Tắm gội như thế nào để không rước họa vào thân?
Tắm gội là việc làm hằng ngày không thể bỏ qua nhưng bạn làm không đúng cách có thể ảnh hưởng tới sức khỏe thậm chí gây co mạch, đột quỵ, tử vong nhanh chóng.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng, tắm đúng cách giúp giảm stress, tạo cho cơ thể cảm giác thoải mái, tỉnh táo. Mọi người thường làm theo sở thích của cá nhân khi lựa chọn độ nóng - lạnh, thời điểm tắm. Tuy nhiên, việc tắm không đúng thời điểm, trình tự có thể gây hại cho bạn.
Thực tế, các cơ sở y tế ghi nhận không ít trường hợp người vào cấp cứu vì đột qụy trong khi tắm.
Bác sĩ Hoàng chỉ ra các lưu ý bạn cần nhớ như sau:
Tắm trong 10 phút: Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc tắm rửa thực hiện trong 10 phút là hợp lý. Bạn không nên tắm quá lâu ảnh hưởng đến độ pH tự nhiên trên da, gây ra một số bệnh về da. Thậm chí, có thể dẫn tới tình trạng cảm cúm, nhiễm lạnh, ảnh hưởng đến sức khỏe và công việc.
Nên gội đầu sau khi tắm: Đa số chúng ta đều có thói quen gội đầu trước rồi mới tắm từ cổ xuống. Tuy nhiên, bác sĩ Hoàng cho rằng đây là thói quen không tốt. Bạn nên cho tay chân làm quen với nước trước sau đó nhẹ nhàng cho nước tiếp xúc với da từ cổ xuống. Khi cơ thể làm quen với nước và tắm sạch sẽ, bạn mới nên gội đầu. Massage nhẹ nhàng tóc từ 3 tới 5 phút rồi xả nước, có thể thêm bước dưỡng tóc với dầu xả và các loại dầu khác.
Nhiệt độ nước tắm: Bác sĩ Hoàng cho biết, nhiệt độ nước thích hợp để tắm khoảng 40 độ C. Nước quá nóng có thể ảnh hưởng tới da, tóc, mạch máu. Nước lạnh cũng nguy hiểm nhất là với người có bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Nước lạnh tiếp xúc với da gây ra hiện tượng co mạch khiến máu không lưu thông được ở người có sẵn bệnh nền như rối loạn mỡ máu, hẹp động mạch, dễ gây đột qụy, nhồi máu cơ tim.
Vì vậy, bác sĩ Hoàng lưu ý chúng ta nên sử dụng nước vừa đủ ấm. Trước khi tắm, bạn có thể lấy tay thử độ ấm của nước, vỗ lên da nhẹ nhàng để cơ thể thích nghi với nhiệt độ của nước.
Thời điểm tắm: Đây là yếu tố quan trọng, quyết định cả vấn đề sức khỏe, mạng sống của bạn. Thời điểm tắm tốt nhất là buổi tối trước 20h vì khi đó cơ thể của bạn hạ dần thân nhiệt theo nhịp sinh học giúp bạn ngủ ngon, dễ đi vào giấc ngủ hơn, giảm tiết mồ hôi khi ngủ.
Tắm buổi sáng giúp bạn tỉnh táo, sảng khoái, phù hợp với một số người thích vận động thể dục thể thao.
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh thời điểm tuyệt đối không nên tắm là khi vừa ngủ dậy, ăn quá no, quá đói hoặc đang say rượu, tắm sau 22h. Ngoài ra, người vừa đi ngoài đường về, người toát mồ hôi, mệt mỏi thường có suy nghĩ tắm cho tỉnh táo nhưng bác sĩ Hoàng cho rằng, họ không nên tắm ngay mà cần nghỉ ngơi khoảng 30-40 phút. Trước khi đi ngủ, bạn cần sấy tóc cho khô để tránh cảm lạnh, viêm dây thần kinh.
Những người có bệnh nền như thiếu máu, tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim mạch thường nhạy cảm với sự thay đổi tuần hoàn máu khi tắm. Vì vậy, người bệnh không tắm vào sáng sớm, đây cũng là lúc nhiệt độ môi trường xuống thấp trong khi huyết áp cơ thể lại tăng cao dễ bị đột quỵ hơn. Các nghiên cứu ở châu Âu, Hàn Quốc cho thấy, tỷ lệ người đột quỵ do tắm đêm vào mùa đông cao hơn mùa hè do sự xáo trộn nhiệt độ khiến cơ thể phản ứng mạnh. Khi trời lạnh, cần tắm ở phòng kín, thời gian ngắn hơn.
Bỏ ngay thói quen ‘ngoáy mũi’ nếu không muốn chịu hậu quả nghiêm trọng này
5 thói quen xấu nhiều đàn ông Việt thường làm ảnh hưởng đến khả năng sinh con