Thế giới

Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới

Thanh Lê 17/05/2025 18:30

Trong khi thế giới còn mải phụ thuộc vào dầu mỏ, Trung Quốc đã lặng lẽ chuyển hướng, dốc toàn lực vào một thứ vũ khí chiến lược mới: điện – không chỉ để phát triển kinh tế, mà còn để định hình lại trật tự quyền lực toàn cầu.

Khi Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, quốc gia này vẫn đối mặt với một điểm yếu chiến lược nghiêm trọng: sự phụ thuộc nặng nề vào nhập khẩu năng lượng. Mỗi biến động trong nguồn cung dầu mỏ và than đều có nguy cơ làm chao đảo nền kinh tế 1,4 tỷ dân.

Nhưng giờ đây, trước bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gia tăng và thương mại toàn cầu bất ổn, Bắc Kinh đang chuyển mình thành một siêu cường năng lượng theo hướng hoàn toàn khác.

Trong thập kỷ qua, Trung Quốc từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu bằng cách thúc đẩy mạnh mẽ điện khí hóa và đầu tư vào công nghệ sạch. Động lực này không chỉ xuất phát từ nhu cầu an ninh năng lượng, mà còn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu và tạo ra tăng trưởng kinh tế mới.

Giới phân tích cho rằng sự chuyển hướng này là một phần trong chiến lược dài hạn đã được Trung Quốc âm thầm hoạch định từ nhiều năm trước. Theo Andrew Gilholm, Giám đốc phân tích Trung Quốc tại Control Risks, Trung Quốc đã chuẩn bị cho những đứt gãy chuỗi cung ứng và biến động địa chính trị từ trước khi khủng hoảng toàn cầu bùng nổ.

Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới - ảnh 1
Trung Quốc đang dẫn đầu về điện khí hóa toàn cầu

Nếu các cuộc cách mạng công nghiệp trước đây do Anh và Mỹ khởi xướng, thì cuộc cách mạng năng lượng mới – tập trung vào điện khí hóa và công nghệ tái tạo – đang được Trung Quốc dẫn dắt. Theo RMI (Mỹ), Trung Quốc hiện là trung tâm của chuyển đổi toàn cầu, với các lĩnh vực năng lượng sạch chiếm 10% GDP và đóng góp tới 25% tăng trưởng kinh tế nước này trong năm qua.

Điện khí hóa, tức thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng điện trong sản xuất, giao thông và sinh hoạt, đang trở thành trụ cột cho cả tăng trưởng và mục tiêu cắt giảm phát thải. Mặc dù vẫn là quốc gia phát thải lớn nhất thế giới, Trung Quốc đang từng bước mở rộng năng lượng tái tạo và giảm dần tỷ trọng than trong hệ thống điện.

Tính đến năm 2024, công suất lắp đặt điện của Trung Quốc đã vượt 3.300 GW, bao gồm thủy điện, mặt trời, gió và than, với tốc độ tăng trưởng 15% chỉ trong một năm. Trung Quốc hiện chiếm tới 80% các nhà máy điện than đang xây dựng toàn cầu – phần lớn phục vụ nhu cầu điện công nghiệp tại các vùng đông dân.

Song song đó, Trung Quốc cũng thống trị các lĩnh vực năng lượng tái tạo: nắm giữ 70% công suất điện mặt trời quy mô tiện ích đang xây dựng trên thế giới, dẫn đầu về thủy điện và đẩy mạnh điện gió cả trong đất liền lẫn ngoài khơi.

Cuộc “cách mạng năng lượng” từ mệnh lệnh của ông Tập

Cuộc chuyển mình bắt đầu từ năm 2014 khi Chủ tịch Tập Cận Bình ra chỉ thị đầu tiên về “cách mạng hóa hệ thống năng lượng”. Khi đó, ông cảnh báo về sự lạc hậu công nghệ và yêu cầu nâng cao an ninh năng lượng một cách quyết liệt.

Trung Quốc nhanh chóng vượt qua châu Âu và Mỹ về tỷ lệ điện khí hóa. Trong khi phương Tây vẫn loay hoay với giảm phát thải điện, Trung Quốc đã tiến xa hơn khi điện khí hóa cả hệ thống – từ tiêu dùng đến sản xuất, từ vận tải đến công nghiệp nặng.

Giáo sư Marie Claire Brisbois tại Đại học Sussex nhận định, Bắc Kinh có lợi thế lớn nhờ khả năng điều tiết thị trường, kiểm soát hành vi tiêu dùng và định hướng đầu tư tư nhân.

Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới - ảnh 2
Điện khí hóa nhanh chóng trên nhiều lĩnh vực khác nhau ở Trung Quốc

Chính phủ Trung Quốc đã chi hàng trăm tỷ USD mỗi năm cho công nghệ sạch – gấp gần 5 lần Mỹ và 15 lần Nhật Bản. Từ đây, hàng loạt doanh nghiệp nội địa phát triển bùng nổ, từ sản xuất pin, tua-bin gió, tấm pin mặt trời đến xe điện. Năm 2025, xe điện dự kiến lần đầu tiên vượt qua xe động cơ đốt trong tại Trung Quốc, với doanh số 12,5 triệu chiếc.

Cùng với đó là sự mở rộng thần tốc của mạng lưới đường sắt điện khí hóa và kế hoạch nâng cấp lưới điện quốc gia với tổng vốn đầu tư đến 800 tỷ USD đến năm 2030. Hơn 40 đường dây siêu cao thế đang giúp chuyển điện từ các sa mạc phía tây tới trung tâm công nghiệp miền đông.

Điện khí hóa không chỉ là bài toán nội địa. Trung Quốc đã nắm trọn chuỗi cung ứng công nghệ sạch toàn cầu, từ khai khoáng đến sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp nước này đã đầu tư 156 tỷ USD ra nước ngoài vào hơn 200 dự án công nghệ xanh kể từ năm 2023.

Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới - ảnh 3
Trung Quốc đang bổ sung nhiều nguồn điện khác nhau

Theo AidData (ĐH William & Mary, Mỹ), từ năm 2000 đến 2021, các tổ chức Trung Quốc đã cung cấp gần 57 tỷ USD cho các dự án khai thác khoáng sản chiến lược như lithium, đất hiếm, coban – giúp củng cố vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu.

Trong cuộc họp LHQ tháng 4/2025, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố Trung Quốc sở hữu “hệ thống năng lượng tái tạo lớn nhất, phát triển nhanh nhất” cùng “chuỗi công nghiệp hoàn chỉnh nhất thế giới.”

Phương Tây loay hoay, thế giới đối mặt với lựa chọn

Trong khi Trung Quốc đặt cược vào công nghệ sạch để mở rộng ảnh hưởng toàn cầu, Mỹ lại tìm cách xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) để bù đắp thâm hụt thương mại. Cuộc cạnh tranh này đang đặt các quốc gia trước lựa chọn khó: tiếp tục dùng nhiên liệu hóa thạch đắt đỏ từ phương Tây, hay nhập khẩu công nghệ sạch rẻ và hiệu quả từ Trung Quốc.

Kingsmill Bond, chiến lược gia năng lượng tại Ember, khẳng định: “Mỗi USD đầu tư vào pin mặt trời Trung Quốc có thể thay thế USD nhập khẩu LNG – với chi phí thấp hơn và lợi ích môi trường rõ ràng”.

Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới - ảnh 4
Năng lượng tái tạo đã trở nên rẻ hơn điện than ở Trung Quốc

Tuy vậy, giới chức phương Tây cũng cảnh báo về rủi ro chiến lược khi phụ thuộc vào công nghệ và vật liệu từ Trung Quốc – nhất là trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị gia tăng.

Theo FT

>> Chuyên gia: Mức thuế 30% sẽ 'kìm chân' Trung Quốc đến cuối năm nay, đe dọa 70% kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ

J-10C gây chấn động khi hạ gục 5 máy bay phương Tây: Quốc phòng Trung Quốc đứng trước 'thời khắc DeepSeek'?

Chọn nhà thầu Trung Quốc, ống khói 240m đổ sập khiến 100 công nhân bị 'chôn sống': Loạt lãnh đạo cấp cao hầu tòa sau 15 năm

Theo Thị trường tài chính
https://thitruongtaichinh.kinhtedothi.vn/nhip-song-do-day/ong-tap-can-binh-ra-chi-thi-tu-11-nam-truoc-trung-quoc-am-tham-vuot-my-trong-cuoc-dua-dinh-hinh-lai-trat-tu-the-gioi-moi-142553.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Ông Tập Cận Bình ra chỉ thị từ 11 năm trước, Trung Quốc âm thầm vượt Mỹ trong cuộc đua định hình lại trật tự thế giới mới
    POWERED BY ONECMS & INTECH