Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực tạo nhiều cơ hội với thị trường 26.200 tỷ USD.
Siêu Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) sẽ tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, với quy mô GDP lên tới 26.200 tỷ USD, tương đương khoảng 30% GDP toàn cầu.
Đồng thời trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới xét về quy mô dân số sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Theo Bộ Công thương, RCEP có hiệu lực sẽ góp phần đa phương hóa các hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực và phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, RCEP sẽ tiến tới loại bỏ ít nhất 92% dòng thuế nhập khẩu giữa các quốc gia ký kết trong vòng 20 năm, sẽ thiết lập các quy tắc chung cho thương mại điện tử, thương mại và quyền sở hữu trí tuệ.
RCEP được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia.
Về kinh tế, RCEP được ký kết và có hiệu lực sẽ giúp tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực trong khu vực, thúc đẩy việc tạo thuận lợi cho thương mại và tự do hóa đầu tư, nâng cao trình độ hội nhập kinh tế.
RCEP còn thúc đẩy việc khôi phục kinh tế, cũng như sự thịnh vượng lâu dài của khu vực. Với quy mô của một "siêu hiệp định", RCEP dự kiến giúp tạo lập một thị trường xuất khẩu ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng.
Với những cơ hội mở ra, Bộ Công thương cho rằng khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này sẽ mở thêm cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tham gia các chuỗi giá trị mới trong khu vực, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài.
Thậm chí, với hiệp định này Việt Nam và các nước ASEAN hoàn toàn có cơ hội để trở thành trung tâm thu hút đầu tư nước ngoài.
Nhờ vào việc hài hòa quy tắc xuất xứ nội khối RCEP, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng khả năng đáp ứng điều kiện để hưởng ưu đãi thuế quan, từ đó gia tăng xuất khẩu trong khu vực, đặc biệt là ở các thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, New Zealand...
Cam kết trong RCEP cũng sẽ làm giảm thuế quan của nhiều nước trong khối đối với hàng hóa Trung Quốc. Các doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải cạnh tranh trong nước với một loạt hàng hóa mới có giá thành thấp hơn từ Trung Quốc.
Một số ngành sẽ bị ảnh hưởng bởi việc giảm thuế quan này. Đặc biệt, trong bối cảnh kinh tế thế giới cũng như nhiều nước trong khu vực đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19..., đòi hỏi các doanh nghiệp Việt chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Thị trường sôi động, ông lớn địa ốc phía Nam báo doanh số bán hàng vượt nghìn tỷ đồng cuối năm
Lý do Xanh SM thâm nhập thị trường Indonesia mà không phải các quốc gia khác?