Tàu nước ngoài tăng phí đồng loạt, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

26-02-2024 11:34|Mai Chi

Mức tăng phí cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà các hãng tàu trả lại cho cảng biển Việt Nam.

Từ đầu tháng 2/2024, các hãng tàu nước ngoài đã đồng loạt công bố tăng 10–20% phụ phí xếp dỡ tại cảng (THC) đối với mỗi loại dịch vụ container xuất khẩu và chỉ áp dụng tại Việt Nam.

Đáng nói, việc tăng phí và phụ phí của các hãng tàu diễn ra liên tục, thiếu cơ sở, đột xuất nhiều lần, không tuân thủ theo quy định của cơ quan quản lý Nhà nước. Mức tăng cao hơn rất nhiều so với phí bốc dỡ container mà các hãng tàu trả lại cho cảng biển Việt Nam.

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam cho rằng, trong thời điểm nền kinh tế Việt Nam đang chịu tác động trực tiếp từ suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, việc giá biểu phí, phụ phí, dù biến động nhẹ cũng ảnh hưởng đến hiệu quả của việc thương thảo, tìm kiếm hợp đồng của doanh nghiệp.

Tàu nước ngoài tăng phí đồng loạt, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
Các hãng tàu nước ngoài đã đồng loạt công bố tăng 10–20% phụ phí xếp dỡ tại cảng đối với mỗi loại dịch vụ container xuất khẩu và chỉ áp dụng tại Việt Nam

>> Doanh nghiệp của 'nữ hoàng cá tra' hưởng lợi từ Mỹ, bứt phá tại Trung Quốc

“Phí làm hàng xếp dỡ, tập kết container không quá lớn khoảng mấy trăm ngàn mỗi container, nhưng còn những thứ khác điện, xăng dầu mỗi loại tăng thêm một chút… rồi phí an ninh của hãng tàu, phí vận chuyển cũng đã nhấp nhỏm tăng lên khiến chi phí tổng thể của doanh nghiệp tăng rất nhiều. Nhất là chi phí logictics, mới đây, hãng tàu đã tăng giá, nhất là xuất đi châu Âu, Mỹ chẳng hạn”, ông Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Công ty TNHH Cao su Đức Minh - Chủ tịch Hội Cao su nhựa TP. HCM than thở.

Việc thay đổi giá của các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày mà không cần phải thông qua kiểm tra, giải trình yếu tố cấu thành phí, phụ phí. Việc làm giá một cách “vô tội vạ” trên, khiến doanh nghiệp Việt vốn đã khó khăn càng chồng chất thêm khó khăn.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam vừa có công văn gửi đến Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ công Thương, Cục Quản lý giá -Bộ Tài chính và Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị tăng cường quản lý phụ phí của hãng tàu nước ngoài.

Ông Phan Thông, Tổng thư ký Hiệp hội cho biết, từ nhiều năm nay, các hãng tàu nước ngoài tự ý thu hàng chục loại phí, phụ phí khác nhau với hàng hóa của doanh nghiệp XNK Việt Nam. Việc tăng giá này không căn cứ theo quy định nào của cơ quan quản lý và cao hơn nhiều so với phí bốc dỡ mà hãng tàu trả lại cho phía cảng biển Việt Nam.

Theo đó, khi Thông tư 39/2023/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải quyết định điều chỉnh giá dịch vụ hoa tiêu, sử dụng cầu, bến, phao neo, bốc dỡ container, lai dắt vừa được ban hành ngày 25/12/2023, bắt đầu có hiệu lực từ 15/2/2024, ngay từ đầu tháng 2/2024, đồng loạt các hãng tàu nước ngoài đã công bố tăng 10–20% phí THC đối với mỗi loại dịch vụ container tại Việt Nam. Điều đáng nói là việc tăng phí này chỉ áp dụng đối với Việt Nam, trong khi các quốc gia khác trong khu vực đều chưa có động thái tăng phí THC. Đặc biệt, nếu xét theo giá trị tuyệt đối thì 10-20% tăng phí THC của hãng tàu cao hơn gấp 3 lần mức điều chỉnh giá bốc dỡ container cảng biển Việt Nam.

Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam cho rằng, việc ban hành Thông tư 39 đã được các bộ, ngành nghiên cứu rất kỹ lưỡng sau hơn 5 năm không điều chỉnh bất kỳ loại giá dịch vụ nào, nhưng các hãng tàu nước ngoài chỉ trong thời gian chưa đến 1 tháng từ khi Thông tư 39 được ban hành đã tự điều chỉnh mức phí THC áp dụng riêng đối với Việt Nam, các hãng tàu nước ngoài chỉ cần niêm yết thay đổi giá trước thời điểm điều chỉnh 15 ngày và không phải thông qua kiểm tra, giải trình các yếu tố cấu thành phí, phụ phí hay bất kỳ báo cáo, ràng buộc từ các quy định nào của cơ quan chức năng.

Việc điều chỉnh THC đợt này không phải là lần đầu tiên. Hiệp hội Chủ hàng nhận định điều này đặt ra thách thức rất lớn đối với công tác quản lý hãng tàu nước ngoài và bảo vệ lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cảng biển và logistics trong nước.

Để triển khai và thực hiện được thông suốt hài hòa lợi ích, phù hợp với thông lệ, quy định quốc tế, dù là vấn đề khó và được cho rằng sẽ có nhiều ý kiến khác nhau cùng nhiều vấn đề rộng hơn. Việc cần thiết phải có những diễn đàn, sự vào cuộc mạnh mẽ của nhiều đơn vị để sớm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu nội địa, bảo vệ vị thế xứng tầm của ngành hàng hải Việt Nam.

>> Ngành cao su khởi sắc, sắp cán đích mục tiêu quay lại top xuất khẩu trên 3 tỷ USD

Ngành cao su khởi sắc, sắp cán đích mục tiêu quay lại top xuất khẩu trên 3 tỷ USD

Nhóm cá tra: Xuất khẩu phục hồi, giá cá tăng mạnh, "rộng cửa" vào thị trường Mỹ và châu Âu

Quảng Ninh xuất khẩu 925 tấn hàng hóa qua lối mở cầu phao tạm Móng Cái

Theo Kiến thức Đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/tau-nuoc-ngoai-tang-phi-dong-loat-doanh-nghiep-xuat-khau-gap-kho-224223.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tàu nước ngoài tăng phí đồng loạt, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó
POWERED BY ONECMS & INTECH