-Assad, vào năm 2011, khi làn sóng cách mạng “Mùa xuân Ả Rập” bùng nổ.
Odell nói rằng cô ấy không biết liệu Wintour có ban hành một loại luật lệ nào đó ngăn cản việc đưa ra các tuyên bố về chính trị hay không, nhưng bà ấy “có liên quan đến hầu hết các bộ trang phục xuất hiện trên thảm đỏ… bà ấy nắm quyền kiểm soát”. Chẳng hạn, Odell sẽ không ngạc nhiên nếu Wintour biết rằng Ocasio-Cortez sẽ mặc chiếc đầm in dòng chữ “Tax the Rich” vào năm 2021.
La Manna cho biết, những người ngoài cuộc “rất mong muốn được thấy sự đoàn kết nào đó” từ những người nổi tiếng. Đối với De Castro, việc không bày tỏ lập trường dù chỉ thông qua một biểu tượng nhỏ như dải ruy băng hay chiếc ghim cũng thể hiện “sự hèn nhát tuyệt đối”.
Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn
Hamas chấp nhận lệnh ngừng bắn ở Gaza; Israel tiếp tục tấn công gây sức ép