Nhà thầu Trung Quốc xây dựng đập thủy điện lớn thứ 2 thế giới, cao gần 300m với vốn đầu tư 790.000 tỷ đồng
Đập Bạch Hạc Than được đánh giá là biểu tượng kỹ thuật mới của Trung Quốc. Toàn bộ các tổ máy đều do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ năng lượng và xây dựng.
Bạch Hạc Than – đập thủy điện lớn thứ hai thế giới, chỉ sau đập Tam Hiệp – đã hoàn thành và vận hành toàn bộ các tổ máy vào năm 2022. Đây là một dấu mốc quan trọng trong chiến lược phát triển năng lượng sạch của Trung Quốc.

Đập Bạch Hạc Than nằm trên sông Kim Sa, nhánh thượng nguồn của sông Dương Tử và chạy qua các tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam ở phía Tây Nam Trung Quốc. Dự án do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc đầu tư và phát triển, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 220 tỷ nhân dân tệ, tương đương hơn 790.000 tỷ đồng (tỷ giá hiện tại).
Đập cao khoảng 289m và được trang bị 16 tổ máy phát điện, mỗi tổ máy có công suất 1.000 megawatt. Tổng công suất lắp đặt đạt 16.000 megawatt, đứng thứ hai toàn cầu chỉ sau đập Tam Hiệp.
Khi hoạt động hết công suất, Bạch Hạc Than có thể sản xuất khoảng 62,4 tỷ kWh điện mỗi năm. Còn theo CGTN, đập đã sản xuất ra 100 tỷ kWh điện kể từ khi bắt đầu vận hành vào năm 2021, tương đương giảm 82,4 triệu tấn carbon dioxide.

Công trình này đóng vai trò then chốt trong cam kết trung hòa carbon vào năm 2060 mà chính phủ Trung Quốc đã đưa ra.
Đập Bạch Hạc Than được đánh giá là biểu tượng kỹ thuật mới của Trung Quốc. Toàn bộ các tổ máy đều do Trung Quốc tự thiết kế, chế tạo và lắp đặt, thể hiện sự tiến bộ vượt bậc trong công nghệ năng lượng và xây dựng.
Công trình được xây dựng tại địa hình hiểm trở, đòi hỏi kỹ thuật thi công phức tạp và độ chính xác cao. Đập được thiết kế để chống chịu động đất mạnh và đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn quốc tế.
>> Chọn nhà thầu Trung Quốc, dự án đập thủy điện 13.600 tỷ đồng hoàn thành vượt tiến độ 1 năm