Doanh nghiệp

Sức cùng lực kiệt sau bão dữ, chủ lồng oằn vai ‘gánh’ nợ nghìn tỷ

Tâm An 23/09/2024 - 07:49

Hơn 300 lồng cá song của vợ chồng anh Ba nuôi ở khu vực biển Quảng Yên chẳng còn lại gì ngoài những tấm gỗ đổ nát. Bão lũ đi qua, không chỉ vợ chồng anh Ba, nhiều nông dân khác mất trắng tài sản, còn “gánh” trên vai khoản nợ hàng nghìn tỷ đồng.

LTS: Dù bảo hiểm nông nghiệp đã được Chính phủ có quyết định thực hiện thí điểm từ hơn 10 năm trước, song cứ mỗi lần thiên tai ập đến, hàng nghìn nông dân lại lâm cảnh trắng tay, trong khi bảo hiểm dường như vẫn còn là từ xa lạ với họ. Tuyến bài Để bảo hiểm nông nghiệp thực sự là phao cứu sinh cho nông dân của VietNamNet hy vọng sẽ góp thêm một góc nhìn để giải quyết vấn đề này.

Tiền tỷ bị nhấn chìm trong biển nước

Hơn 20 năm theo nghề nuôi biển, từ Cát Bà (Hải Phòng) rồi di chuyển đến xã Hoàng Tân (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), số cơn bão vợ chồng anh Bùi Lanh Ba trải qua nhiều không đếm xuể. Song, chưa bao giờ bị thiệt hại nặng nề như cơn bão số 3 Yagi vừa qua.

Anh Ba tâm sự, bao nhiêu năm qua từ nuôi biển quy mô nhỏ đến quy mô lớn, sau mỗi vụ thu hoạch lãi được đồng nào vợ chồng anh lại dồn hết vào đầu tư làm thêm lồng nuôi cá. Trước khi bão số 3 đổ bộ, lồng nuôi cá của vợ chồng anh đã lên đến con số hơn 300. Nhưng chẳng thể ngờ, chỉ vài tiếng đồng hồ cơn bão quét qua, toàn bộ lồng bè bị đánh tan tành.

Khu lồng bè nuôi thuỷ sản của gia đình anh chủ yếu làm bằng gỗ. Trước bão, anh đã gia cố thêm neo, trụ cọc cho chắc chắn, song vẫn không thấm tháp vào đâu so với sức tàn phá của cơn bão dữ số 3.

W-thuy san Quang yen.png
Các lồng bè nuôi trồng thuỷ sản ở biển Quảng Ninh bị bão đánh tan tành. Ảnh: Phạm Công

Sau bão, vợ chồng anh vội chạy ra khu lồng bè nhưng chỉ còn lại đống đổ nát, những mảnh gỗ nằm ngổn ngang, trôi nổi khắp mặt biển. Hàng trăm tấn cá song gần như mất trắng.

“Có hơn 200 lồng cá song nuôi sắp cho thu hoạch, cá đã nặng 5-8kg/con, sản lượng khoảng 220 tấn. Vậy mà sau bão, số cá còn lại chỉ vỏn vẹn 2 tấn”, anh Ba chua xót nói. Giá cá song hiện nay lên tới 210.000 đồng/kg. Nhẩm tính thiệt hại lên đến 50 tỷ đồng. Đó là chưa kể vài chiếc tàu thuyền của gia đình anh cũng bị đánh chìm, ước thiệt hại khoảng 5 tỷ.

“Nợ ngân hàng đợt vừa rồi đã trả gần hết, chỉ còn 300 triệu nữa. Hai vợ chồng đang mừng vì bán lứa cá này sẽ thu được khoản lãi kha khá”, anh nói. Cuối cùng, cá không còn, vài chục tỷ cứ thế chìm trong biển nước.

Mấy ngày gần đây, vợ chồng anh Ba vẫn dồn lực dọn dẹp khu lồng bè đổ nát, chưa tính đến chuyện khôi phục sản xuất, bởi không biết bắt đầu từ đâu. Anh cũng huy động bạn bè, người thân ra giúp sức câu lại số cá song đã thoát ra bên ngoài.

Hôm nay, số cá song mọi người câu giúp vợ chồng anh Ba được hơn 1 tạ. Anh đem thả vào chiếc lồng nuôi được sửa vội vàng sau bão. “Giờ tìm lại được con nào quý con đó”, anh nói.

Ở khu Bãi Già, xã Tàm Xá (Đông Anh, Hà Nội), ông Hoàng Ngọc Đoàn vẫn chưa thể tin cả trang trại rộng 2,6ha, với 7 dãy chuồng gà nay không còn lại gì. Bão đi qua, nước lũ đã rút để lại cho ông hàng vạn con gà chết nằm như ngả rạ trong lồng.

Trang trại này của ông Đoàn nuôi 80.000 con gà đẻ trứng và gà hậu bị, nhưng nước lũ đã nhấn chìm hơn 70.000 con gà. Gần 10.000 con di dời kịp ông cũng đành bán tháo với giá 50.000 đồng/con.

W-thuy san quang yen.png
Nhiều hộ nuôi thuỷ sản mất trắng tài sản vài chục tỷ đồng đến cả trăm tỷ đồng, nay đi câu tìm lại những con cá song thoát ra ngoài trong bão. Ảnh: Phạm Công

Bão số 3 đã khiến gia đình ông thiệt hại khoảng 14-15 tỷ đồng, quét đi tất cả mồ hôi công sức trong suốt 14 năm qua. Trong đó, riêng gà chết thiệt hại khoảng 11-12 tỷ đồng; còn lại là các máy móc thiết bị đi theo, thức ăn và trứng còn tồn trong chuồng.

Anh Ba và ông Đoàn chỉ là 2 hộ dân trong hàng chục nghìn hộ nông dân bị thiệt hại do bão lũ vừa qua. Thống kê sơ bộ đến ngày 18/9, bão lũ làm 312.000 ha diện tích trồng trọt bị ngập lụt, gãy đổ, trong đó có khoảng hơn 100.000ha sẽ bị mất trắng; 3.763 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 22.514 con gia súc, hơn 3 triệu con gia cầm bị chết.

Theo ông Hoàng Trung - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, riêng diện tích trồng lúa hơn 200.000ha bị ngập úng, gây thiệt hại khoảng 3.000 tỷ đồng. Với 50.612ha hoa màu bị ngập úng và 38.104ha cây ăn quả bị hư hại, gây thiệt hại khoảng 1.250 tỷ đồng.

Trong khi đó, có hàng nghìn lồng bè thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi, con số thiệt hại ước tính bước đầu lên tới 2.500 tỷ đồng. Người nông dân chăn nuôi gia súc gia cầm cũng thiệt hại khoảng gần 2.000 tỷ đồng.

Đây chỉ là những con số ước tính đến ngày 18/9, hiện các địa phương tiếp tục thống kê, rà soát để có những số liệu thiệt hại cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.

“Gánh” trên vai khoản nợ hàng nghìn tỷ

Bão số 3 đã đi qua, để lại cho người nông dân những chuồng trại đổ sập, hàng triệu con gà, lợn chết như ngả rạ… Nhiều trang trại chăn nuôi gần như bị xóa sổ, mất cả vài chục đến đến hàng trăm tỷ đồng. Nông dân điêu đứng và có nguy cơ phá sản, bởi mọi của cải đã trôi theo sóng nước, còn khoản nợ “gánh” trên vai lại nặng hơn.

"Gia đình tôi đang nợ ngân hàng khoảng 20 tỷ đồng, mỗi tháng trả lãi 200 triệu đồng”, ông Hoàng Ngọc Đoàn buồn rầu nói. Ông đang đề nghị ngân hàng đánh giá tình hình hiện trạng để xem xét hỗ trợ tạo điều kiện cho gia đình được hoãn, giãn nợ.

Ông cũng mong tiếp tục được vay thêm vốn với lãi suất ưu đãi để khôi phục sản xuất. Nếu vay được tiền, ông có thể bắt đầu lại với quy mô đàn 10.000-20.000 con gà đẻ trứng. Nhưng tất cả đều rất khó khăn và phải chờ.

chan nuoi
Nước lũ nhấn chìm hơn 70.000 con gà, ông Đoàn lo lắng vì khoản nợ vay ngân hàng 20 tỷ vẫn phải gánh trên vay. Ảnh: CTV

Bà Ngô Thị Thuý ở xã Tân An (thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh) cho biết, gia đình đầu tư 60 ô nuôi cá tại Cẩm Phả, 45 ô nuôi cá tại Bến Giang. Qua một đêm bão, những gì còn lại chỉ là ít cá con còn sót lại trong lồng, thiệt hại lên tới 12 tỷ đồng.

Không chỉ mất sạch tài sản, gia đình bà Thuý còn “gánh” khoản nợ ngân hàng 4 tỷ đồng để đầu tư vào bè cá. Thế nên, bà chỉ mong được ngân hàng hoãn nợ, giãn nợ và cho vay mới để có thể phục hồi sản xuất.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 17/9, khoảng 73.000 khách hàng bị ảnh hưởng do bão số 3 với dư nợ ước khoảng 94.000 tỷ đồng. Trong đó, có hàng nghìn nông dân còn nợ ngân hàng như bà Thuý, ông Đoàn...

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, bộ này sẽ có văn bản kiến nghị Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương để đình hoãn, giãn, khoanh nợ, giảm lãi suất, thậm chí có những hỗ trợ để người nông dân có điều kiện sớm phục hồi sản xuất trong thời gian ngắn nhất.

Đồng thời đề nghị với Chính phủ sẽ có một nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau cơn bão số 3. Ngoài ra, bộ trưởng NN-PTNT sẽ giao cho các thứ trưởng phụ trách từng lĩnh vực trong ngành nông nghiệp họp với các địa phương, các doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật, con giống, vật tư, thức ăn chăn nuôi...

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cũng nhấn mạnh phải tiếp tục giải quyết vấn đề về bảo hiểm nông nghiệp, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi cũng như các lĩnh vực khác một cách bền vững hơn.

Thực tế, nông nghiệp là lĩnh vực luôn gánh chịu rủi ro lớn mỗi khi có dịch bệnh, thiên tai, nhất là biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt. Bảo hiểm nông nghiệp được ví như “phao cứu sinh” giúp nông dân, doanh nghiệp giảm thiểu rủi ro trong sản xuất.

Tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp mới chỉ xác định có 7 loại cây trồng (lúa, cao su, hồ tiêu, điều, cà phê, cây ăn quả, rau), 4 loại vật nuôi (trâu, bò, lợn, gia cầm); 3 loài thủy sản (tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra) được Nhà nước hỗ trợ bảo hiểm cho các cá nhân sản xuất nông nghiệp thuộc hộ nghèo và cận nghèo tại một số tỉnh, thành phố do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Nhưng trên thực tế triển khai, doanh nghiệp bảo hiểm mới quan tâm triển khai với cây lúa, trong khi rất nhiều ngành hàng sản xuất nông nghiệp đang cần tham gia bảo hiểm và đối tượng bảo hiểm không chỉ là lúa mà còn là các loại cây ăn quả, là vật nuôi, là nuôi trồng thủy sản...

Chưa kể, người nông dân cũng không mặn mà với bảo hiểm nông nghiệp, tỷ lệ tham gia còn rất khiêm tốn. Thế nên, sau những cơn bão dữ, những đợt mưa lũ lịch sử, tài sản tích cóp mấy chục năm của nhiều hộ nông dân cứ thế bị cuốn trôi. Họ không biết bắt đầu khôi phục sản xuất từ đâu vì sức cùng lực cạn.

Bài sau: Nghìn tỷ bị bão cuốn bay, bảo hiểm nông nghiệp đâu rồi?

>>Bão ‘cuốn trôi’ 2.500 tỷ, nông dân có thể chuyển ngay sang trồng siêu thực phẩm

Thống đốc NHNN: ngành ngân hàng chủ động vào cuộc hỗ trợ người dân, DN sau bão số 3

Chính phủ chỉ đạo NHNN có chính sách mới với gói tín dụng lâm, thuỷ sản

Theo vietnamnet.vn
https://vietnamnet.vn/suc-cung-luc-kiet-sau-bao-du-chu-long-oan-vai-ganh-no-nghin-ty-2324463.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sức cùng lực kiệt sau bão dữ, chủ lồng oằn vai ‘gánh’ nợ nghìn tỷ
    POWERED BY ONECMS & INTECH