Trước hàng loạt các bất cập của sắc thuế thu nhập cá nhân, không ít ý kiến cho rằng, tăng mức giảm trừ gia cảnh là biện pháp quan trọng hỗ trợ người nộp thuế giảm “gánh nặng”...
Sửa đổi Luật Thuế thu nhập cá nhân là một trong những nội dung đang nhận được sự quan tâm rất lớn từ dư luận thời gian qua, trong đó, những bất cập của luật hiện hành không chỉ khiến sắc thuế này thiếu đi mức công bằng giữa các đối tượng nộp thuế mà còn khiến người nộp thuế đã và đang phải chịu mức thuế cao, trong khi chi phí đời sống ngày một tăng dẫn đến không ít “gánh nặng” cho người nộp thuế.
Theo các chuyên gia, những năm qua, thuế thu nhập cá nhân đã đóng góp không nhỏ cho tổng thu ngân sách Nhà nước, tuy nhiên, hơn 3 năm trở lại đây, dịch bệnh, tình hình xung đột địa chính trị ở một số nơi trên thế giới dẫn đến lạm phát, lãi suất tăng, biến động tỷ giá… giá các mặt hàng tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiều người người nộp thuế. Đặc biệt, đối với những người sống tại các đô thị, chi phí cho cuộc sống ngày một gia tăng như: giá thuê nhà, phòng trọ, tiền điện nước, hàng hóa, dịch vụ,… đều tăng, chưa kể, người nộp thuế còn phải gánh thêm hàng loạt các chi phí khác như: khám, chữa bệnh, chi phí học hành,...
Đáng nói, trong khi đời sống của người nộp thuế đã và đang chịu không ít “gánh nặng” về chi phí ngày một gia tăng, thì theo quy định hiện hành về thuế thu nhập cá nhân “khi nào CPI tăng 20% mới trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh, nên việc điều chỉnh mức giảm trừ cho người nộp thuế”.
Theo đánh giá của các chuyên gia, đây là quy định bất hợp lý gây thiệt thòi cho người nộp thuế. Bởi trên thực tế, lạm phát của Việt Nam thường chỉ tăng khoảng 3%-4%/năm, nếu để cộng dồn CPI tăng 20% phải mất khoảng 5 năm mới điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Trong khi đó, mức tăng CPI hàng năm đều có ảnh hưởng đến thu nhập và đời sống của người nộp thuế.
Thông tin với báo chí, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả, Bộ Tài chính cho rằng, việc lấy CPI làm cơ sở điều chỉnh mức tính thuế thuế thu nhập cá nhân, giảm trừ gia cảnh là không phù hợp. Bởi lẽ CPI chưa phản ánh hết được sự tăng giá hàng hóa, dịch vụ thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày người dân phải chi trả, vì thế, điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh không chỉ căn cứ vào CPI, mà còn dựa vào mức tăng thu nhập của người dân.
Đồng tình với quan điểm của PGS.TS Ngô Trí Long, không ít ý kiến cũng cho rằng, việc điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân phù hợp nhất là tăng mức giảm trừ gia cảnh vì sẽ đem lại công bằng nhiều hơn cho số đông người lao động thường có thu nhập tầm trung.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn sau khi trải qua đại dịch COVID-19, và nền kinh tế được dự báo còn phải đối diện với nhiều biến động, việc tăng mức giảm trừ gia cảnh sẽ là một biện pháp quan trọng để hỗ trợ người lao động và gia đình họ giảm bớt “gánh nặng”. Nhà nước cần xem xét tình hình kinh tế, tình trạng đời sống của người lao động để xác định mức giảm trừ gia cảnh hợp lý và mang tính công bằng, đồng thời cần được cân nhắc với nguồn thu ngân sách và mục tiêu phát triển kinh tế
Để giải quyết các bấp cập liên quan, thông tin với báo chí Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Giám đốc Công ty Luật TNHH Việt Tín Nghĩa đề xuất, giảm trừ gia cảnh nên tăng theo lương tối thiểu vùng do nhà nước quy định hàng năm.
Theo Luật sư Nghĩa, ví dụ, năm 2013, lương tối thiểu vùng khu vực 1 là 2.350.000 đồng. Đến năm 2023, lương tối thiểu vùng khu vực 1 tăng lên 4.680.000 đồng, tức là đã tăng gấp 2 lần. Cũng trong năm này, mức giảm trừ gia cảnh người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng và 3,6 triệu đồng người phụ thuộc.
Như thế, khi Luật Thuế thu nhập cá nhân điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh tăng theo mức tăng của lương tối thiểu vùng, thì mức giảm trừ gia cảnh của năm 2023 phải tăng gấp 2 lần, tức là 9 triệu đồng x 2 = 18 triệu đồng; mức giảm trừ cho người phụ thuộc là 3,6 triệu đồng x 2 = 7,2 triệu đồng.
Liên quan đến những bất cập của thuế thu nhập cá nhân, trước đó, không ít chuyên gia cũng cho rằng, sửa quy định luật hiện hành, các chính sách thuế cần vừa phải động viên vừa phải điều tiết giữa các nhóm đối tượng để không tạo ra những lỗ hổng và bất hợp lý. Đồng thời kiến nghị, nên cho phép Chính phủ chủ động xem xét mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh và ngưỡng thu nhập chịu thuế cố định phù hợp với thực tế tình hình kinh tế trong từng năm.
Được biết, Quốc hội vừa ký ban hành Nghị quyết Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, trong bên cạnh các nội dung liên quan đến triển khai đồng bộ, kịp thời, toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã được Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề ra. Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân.
Giá vàng tăng 5,6 triệu: Đích nào cho SJC, nhẫn trơn?
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu về chính sách đối ngoại tại Trường Đại học Quốc gia Malaya