Sức mạnh tài chính của phụ nữ châu Á thăng hạng vượt bậc: tổng tài sản cao thứ 2 thế giới

27-01-2023 07:30|Lâm Anh

Lần đầu tiên trong lịch sử, phụ nữ châu Á nắm giữ lượng tổng tài sản lớn thứ hai thế giới, chỉ xếp sau Bắc Mỹ.

Theo phân tích của tập đoàn tư vấn Boston Consulting Group (BCG) thực hiện cho tờ Nikkei Asia, phụ nữ châu Á (trừ Nhật Bản) sẽ nắm giữ khối tài sản trị giá 27.000 tỷ USD vào năm 2026, nhiều hơn 6.000 tỷ USD so với phụ nữ Tây Âu. Tổng tài sản của phụ nữ ở châu Á đã vượt qua Tây Âu vào cuối năm 2021.

Lần đầu tiên, khối lượng tài sản của phụ nữ ở châu Á cao hơn bất kỳ khu vực nào khác trên thế giới (trừ Bắc Mỹ) và tổng tài sản đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong các khu vực.

Bà Jenny Wang, chuyên gia cấp cao tại ngân hàng đầu tư HSBC, nhận xét: “Những người phụ nữ giàu có ở châu Á đang trở nên hiểu biết hơn về tài chính, tự tin và tích cực hơn trong các khoản đầu tư, cũng như biết cách quản lý và gia tăng tài sản hơn bao giờ hết”. Bà cho biết số lượng phụ nữ thuộc nhóm này ở châu Á đã tăng 14% kể từ khi đại dịch Covid-19 bắt đầu.

Kể từ năm 2019, khối tài sản của phụ nữ châu Á đã tăng thêm 2.000 tỷ USD hàng năm. Tốc độ tăng trưởng cao này dự kiến sẽ tiếp tục kéo dài trong 4 năm tới với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 10,6%.

Đáng chú ý, số lượng nữ tỷ phú ở châu Á đã tăng từ 13 người vào năm 2010 lên 92 người vào năm 2022. Theo số liệu của tạp chí Forbes tính đến ngày 15/12/2022, “bà trùm” ngành kim loại và khoáng sản người Ấn Độ Savitri Jindal (72 tuổi) là nữ doanh nhân giàu có nhất châu Á, sở hữu 17,6 tỷ USD.

ty-phu-an-do-savitri-jindal.png
Bà Savitri Jindal (72 tuổi) đang là nữ doanh nhân giàu có nhất châu Á.

Lần lượt sau đó là 2 tỷ phú Trung Quốc là bà Kwong Siu-hing (14 tỷ USD) và bà Wu Yajun (11,7 tỷ USD).

Mặc dù nam giới tiếp tục dẫn đầu về giá trị của cải trên thế giới, nhưng phụ nữ, đặc biệt là ở châu Á, đang trở nên giàu có nhanh hơn nam giới. Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS, tài sản của phụ nữ đã tăng trưởng với tốc độ CAGR là 8,2% trong giai đoạn 2016 đến 2020, so với 5,9% của nam giới. Điều này làm giảm khoảng cách về giới trong tỷ lệ tài sản toàn cầu khi các nhà đầu tư nữ chiếm 33% vào năm 2020, nhiều hơn so với tỷ lệ 31% vào năm 2016.

Nghiên cứu của UBS cũng dự báo tài sản của phụ nữ sẽ tiếp tục sinh sôi nảy nở nhanh hơn tài sản của nam giới trong vòng ba năm tới và tăng trưởng đó rõ rệt nhất ở châu Á. Đến năm 2025, phụ nữ châu Á sẽ chiếm 34,4% tài sản của khu vực, xấp xỉ mức 35% của phụ nữ ở Mỹ và châu Âu.

Không chỉ gia tăng về giá trị tài sản, nhiều người phụ nữ châu Á đã dũng cảm phá rào cản định kiến, tạo ra những tiền lệ đầu tiên để bước chân vào các ngành nghề xưa nay chỉ dành cho đàn ông. Từ phi công lái máy bay chiến đấu đến vận động chuyên nghiệp và kỹ sư công nghệ chip, phái yếu đang dần khẳng định họ không hề yếu thế trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao.

Nữ Chủ tịch FPT Software là người phụ nữ châu Á duy nhất vừa được Đại học Mỹ vinh danh

Chân dung người phụ nữ châu Á đầu tiên cầm lái tàu hoả, phá vỡ rào cản giới tính và mở đường cho giới nữ 'tỏa sáng' trong ngành đường sắt

Bài thuộc chủ đề Tài chính
Theo Kiến Thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/suc-manh-tai-chinh-cua-phu-nu-chau-a-thang-hang-vuot-bac-tong-tai-san-cao-thu-2-the-gioi-166889.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Sức mạnh tài chính của phụ nữ châu Á thăng hạng vượt bậc: tổng tài sản cao thứ 2 thế giới
    POWERED BY ONECMS & INTECH