Quốc tế

Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn

Vũ Bấc 08/05/2024 - 15:37

Người tị nạn ở thành phố Rafah còn chưa kịp vui mừng khi được tin Hamas chấp nhận ngừng bắn thì đã phải kéo nhau chạy trốn khỏi cuộc tấn công của Israel.

Ngày 7/5, quân đội Israel đã bắt đầu triển khai binh lính và xe tăng tiến vào thành phố Rafah, bước đầu giành quyền kiểm soát cửa khẩu Rafah, giáp biên giới với Ai Cập ở phía Nam Gaza.

Vào ngày 6/5, hàng nghìn người tị nạn Palestine đổ ra đường phố ở thành phố Rafah trong sự nhẹ nhõm và vui mừng trước thông tin Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn, trao đổi con tin đã giúp họ tránh được một cuộc tấn công trên bộ của Israel.

Tuy nhiên ngay sau đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu phía Israel đã bác bỏ yêu cầu của Hamas về chấm dứt chiến tranh ở Gaza với lý do điều đó sẽ giúp Hamas lên nắm quyền và gây ra mối đe dọa cho an ninh Israel.

Điều này dẫn đến nhiều người đang trú ẩn ở Rafah phải tức tốc di chuyển, mang tất cả đồ đạc tối thiểu chạy khỏi đây bằng ô tô và các phương tiện thô sơ hiện có.

Đêm trước đó, một cuộc không kích tàn khốc đã báo hiệu trước sự đổ bộ của quân lính và xe tăng của lực lượng phòng vệ Israel (IDF), đẩy hàng triệu người Palestine ra khỏi nơi tị nạn vốn đã bị WHO cho là đang ở trong “thảm kịch về y tế”.

Kênh truyền hình quốc gia Al-Qahera của Ai Cập phát sóng đoạn video ghi lại những tiếng súng, tiếng nổ cũng như tiếng ầm ầm của xe tăng và máy bay trực thăng vang lên ở phía bên kia biên giới nước này.

>>Mấu chốt "khúc mắc" cho thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza

Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn
Dân chúng tại thành phố Rafah kéo nhau chạy trốn ngay sau khi bị không kích bởi Israel

Bước ngoặt đau thương mà hơn 1 triệu người tị nạn đang đối mặt này lại là một chương mới của trong chuỗi thảm kịch nhân đạo, sau khi những người này đã phải chen chúc đổ vào Rafah trong lúc dải Gaza bị bao vây, cắt hết nguồn cung điện nước và nhu yếu phẩm.

Anh Mohamed Karraz, 28 tuổi, người tị nạn cùng gia đình từ phía Bắc dải Gaza, cho biết: “Chúng tôi vừa mới ăn mừng khi biết tin Hamas chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn thì lại nghe tin xe tăng của Israel đã tiến vào. Đêm qua thật khủng khiếp, với những cuộc bắn phá không ngừng nghỉ, trong màn đêm chỉ có tiếng nổ inh tai và tiếng còi xe cứu thương.”

Ngay trước cuộc tấn công chỉ vài giờ đồng hồ, máy bay Israel đã thả truyền đơn yêu cầu người dân ở 5 quận phía Đông di chuyển đến khu vực ven biển phía Tây Rafah vì quân đội Israel sẽ “hoạt động với sức mạnh to lớn chống lại các nhóm khủng bố trong khu vực của bạn”.

Bà Om Udai Tabash, 44 tuổi, cho biết gia đình bà sẽ quay trở lại ngôi nhà của họ ở Khan Younis, trong một khu chung cư đã bị tốc mái sau các vụ đánh bom của Israel.

“Ít nhất chúng tôi sẽ chết tại chỗ của mình", bà nói bằng giọng quả quyết và tuyệt vọng. “Những điều cơ bản của cuộc sống không tồn tại ở Khan Younis vì cơ sở hạ tầng đã bị phá hủy, nhưng quân đội Israel cũng sẽ làm điều tương tự ở Rafah. Nếu chúng tôi phải chết, chúng tôi muốn chết ở trong nhà của mình.”

Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn
Nhiều người Palestine đã kiệt quệ trên đường tị nạn, mất nhà, người thân trong các cuộc tấn công vào vùng dân sự của quân đội Israel

Tình cảnh của những người tị nạn và người dân ở Rafah cũng đã rất khốn khổ nếu Israel không bắt đầu chiến dịch quân sự. Khoảng 1,4 triệu người, hơn một nửa dân số của cả dải Gaza, đã bị dồn vào một thành phố thường ngày chỉ có 280.000 người sinh sống. Dòng người tị nạn chen chúc vào các trường học, nhà riêng và lều bạt, ít được tiếp cận với hệ thống vệ sinh hoặc nước sạch.

Nhiều người đã phải ở trong lều nhiều tháng trời, hứng chịu mưa suốt mùa đông và gần đây là nắng nóng gia tăng. Các cơ quan viện trợ nhân đạo cho biết việc thu gom rác khó khăn đã tạo điều kiện cho côn trùng và dịch bệnh lây lan.

Hai tuyến đường chính đưa viện trợ vào Gaza hiện đang bị tắc nghẽn do bị phía Israel phong tỏa. Các tuyến đường viện trợ khác vào miền Trung và phía Bắc Gaza vẫn mở, mặc dù chỉ có một số lượng hạn chế các đoàn xe đi vào các tuyến đường đó. Một bến tàu nổi do Mỹ xây dựng ngoài khơi Gaza đã được lên kế hoạch từ lâu có thể bắt đầu hoạt động trong tuần này để các nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận giúp đỡ những người tị nạn Palestine.

Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn
Cứu trợ nhân đạo gặp khó khăn trong việc tiếp cận dòng người tị nạn do các tuyến đường bị phong tỏa

Trước tình hình này, Mỹ và các đồng minh khác của Israel cùng với các cơ quan viện trợ đưa ra nhiều cảnh báo chống lại các chiến dịch quân sự mạnh mẽ và liên tục của quốc gia này.

Cơ quan y tế Palestine cho biết hơn 34.000 người Palestine đã thiệt mạng. Chương trình Lương thực Thế giới của Liên hợp quốc (FAO) cho biết trong tuần này rằng miền Bắc Gaza đang trải qua “nạn đói toàn diện”, đặc biệt khi quân đội IDF phong tỏa các đường tiếp vận đường biển, trừ các tàu của Mỹ.

Nhiều thành phố ở phía Bắc dải Gaza, và giờ đây là thành phố Rafah phía Nam, “thành trì cuối cùng của lực lượng khủng bố Hamas” - như cách gọi của giới chính trị Israel, sẽ trở thành nhà tù và mồ chôn của hàng triệu người tị nạn Palestine.

>> Bùng phát làn sóng biểu tình phản đối Israel tại các trường đại học châu Âu

Hamas chấp nhận lệnh ngừng bắn ở Gaza; Israel tiếp tục tấn công gây sức ép

Tổng thống Biden ký ban hành luật viện trợ quân sự 95 tỷ USD và cấm Tiktok, có hiệu lực ngay lập tức

Iran sử dụng 300 UAV không kích Israel, cả thế giới chuẩn bị cho kịch bản giá dầu tăng vọt

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tham-kich-nhan-dao-bao-trum-dai-gaza-israel-tan-cong-rafah-ngay-sau-khi-hamas-thoa-thuan-ngung-ban-233935.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Thảm kịch nhân đạo bao trùm dải Gaza: Israel tấn công Rafah ngay sau khi Hamas thỏa thuận ngừng bắn
POWERED BY ONECMS & INTECH