Nhiều ý kiến hiện cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong cổ phần hóa chính là xử lý về đất đai. Văn bản quy phạm về đất đai đã đầy đủ, đồng bộ song việc thực thi vẫn rất trì trệ.
Vướng mắc trong xử lý đất đai là một trong những cản trở lớn nhất khiến tiến trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp bị chậm trễ.
Trong giai đoạn 2011-2021, cả nước đã cổ phần hóa được 692 doanh nghiệp; thoái vốn đạt 38.812 tỷ đồng, thu về 192.885 tỷ đồng (gấp gần 5 lần so với giá trị sổ sách) đồng thời góp phần đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước để đầu tư cho các dự án phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia.
Theo Nghị quyết số 26/2016/ QH14 ngày 10/11/2016 của Quốc hội, trong giai đoạn 2016 – 2020, nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về ngân sách nhà nước để phục vụ đầu tư trung và dài hạn là 250.000 tỷ đồng.
Mới nhất ngày 27/5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện Về đẩy mạnh công tác sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn và cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước yêu cầu các Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiêm túc thực hiện vấn cấp thiết này.
Theo ông Nguyễn Hồng Long, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp Trung ương, nếu tách riêng phần đất đai khi xác định giá trị doanh nghiệp sẽ có thể giúp đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa.
Trả lời báo giới mới đây, liên quan đến lo ngại hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn không đạt mục tiêu đặt ra có làm cho quá trình tái cơ cấu, đổi mới doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại, ông Long nhấn mạnh: "Hiện vẫn còn những cách hiểu khác nhau về cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.
Tôi muốn nhấn mạnh lại rằng, tái cơ cấu, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước nhằm mục đích để khu vực kinh tế này hoạt động hiệu quả, tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước,...
Bên cạnh đó cũng là nâng cao hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước trên nền tảng công nghệ hiện đại, năng lực đổi mới sáng tạo, quản trị theo chuẩn mực quốc tế, làm tốt vai trò dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác nhằm huy động, phân bổ, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội; quản lý chặt chẽ, bảo toàn và phát triển vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.
Cổ phần hóa, thoái vốn chỉ là một trong 5 phương pháp thực hiện mục tiêu này chứ không phải là phương pháp duy nhất. Có nghĩa là, mặc dù hoạt động cổ phần hóa, thoái vốn trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt mục tiêu đặt ra (do yếu tố khách quan và chủ quan), đặc biệt là từ đầu năm 2021 đến nay nhưng không có nghĩa là tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước bị chậm lại".
Nhiều ý kiến hiện cho rằng, điểm nghẽn lớn nhất trong cổ phần hóa chính là xử lý về đất đai. Văn bản quy phạm về đất đai đã đầy đủ, đồng bộ song việc thực thi vẫn rất trì trệ.
Phản hồi quan điểm này, ông Long dẫn chứng, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP đã quy định rõ, không tính vào giá trị doanh nghiệp đối với đất đi thuê trả tiền hàng năm (giá trị quyền sử dụng đất), chỉ tính vào giá trị doanh nghiệp đối với đất thuê trả tiền một lần. Nghị định số 140/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP) cũng nhắc lại quy định này.
Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công yêu cầu các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng nhà đất bắt buộc phải sắp xếp lại. Nghĩa là, không phải đợi đến khi cổ phần hóa mới tiến hành sắp xếp lại cơ sở nhà đất. Khi sắp xếp lại, diện tích đất nào không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích phải trả lại cho Nhà nước để bố trí cho cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khác sử dụng đúng quy hoạch, kế hoạch, khai thác tối đa hiệu quả; còn khi cổ phần hóa, phải có phương án sử dụng đất.
"Vướng mắc hiện nay là doanh nghiệp thực hiện không nghiêm việc sắp xếp lại nhà đất. Thậm chí, những đơn vị thực hiện nghiêm cũng bị vướng. Đó là trường hợp doanh nghiệp trả lại đất cho Nhà nước, nhưng không trả được, vì mảnh đất đang xảy ra tranh chấp, hồ sơ pháp lý không đầy đủ... Nếu không xử lý được phương án sắp xếp đất đai thì tiến trình cổ phần hóa không thể thực hiện được. Điểm vướng nhất trong cổ phần hóa là xác định vào giá trị doanh nghiệp đối với đất thuê trả tiền một lần", ông Nguyễn Hồng Long nhấn mạnh.
Ông Long phân tích thêm: "Vướng chính hiện nay chính ở quy định “sát với giá thị trường” bởi khái niệm “sát với giá thị trường” mang tính định tính, không định lượng do đó phải có tiêu chí, cách tính cụ thể.
Đơn cử, mảnh đất không giao dịch, mà không tổ chức đấu giá, thì làm sao có giá thị trường để yêu cầu phải “sát với giá thị trường”.
Để xử lý triệt để vướng mắc này và tránh thất thoát tài sản nhà nước, có ý kiến đề nghị không tính đất thuê trả tiền một lần vào giá trị doanh nghiệp, nghĩa là tách riêng phần đất đai, chỉ có như vậy mới đẩy nhanh được tiến trình cổ phần hóa.
Cá nhân tôi thấy rằng, phương án này nếu thực hiện được sẽ đẩy nhanh được tiến độ cổ phần hóa. Muốn vậy, phải có văn bản quy phạm pháp luật rõ ràng, đồng bộ, quy định cụ thể, còn nếu vẫn quy định như hiện nay, thì không ai dám mạnh dạn tiên phong vì sẽ vi phạm pháp luật, mặc dù thực hiện theo phương án này sẽ tháo gỡ được vướng mắc về đất đai trong tiến trình cổ phần hóa".