Tại sao dù là cường quốc xuất khẩu gạo thế giới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn từ Ấn Độ và Campuchia?

22-11-2022 00:44|Thiên Ban

Thời gian gần đây, tình trạng gạo nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh và không được kiểm soát gây nguy cơ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước.

Xuất nhập khẩu đều tăng mạnh

Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và một số đơn vị, bộ ngành về việc lấy ý kiến dự thảo sửa đổi Nghị định 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Trong dự thảo, đáng chú ý có một số nội dung liên quan đến việc kiểm soát tình trạng nhập khẩu gạo về Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, hiện sản lượng lúa gạo hằng năm của Việt Nam tương đối dồi dào, đảm bảo an ninh lương thực, dự trữ quốc gia và dành một lượng nhất định cho xuất khẩu.

Hàng năm, Việt Nam dành khoảng 6 - 6,5 triệu tấn gạo cho xuất khẩu. Tuy nhiên, thời gian gần đây xuất hiện tình trạng gạo nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh trong bối cảnh giá lương thực thế giới tăng cao, Việt Nam chuyển sang xuất khẩu gạo có chất lượng.

Bộ Công Thương cho rằng, việc nhập khẩu gạo quá nhiều nhưng không được quản lý, thống kê đầy đủ, kịp thời sẽ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất trong nước, tác động đến sản xuất lúa gạo của Việt Nam, đời sống của người nông dân và gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Cụ thể, việc nhập khẩu sẽ làm ảnh hưởng đến sản xuất lúa gạo, sản xuất thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu, sản xuất các sản phẩm từ gạo như bún, bánh… tạo cạnh tranh với sản phẩm trong nước, tác động đến đời sống của người sản xuất và có thể gián tiếp ảnh hưởng đến an ninh lương thực, an ninh kinh tế - xã hội.

Theo Bộ Công Thương, cần có quy định về quản lý nhập khẩu gạo để giúp cơ quan quản lý nhà nước chủ động, kịp thời điều tiết, điều hành hoạt động nhập khẩu gạo phù hợp với mục tiêu quản lý trong từng thời kỳ.

Dự thảo sửa đổi nghị định 107 đề xuất, khi xuất hiện lượng gạo nhập khẩu tăng có nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất trong nước, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng áp dụng biện pháp quản lý nhập khẩu.

Tổng cục Hải quan có trách nhiệm thống kê, cập nhật gửi Bộ Công Thương theo định kỳ tháng, quý, năm hoặc đột xuất theo yêu cầu về tình hình xuất khẩu, nhập khẩu gạo theo các tiêu chí: Số lượng, trị giá, chủng loại, thị trường, khách hàng xuất khẩu, thương nhân nhập khẩu; cửa khẩu nhập khẩu và đề xuất biện pháp quản lý phù hợp.

Tháng 10/2022 đã trở thành tháng có lượng gạo xuất khẩu cao kỷ lục trong lịch sử ngành gạo nước ta. Thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt, trong khi Ấn Độ áp thuế 20% lên toàn bộ gạo xuất khẩu của nước này đã giúp thúc đẩy thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam.

Trong tháng 10/2022, giá gạo 5% tấm của Việt Nam cũng đạt bình quân 425-430 USD/tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái đến nay. Giá gạo xuất bình quân của Việt Nam tăng cao còn là nhờ thời gian gần đây, xuất khẩu gạo Việt Nam đã có sự dịch chuyển mạnh sang phân khúc gạo thơm và gạo chất lượng cao.

Vì sao nhập khẩu gạo về Việt Nam tăng mạnh?

Lý giải về việc Việt Nam liên tục tăng nhập khẩu gạo trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho biết, hiện nước ta tập trung trồng các giống lúa chất lượng cao để tăng giá trị xuất khẩu, như giống lúa thơm ST, OM hay các loại đặc sản…

Tuy nhiên, nhiều thị trường châu Phi, Trung Đông, Philippines, Trung Quốc… chỉ thích nhập nhiều loại gạo trắng thông dụng như IR 50404. Vì thiếu hụt nguồn cung nên các công ty Việt Nam sang Campuchia mua, hợp tác thuê đất trồng lúa rồi thu hoạch đem về Việt Nam chế biến, xuất khẩu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung từ Việt Nam giảm sút.

GS-TS Võ Tòng Xuân (chuyên gia lúa gạo) cho rằng, lúa gạo Campuchia có ưu điểm là ít sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật, giống tốt, đất đai màu mỡ nên chất lượng đảm bảo được người tiêu dùng ưa chuộng dù giá cao.

Hiện nay, diện tích đất nông nghiệp ở Campuchia còn chưa được khai phá nhiều, chi phí lao động thấp hơn ở Việt Nam nên nhiều doanh nghiệp Việt cũng chuyển hướng sang đầu tư, trồng lúa ở nước này.

Tuy nhiên, ông Xuân cũng cảnh báo nguồn gạo Campuchia nhập vào Việt Nam cần phải được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, minh bạch, tránh tình trạng đấu trộn vào nhau để xuất khẩu.

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, 6 tháng đầu năm nay, Campuchia đã xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn lúa, tương đương khoảng 900.000 tấn gạo thành phẩm, sang Việt Nam. Số lượng lúa xuất khẩu này đạt trị giá hơn 336 triệu USD, tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thống kê năm 2021 của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng lượng gạo nhập khẩu của Việt Nam gần 1 triệu tấn. Trong đó, nhập khẩu từ Ấn Độ lên mức 719.970 tấn (chiếm 72,02% tổng lượng nhập khẩu gạo của cả nước).

Chủng loại gạo nhập khẩu chủ yếu là gạo tấm (thuộc phân nhóm HS 100640), gạo trắng khác (thuộc phân nhóm HS 100630). Gạo nhập khẩu từ Ấn Độ chủ yếu phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh trong nước để làm bún, bánh, thức ăn chăn nuôi, sản xuất bia, rượu…

Giá lúa gạo hôm nay 20/11: gạo thơm tăng cao

Giá lúa gạo hôm nay 19/11: gạo thơm tiếp tục chào giá cao

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tai-sao-du-la-cuong-quoc-xuat-khau-gao-the-gioi-viet-nam-van-phai-nhap-khau-so-luong-lon-gao-an-do-va-campuchia-159190.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tại sao dù là cường quốc xuất khẩu gạo thế giới, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu số lượng lớn từ Ấn Độ và Campuchia?
    POWERED BY ONECMS & INTECH