Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp

07-06-2023 07:49|ngaynay.vn

Kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực Lao động - Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, tại phiên họp, 99 đại biểu Quốc hội đã đăng ký chất vấn, trong đó 46 đại biểu tham gia chất vấn (35 đại biểu trực tiếp đặt câu hỏi chất vấn, 11 đại biểu tham gia tranh luận).

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn đã diễn ra sôi nổi, đại biểu đăng ký chất vấn, đặt câu hỏi ngắn gọn, trách nhiệm, thẳng thắn, đi thẳng vào các vấn đề mà người dân, cử tri, doanh nghiệp đang rất quan tâm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trong nhiệm kỳ thứ hai có nhiều kinh nghiệm trong quản lý Nhà nước, đăng đàn trả lời chất vấn đã nắm rất chắc các quy định của Đảng, Nhà nước cũng như tình hình, thực trạng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.

Bộ trưởng đã trả lời đúng trọng tâm, giải trình đầy đủ, thỏa đáng các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu, đồng thời đề xuất nhiều giải pháp và cam kết với Quốc hội cả về hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật, tổ chức thực hiện đối với các lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ.

Qua báo cáo của Chính phủ và diễn biến tại phiên họp cho thấy, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có nhiều nỗ lực, cố gắng thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao và triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị tại các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn, giám sát chuyên đề có liên quan, đạt được nhiều kết quả tích cực.

Bên cạnh những thành quả đạt được, trong lĩnh vực lao động, việc làm, phải thẳng thắn nhìn nhận còn không ít những tồn tại, hạn chế. Theo đó, giáo dục nghề nghiệp có quy mô còn nhỏ. Chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề chưa cao, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành, nghề mới. Về lao động, việc làm, trong những tháng đầu năm, do tác động sâu sắc của đại dịch và tình hình thế giới cùng khó khăn trong nước, lao động bị giảm giờ làm, mất việc làm. Số người bị tác động khá lớn, khoảng 500.000 người lao động. Vấn đề bảo hiểm xã hội đang nổi lên một số vấn đề bất cập như: Tình trạng nhiều doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội; số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng...

Qua phiên chất vấn này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ trưởng liên quan tiếp thu tối đa ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt, thực hiện các giải pháp đề ra.

Trong đó, Bộ tổ chức triển khai hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, nhất là các quy định, nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ và các chiến lược, quy hoạch, đề án về phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tiếp tục rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm gắn với thị trường lao động theo hướng mở, liên thông, hiện đại, hội nhập và thích ứng; đẩy nhanh lộ trình phổ cập nghề cho thanh niên, công nhân, nông dân, người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp các bộ, ngành tiếp tục đổi mới nội dung, chương trình, phương thức đào tạo, chuẩn hóa cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện đào tạo; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; chuẩn hóa các bộ tiêu chuẩn trong giáo dục nghề nghiệp tiếp cận chuẩn của các nước phát triển trong khu vực ASEAN và thế giới.

Ngoài ra, tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp, nâng cao hiệu quả, chất lượng sử dụng nguồn vốn đầu tư; chuyển nhanh cơ chế cấp phát ngân sách sang đặt hàng, giao nhiệm vụ; đẩy mạnh xã hội hóa, hợp tác công - tư trong phát triển giáo dục nghề nghiệp; triển khai hiệu quả các nội dung về đào tạo nghề, đào tạo lại, hỗ trợ, giải quyết việc làm trong các Chương trình mục tiêu Quốc gia, gói hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được ban hành.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu, trong năm 2023, rà soát, thống kê đầy đủ, nghiên cứu, đề xuất biện pháp giải quyết dứt điểm đối với số chủ hộ kinh doanh cá thể đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc trên nguyên tắc đóng - hưởng, bảo đảm quyền lợi của đối tượng tham gia bảo hiểm cũng như giải quyết dứt điểm các trường hợp thu - chi bảo hiểm xã hội không đúng quy định; chủ động rà soát để kịp thời phát hiện, giải quyết các trường hợp phát sinh khác mà pháp luật về bảo hiểm xã hội chưa quy định; đồng thời, làm rõ trách nhiệm, đề xuất hướng xử lý đối với từng cá nhân, cơ quan, tổ chức để xảy ra tình trạng này.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các bộ, ngành, đẩy mạnh tái cơ cấu lại các ngành, nhất là các ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày... theo hướng xanh, đáp ứng các yêu cầu cạnh tranh, hội nhập quốc tế; nắm sát, thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời tình hình diễn biến của nền kinh tế, biến động của thị trường lao động để chủ động ứng phó, có giải pháp hỗ trợ kịp thời, bảo đảm an sinh xã hội, giảm bớt khó khăn cho người lao động và người sử dụng lao động.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý đến việc hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, chuẩn bị hồ sơ dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023). Việc sửa đổi, bổ sung chính sách cần bảo đảm mở rộng, khuyến khích người lao động, người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội, hướng tới mục tiêu bảo hiểm xã hội toàn dân theo tinh thần Nghị quyết số 28 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; khắc phục hiệu quả tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, hưởng bảo hiểm xã hội một lần, mượn hồ sơ của người khác tham gia bảo hiểm xã hội, thu mua gom sổ bảo hiểm xã hội của người lao động và các hành vi trục lợi khác; bảo đảm công tác quản lý, đầu tư Quỹ Bảo hiểm xã hội an toàn, sinh lời, cân đối thu - chi trong dài hạn.

Tòa án nhân dân tối cao chủ trì phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam khẩn trương tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục khởi kiện liên quan đến bảo hiểm xã hội; đồng thời, xem xét thụ lý và đưa ra xét xử một số vụ trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi Luật Việc làm để tạo nhiều cơ hội việc làm thuận lợi hơn cho người dân, chủ động phòng ngừa thất nghiệp; xây dựng hệ thống thông tin và dự báo thị trường lao động thực sự đáp ứng với yêu cầu của thị trường, của doanh nghiệp, với quá trình phát triển kinh tế số.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội khẩn trương hoàn thành hệ cơ sở dữ liệu về lao động, thị trường lao động, hướng tới quản trị thị trường lao động - việc làm hiện đại, linh hoạt, chủ động; sớm có giải pháp cụ thể giảm dần tỷ lệ lao động làm việc trong khu vực phi chính thức, hướng tới việc làm bền vững, việc làm xanh và thu nhập thỏa đáng.

Đình chỉ hoạt động cơ sở đào tạo lái xe trên đất nông nghiệp

Công nhân trong vòng xoáy suy thoái - Bài 4: Biến động nhân lực đang bước vào thời kỳ… khốc liệt

Theo ngaynay.vn
https://ngaynay.vn/tang-cuong-nguon-luc-uu-tien-ngan-sach-nha-nuoc-cho-giao-duc-nghe-nghiep-post135064.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Tăng cường nguồn lực, ưu tiên ngân sách Nhà nước cho giáo dục nghề nghiệp
    POWERED BY ONECMS & INTECH