Vĩ mô

Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?

Lan Vũ 28/07/2023 - 08:59

Sáu tháng đầu năm 2023, Thái Bình đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng, nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công của tỉnh Thái Bình trong năm 2023 là trên 5.397 tỷ đồng, bao gồm trên 4.909 tỷ đồng kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và trên 487 tỷ đồng địa phương giao thêm.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công cả năm 2023, Thái Bình đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ở từng dự án cụ thể.

Thái Bình đang chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp ở từng dự án cụ thể

Theo đó, UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các sở, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình giải ngân của từng dự án, rà soát, cắt giảm và điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 của các công trình, dự án tiến độ chậm. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, trọng điểm, hoàn thiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án giao thông kết nối, như: đường thành phố Thái Bình đi cồn Vành, các tuyến đường trục trong Khu kinh tế. Tập trung tháo gỡ vướng mắc của các dự án BOT, như: tuyến đường bộ ven biển, các tuyến từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn, Đồng Tu. Thống nhất phương án đầu tư công trình giao thông kết nối cầu vượt sông Luộc, cầu Sa Cao và đường hai đầu cầu nối hai tỉnh Thái Bình - Nam Định. 

Bà Nguyễn Thị Hải - PGĐ Kho bạc Nhà nước Thái Bình chia sẻ, để tiếp tục duy trì và giữ vững vị trí Top đầu trong giải ngân vốn đầu tư công của cả nước, Kho bạc Nhà nước Thái Bình đang tiếp tục thực hiện rút ngắn thời gian kiểm soát chi và linh hoạt áp dụng phương thức “thanh toán trước, kiểm soát sau”, “kiểm soát trước, thanh toán sau” đối với từng hợp đồng thanh toán. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến để tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại của các chủ đầu tư và công khai, minh bạch quá trình xử lý hồ sơ.

Tuy nhiên, để việc giải ngân vốn đầu tư tại địa phương được đẩy nhanh tiến độ, rất cần các cấp chính quyền địa phương, các sở, ban, ngành liên quan tập trung phân bổ hết nguồn vốn đầu tư công năm 2023 cho các dự án đã đủ điều kiện được phân bổ vốn.

Ngoài ra, các cấp chính quyền địa phương cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát về tiến độ thực hiện dự án, tiến độ thanh toán vốn để có giải pháp xử lý kịp thời đối với những dự án chậm giải ngân. Tránh tình trạng khi chủ đầu tư gửi hồ sơ đến Kho bạc Nhà nước để thanh toán vốn, sau khi công chức kho bạc thực hiện kiểm soát, phát hiện ra những thiếu sót, lúc đó chủ đầu tư mới lại đi xin ý kiến xử lý, vừa gây khó khăn cho công tác kiểm soát thanh toán vốn của kho bạc, vừa làm chậm tiến độ giải ngân của dự án.

Thuộc top đầu cả nước

Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước tỉnh Thái Bình, trong 6 tháng đầu năm, Thái Bình đã giải ngân được trên 2.500 tỷ đồng, đạt trên 51% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 31% tổng kế hoạch vốn.

Đáng chú ý, đối với chi đầu tư xây dựng cơ bản, Kho bạc Nhà nước Thái Bình đã thanh toán 2.289 tỷ đồng đạt 65% kế hoạch. Trong đó, kế hoạch vốn cấp đã thanh toán 2.209 tỷ/3.445 tỷ đồng, đạt 64% kế hoạch. Kế hoạch vốn ứng trước đã thanh toán 78 tỷ đồng/81 tỷ đồng, đạt 96% kế hoạch. Hiện tỉnh Thái Bình đang nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước về giải ngân vốn đầu tư công.

năm 2023, Thái Bình đang triển khai một số tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng

Được biết, năm 2023, Thái Bình đang triển khai một số tuyến đường hàng nghìn tỷ đồng như đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình và tuyến đường bộ từ TP Thái Bình đi Cầu Nghìn…, để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế.

Tuyến đường trục kết nối trong Khu kinh tế Thái Bình, đoạn từ đường ven biển đến quốc lộ 37B. Dự án này có chiều dài hơn 13 km (trong đó, đoạn trên địa bàn huyện Tiền Hải có chiều dài 9,6km, đoạn trên địa bàn huyện Kiến Xương có chiều dài 3,47 km). Hiện, dự án đang được giải phóng mặt bằng và thi công xây dựng.  

Tại dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ từ thành phố Thái Bình đi Cầu Nghìn. Đến nay, dự án đã cơ bản giải phóng mặt bằng xong. Doanh nghiệp thực hiện dự án đề nghị UBND tỉnh Thái Bình cho phép điều chỉnh thời gian hoàn thành xây dựng dự án đến tháng 6/2025.

Tại tuyến ĐT.454 (đường 223 cũ) đoạn từ thành phố Thái Bình đến cầu Sa Cao, dự án này có tổng chiều dài gần 8 km. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai xây dựng từ đầu tuyến đến nút giao với đường ĐH13 dài 3,47 km trên địa bàn TP Thái Bình và huyện Vũ Thư. Giai đoạn 2 từ nút giao với đường ĐH13 đến đường đê tả Hồng Hà II dài 4,5 km qua các xã Vũ Hội, Vũ Vân (Vũ Thư) và xã Vũ Thắng (Kiến Xương).

Đối với giai đoạn 1, công tác giải phóng mặt bằng tại TP Thái Bình có chiều dài khoảng 1,27 km, qua địa phận xã Vũ Chính và phường Trần Lãm với diện tích khoảng 1,53 ha. Trong đó, đã hoàn thành giải phóng mặt bằng diện tích đất nông nghiệp và tài sản trên đất. Hiện còn vướng mắc một số diện tích đất ở tại nút giao đường vành đai phía Nam và xã Vũ Chính.

Đối với giai đoạn 2, huyện Kiến Xương đã hoàn thành giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích 2km đất nông nghiệp thuộc phạm vi dự án. Huyện Vũ Thư đã bàn giao 1,5/2,5km đất nông nghiệp và đang triển khai xác minh nguồn gốc đất, kiểm đếm tài sản, trích lục, trích đo cũng như các quy trình giải phóng mặt bằng trên diện tích đất ở thuộc phạm vi dự án.

Với nhiều giải pháp đồng bộ đang được tập trung chỉ đạo quyết liệt, Thái Bình phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch vốn năm 2023 được giao.

Nhận tiền bồi thường 30m2 đất mặt đường, phải bù thêm 500 triệu đồng mới đủ mua căn chung cư 60m2

Bộ Tài chính công khai giải ngân vốn đầu tư công các dự án quan trọng quốc gia

Theo diendandoanhnghiep.vn
https://diendandoanhnghiep.vn/thai-binh-cach-nao-lam-tot-viec-giai-ngan-von-dau-tu-cong-248246.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
    Đặc sắc
    Nổi bật Người quan sát
    Thái Bình: Cách nào làm tốt việc giải ngân vốn đầu tư công?
    POWERED BY ONECMS & INTECH