Thác nước lớn thứ 2 thế giới lần đầu khô cạn sau 12.000 năm

12-06-2023 09:40|Thủy Tiên

Thác Niagara ở bang New York khiến ai nấy đều sững sờ trước quang cảnh bên dưới sau khi ngừng chảy lần đầu năm 1969.

Thác Niagara (còn có tên khác là Buffalo) là con thác lớn thứ 2 thế giới nằm ở giữa biên giới Mỹ và Canada, có chiều cao gần 60m, tổng chiều dài hơn 1,2km. Thác Niagara hùng vĩ và hiên ngang giữa vùng trời thiên nhiên rộng lớn và là điểm đến du lịch hấp dẫn của 2 quốc gia.

Ngọn thác hùng vĩ

Thác Niagara bao gồm Thác Móng ngựa (Horseshoe Falls), Thác Mỹ (American Falls) và Thác Cô dâu (Bridal Veil Falls), theo thứ tự từ lớn nhất đến nhỏ nhất. Cả ba thác nước bắt nguồn từ sông Niagara, dòng sông rộng lớn dài 58 km từ hồ Erie đến hồ Ontario.

Khoảng 3.160 tấn nước chảy qua Niagara mỗi giây (660 tấn qua thác Mỹ và Bridal Veil, 2.500 tấn tại Horseshoe). Sức chảy khủng khiếp này khiến người ta phải dùng hơn 27.000 tấn đá để xây con đập dài 182m, bắc qua sông Niagara khổng lồ để ngăn lại.

Thác nước lớn thứ 2 thế giới lần đầu khô cạn sau 12.000 năm
Thác Niagara là thác nước vĩ đại nhất ở Bắc Mỹ cả về chiều rộng và thể tích.



Bên cạnh đó, mỗi phút nó có thể phun ra hơn 60 tấn khoáng chất hòa tan và đem lại nhiều giá trị cho người dân như câu cá, lấy nước uống, thực hiện các hoạt động giải trí - bao gồm bơi lội, chèo thuyền, …- và sản xuất năng lượng thủy điện...

Trạm thủy điện đầu tiên được xây dựng trên sông Niagara năm 1881 và tới năm 1896, nhà máy có thể truyền điện 42 km đến Buffalo. Ngày nay, nhà máy tạo ra 2,4 triệu kilowatt điện, là nhà máy thủy điện lớn thứ tư ở Mỹ.

Lần đầu khô cạn sau 12.000 năm

Khi tìm hiểu về thác Niagara, nhiều người chú ý đến sự việc nơi đây từng cạn nước vào ngày 12/6/1969, sau hơn 12.000 năm chảy liên tục.

Cụ thể, vào cuối những năm 1960, xuất hiện một số lo ngại về việc các vụ lở đá trong tương lai có thể làm xói mòn hoàn toàn thác Niagara.

Do đó, để nghiên cứu thành phần địa lý của thác Niagara và ngăn không để thác bị phá hủy, một ủy ban Mỹ - Canada được thành lập và quyết định rút cạn nước của thác nước này trong 5 tháng.

Để làm cạn nước của thác Niagara, trong 3 ngày vào tháng 6/1969, hơn 1.200 xe tải đã đổ gần 28.000 tấn đất đá để tạo thành một đê quai ở thượng nguồn của thác. Việc làm này nhằm đổi hướng dòng chảy của thác Niagara khỏi Thác Mỹ và tới thác Horseshoe rộng lớn hơn nhiều.

Thác nước lớn thứ 2 thế giới lần đầu khô cạn sau 12.000 năm

Hình ảnh Thác Niagara khô cạn.

Vậy nên, trong vài tháng, dòng nước chảy xiết qua con thác này đã chỉ còn lại vài dòng tí tách. Lần đầu tiên, du khách được chiêm ngưỡng quang cảnh dưới chân thác.

Các nhà nghiên cứu phát hiện dưới đáy khô của Niagara là hàng triệu đồng xu khác nhau mà người ta đã ném xuống nước trong nhiều thập kỷ.

Họ đã loại bỏ hầu hết những đồng xu đó. Thế nhưng trong vài thập kỷ qua, ngày càng có nhiều khách du lịch đến đây. Hãy tưởng tượng tất cả những thứ chúng có thể tìm thấy bây giờ, nếu một lần nữa làm cạn kiệt.

Tất nhiên, sẽ có nhiều tiền xu được tìm thấy, ngoài ra có thể còn có máy ảnh, máy bay không người lái, điện thoại di động,... bất cứ thứ gì du khách có thể mang theo và vô tình làm rơi xuống.

Trước đó, vào năm 1848, ngọn thác này đã ngừng chảy trong vòng 40 giờ vì bị một tảng băng chặn nguồn chảy của sông Niagara. Điều này khiến cho các nhà máy và xí nghiệp phải đóng cửa, sinh vật sống dưới nước chết sạch.

Một số người đi bộ xuống đáy sông cạn nước, nhặt lấy những thứ mà du khách từng làm rơi. Cuối cùng, sau khi băng tan thì con thác cũng đã hoạt động trở lại.

Theo Kiến thức đầu tư
https://dautu.kinhtechungkhoan.vn/thac-nuoc-lon-thu-2-the-gioi-lan-dau-kho-can-sau-12000-nam-187317.html
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thác nước lớn thứ 2 thế giới lần đầu khô cạn sau 12.000 năm
    POWERED BY ONECMS & INTECH