Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”...

11-06-2023 09:13|Băng Di

Theo Thống đốc NHNN, dù có tài sản đảm bảo nhưng các tổ chức tín dụng cũng không chắc chắn tài sản này có xử lý được hay không?

Chiều 10/6, báo cáo giải trình về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), bà Nguyễn Thị Hồng - Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã chia sẻ những liên quan đến Luật hóa Nghị quyết 42.

Theo đó, Thống đốc cho biết, Nghị quyết 42 ra đời với mục tiêu để tạo một cơ sở pháp lý, đây là cơ chế thí điểm để giải quyết nợ xấu khi nợ xấu ở mức cao vào năm 2017.

Thực tiễn triển khai cho thấy, nợ xấu đã giảm rất nhanh. Đặc biệt thông qua Nghị quyết 42, đã giúp tăng cường trách nhiệm trả nợ của người đi vay, qua đó làm tăng tính kỷ luật trong hoạt động đi vay và cho vay.

Cũng theo Thống đốc, trong quá trình xử lý nợ xấu, có một vấn đề rất quan trọng là thu giữ tài sản đảm bảo. Vì vậy dự thảo luật đã quy định việc thu giữ tài sản bảo đảm phải gắn với việc giữa tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận trong hợp đồng bảo đảm.

Khi khách hàng không trả được nợ, tổ chức tín dụng mới thu giữ tài sản bảo đảm để xử lý và thu hồi nợ.

Trên thực tế, với tính chất là trung gian tài chính, các tổ chức tín dụng là người cho vay nhưng thực chất tiền đó là tiền của người gửi tiền cho vay, các TCTD phải có trách nhiệm thu hồi để chi trả cho người gửi tiền.

Do vậy, các quy định về thu giữ tài sản đảm bảo cũng phải được thực hiện theo các quy định của pháp luật và nếu chúng ta không có quy định này có thể sẽ tác động đến việc các tổ chức tín dụng rất e ngại khi quyết định cấp tín dụng cho các doanh nghiệp.

Bởi vì kể cả là có tài sản đảm bảo nhưng các tổ chức tín dụng cũng không chắc chắn tài sản này có xử lý được hay không. Điều này có thể cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận tín dụng của người người dân và doanh nghiệp.

Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”...

Về thứ tự ưu tiên thanh toán, Thống đốc cho biết, so với Nghị quyết 42, dự thảo luật này hài hòa các bên.

Thống đốc rất đồng tình với ý kiến phát biểu của đại biểu Mai đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, dự thảo luật quy định theo hướng cho phép thu án phí liên quan đến xử lý tài sản và các khoản thuế, liên quan đến giao dịch của tài sản vẫn được thu trước tiên.

Thống đốc cho biết, Nghị quyết 42 được gia hạn cho đến 31/12/2023, nếu Quốc hội thông qua sau ba kỳ họp sẽ có khoảng trống pháp lý về xử lý nợ xấu và đối với hoạt động ngân hàng.

Vì vậy, cơ quan chủ trì soạn thảo đề nghị Quốc hội xem xét thông qua sau hai kỳ họp.

Cơ quan soạn thảo sẽ cố gắng hết sức và dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của đại biểu để hoàn thiện luật làm sao thông qua kỳ họp thứ hai, đòi hỏi thực tiễn của hoạt động ngân hàng chịu tác động rất nhiều các biến động quốc tế và trong nước, cần thiết phải sử dụng các biện pháp.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng: NHNN không cấm cho vay bất động sản

Sẽ đánh giá để cung ứng vàng ra thị trường và đưa ra giải pháp phù hợp

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-san-bao-dam-nhung-chua-chac-da-la-dam-bao-187225.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tài sản bảo đảm nhưng chưa chắc đã là “đảm bảo”...
    POWERED BY ONECMS & INTECH