Thái Lan ôm tham vọng trở thành cơ sở sản xuất xe điện hàng đầu tại khu vực Đông Nam Á nên quốc gia này đã và đang nỗ lực thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nền kinh tế xanh và ngành công nghiệp xe điện.
Thái Lan đặt mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất xe điện của Đông Nam Á
Hiện nay, các nhà sản xuất ô tô từ Trung Quốc, Nhật Bản và châu Âu đã bày tỏ sự quan tâm và đang thúc đẩy đầu tư vào thị trường Thái Lan.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan cho biết thời gian qua nước này đã triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ các công ty sản xuất xe điện và khuyến khích người dân sử dụng xe điện.
Theo đó, Thái Lan đang đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nền kinh tế xanh và ngành công nghiệp xe điện theo chính sách 30@30 với mục tiêu đến năm 2030, xe điện chiếm 30% tổng số phương tiện ở nước này.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan cũng cho biết, nước này cũng được đưa vào nhóm các thị trường xe điện mới nổi cùng với Mỹ, Nhật Bản và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất.
Trong khi đó, một nghiên cứu mới được công bố cho thấy Thái Lan đang đứng thứ 9 trong bảng xếp hạng các quốc gia sẵn sàng cho việc sử dụng phương tiện di chuyển bằng điện toàn cầu 2022.
Theo Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan, trong 10 tháng đầu năm 2022, đã có khoảng 12.528 chiếc xe điện được đăng ký. Nếu tính gộp cả những phương tiện đã đăng ký kể từ khi Chính phủ Thái Lan bắt đầu chính sách khuyến khích sản xuất và sử dụng xe điện, đến cuối tháng 10/2022, trên toàn Thái Lan đã có hơn 26.000 chiếc xe điện được đăng ký.
Tại một hội thảo diễn ra tại Thái Lan vào năm ngoái, các chuyên gia đã nhắc nhở Chính phủ Thái Lan – một trong những quốc gia tiên phong trong việc phát triển xe điện tại Đông Nam Á, về những rào cản vẫn tồn tại khiến ô tô điện khó có thể phổ biến tại quốc gia này.
Theo đó, Thái Lan đặt mục tiêu sẽ sản xuất 1,051 triệu xe điện vào năm 2025. Đến năm 2035, tổng số phương tiện giao thông điện sẽ tăng lên 18,41 triệu xe, gồm: 8,62 triệu ô tô, xe bán tải; 9,33 triệu xe máy và 458.000 xe buýt và xe tải điện.
Để thực hiện mục tiêu này, Ủy ban Xe thế hệ mới Quốc gia cùng các thành viên cũng thông qua việc thành lập 4 tiểu ban, sẽ phối hợp với nhau để nghiên cứu các vấn đề như cơ sở hạ tầng cho xe điện, đặc quyền và thuế, đồng thời phát triển một hệ sinh thái phù hợp cho việc sản xuất xe chạy điện.
Các quốc gia Đông Nam Á đang chạy đua để sản xuất xe điện
Ở Indonesia, trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu sẽ tăng 20% sản lượng xe bao gồm xe điện và xe hybrid vào năm 2025. Con số này bao gồm 20% trong số 1 triệu xe xuất khẩu được nhắm tới đồng thời sẽ dần tăng lên hơn 25% vào năm 2030.
Chính phủ Indonesia đã đặt mục tiêu sẽ tăng 20% sản lượng xe, bao gồm xe điện và xe hybrid vào năm 2025.
Bên cạnh những lợi thế về quy mô thị trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên dồi dào với các mỏ coban, kẽm, mangan - nguyên liệu thô cho pin xe điện, được coi là thế mạnh giúp Indonesia thu hút đầu tư vào lĩnh vực xe điện.
Tại Việt Nam, dù còn khá non trẻ về tuổi đời nhưng VinFast đang nổi lên thành hãng xe tiên phong trong xu hướng chuyển đổi điện khí hoá ô tô.
Mới đây, hãng xe Việt đã đầu từ hệ thống trạm sạc tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và tiến đến việc mở rộng ra cả nước. Ngày 25/11/2022, VinFast đã đạt được tham vọng đưa thương hiệu Việt Nam ra thị trường quốc tế khi thành công xuất khẩu lô xe điện đầu tiên sang Mỹ.
Đồng thời, VinFast đang phát triển hệ thống trạm sạc song song với việc tung ra thị trường các dòng xe điện mới.
Trước sự chuẩn bị rầm rộ của các quốc gia láng giềng, mới đây Chính phủ Malaysia đang nỗ lực xây dựng chính sách ưu đãi để phải triển ô tô điện.
So với các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Malaysia đang cho thấy dấu hiệu tụt lại phía sau trong cuộc đua điện khí hoá ô tô.
Các chuyên gia dự báo doanh số bán ô tô nói chung và xe điện nói riêng ở Đông Nam Á sẽ vượt xa tất cả các khu vực khác trên thế giới.