Tận mục vườn cây cảnh triệu đô, có một không hai Việt Nam của đại gia Phú Thọ: Bỏ hàng trăm tỷ "chơi cây" trong chưa đầy 10 năm
Có đam mê, có tiền và chịu chơi, vị đại gia này sở hữu hàng loạt cây cảnh cực quý hiếm và có giá trị cao nhất Việt Nam.
Trong giới mê cây cảnh Việt Nam, cái tên Phan Văn Toàn (hay còn gọi là Toàn “đô la”) ở TP.Việt Trì, Phú Thọ được xem là một trong những đại gia chơi ngông nhất. Theo một bài báo trên Vietnamnet, trong chưa đầy 10 năm, đại gia này đã bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để… chơi cây.
Ở Việt Trì, Toàn “đô la” sở hữu 3 khu vườn lớn, cây ít nhất của ông cũng có giá 50 triệu đồng, cây đẹp “tầm tầm” cũng vài trăm triệu đến vài tỷ, còn hạng tầm cao cấp như cây “ông Bụt” 500 tuổi và cây sanh “dáng làng” có giá trị lên đến hàng triệu đô la/cây.
Ông Toàn chia sẻ: "Ngày nào cũng trăn trở, cũng có mặt tại vườn cây để tỉa tót chăm sóc và ngắm. Rất nhiều cây do tôi sở hữu được chứng nhận là cây di sản, có tuổi thọ lên đến 600 năm. Để sở hữu những cây cảnh có giá trị và độc đáo, tôi phải săn lùng khắp mọi miền đất nước. Có những cây tôi "săn đón" 6 - 7 năm mới mua được".
Ông Toàn nổi tiếng khắp nước, thậm chí được nhiều tổ chức, tạp chí trên thế giới vinh danh vì niềm đam mê cây cảnh cũng như sở hữu khối tài sản khổng lồ từ vườn cây.
Tất cả những cây cảnh trong vườn đều có giá trị cao, được ông Toàn sưu tập, săn lùng suốt nhiều năm nay. Trên ảnh là cây sanh cổ, chủ nhân của tác phẩm cho biết, đây là cây sanh lá nhỏ hiếm có và có độ chuyển của thân uốn lượn xuống phía dưới rất ngoạn mục. Cây có giá trị khoảng 5 tỷ đồng.
Theo chia sẻ của ông Toàn, ông mua cây sanh này ở Huế cách đây hơn 10 năm. Thời điểm đó, giá trị của cây rất cao nhưng không phải có tiền là mua được.
Cây duối cổ nổi bật bởi dáng vẻ uyển chuyển, uốn lượn theo hình chữ “Tâm”. Cách đây không lâu, vị đại gia Phú Thọ từng gây xôn xao dư luận khi tuyên bố đây là “cây duối đẹp nhất Việt Nam”. Cây duối được ông Toàn mua cách đây hơn 10 năm với giá 3,7 tỷ đồng. Theo chủ nhân của “siêu cây này”, ngoài vẻ đẹp hiếm có, cây còn có yếu tố phong thủy, trấn trạch.
“Cây có tuổi đời lâu năm và được các nghệ nhân chơi cây trước kia uốn trồng, toàn thân cây uốn lượn theo hình chữ Tâm. Tính đến thời điểm hiện tại, cây được nhiều người chơi cây cảnh ở Việt Nam và trên thế giới đánh giá là cây duối đẹp nhất thế giới. Giá trị của cây bây giờ phải lên tới cả triệu đô”, ông Toàn khẳng định.
Một cây khế cổ được chứng nhận là "Cây di sản Việt Nam" được đại gia đất Tổ mua từ cung đình Huế cách đây nhiều năm với giá trên 7 tỷ đồng. Hiện nay, cây khế có giá trị trên 10 tỷ đồng. Ông Toàn cho hay, cặp khế được vua cắt tỉa theo tích “tam cương ngũ thường”, tức là nói về cách ứng xử giữa vua - tôi, cha - con, vợ - chồng.
Giới chơi cây đánh giá đây là cặp khế cổ nhất Việt Nam tính đến thời điểm hiện tại. Ông Toàn cho biết, chủ nhân cũ của cặp khế cho biết, cây do đích thân vua Gia Long trồng và chăm sóc.
“Siêu” cây xanh “Ngọa hổ tàng long” được biết đến là cây “quý”, có giá trị đắt đỏ bậc nhất hiện này. Cây có dáng đẩu hồ, mình rồng toát lên sự uy quyền, mạnh mẽ. Ông Toàn cho biết, cách đây vài năm, Chủ tịch Hội sinh vật cảnh Đài Loan đã từng trả giá 1,4 triệu đô để sở hữu “siêu cây” quý hiếm này nhưng ông không đồng ý bán.
Rất nhiều cây bản địa có hình thù kì quái, giá trị cao trên 10 tỷ đồng được giới chơi cây săn lùng tại vườn cây nhà ông Toàn. Được biết, mỗi ngày vườn cây của ông Toàn thu hút hàng đoàn khách yêu cây từ khắp mọi miền đất nước đến tham quan, thưởng lãm.
Ông Toàn đang sở hữu số lượng "khủng" cây cảnh quý hiếm, trong đó có thể kể đến như bộ ba cây tùng cổ nhất Việt Nam với hơn 700 tuổi, tác phẩm Nguyệt Quế Tam Đa Phúc LộcThọ với tuổi đời trên 300 năm, cặp khế cổ vợ chồng trên 300 tuổi, tác phẩm Phong Vân Thập Toàn, Thiên Long Vũ Hội…
Những kiệt tác này do vợ chồng ông Toàn sưu tầm và lưu giữ và đã đoạt rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ trong các cuộc thi cây cảnh ở Việt Nam. Năm 2014, vườn cây của ông Toàn đã được Đại hội Sinh vật cảnh châu Á bình chọn là Vườn cây xuất sắc nhất Đông Nam Á.
Ở Việt Trì, Toàn “đô la” sở hữu 3 khu vườn lớn, ông cho biết mình tốt nghiệp đại học lâm nghiệp, đã từng bươn chải qua nhiều nghề để mưu sinh, từ viên chức nhà nước rẽ ngang sang kinh doanh rồi trở thành ông chủ “đào cát sỏi”, sản xuất gang thép…
Về sau do đắm đuối với cây xanh nhiều năm nên ông đã quyết định theo nghiệp cây cảnh và xây dựng cho mình "thế giới riêng biệt" ở miền đất Tổ thiêng liêng này.