Thái Lan lên phương án 'giải cứu' Thai Airways: Chuyển đổi 100% khoản nợ hơn 2 tỷ USD thành cổ phiếu
Bộ Tài chính Thái Lan đề xuất chuyển đổi toàn bộ nợ của Thai Airways thành cổ phần, kỳ vọng giúp hãng phục hồi và thoát tái cơ cấu vào năm 2025.
Theo Bangkok Post, Bộ Tài chính Thái Lan đang lên kế hoạch chuyển đổi khoản nợ của Thai Airways International (THAI) thành cổ phần, dự kiến sẽ trình nội các phê duyệt trong tháng này như một phần của kế hoạch tăng vốn cho hãng hàng không này.
Theo ông Tibordee Wattanakul, Tổng Giám đốc Văn phòng Chính sách Doanh nghiệp Nhà nước, Bộ Tài chính, với tư cách là một trong những chủ nợ chính và cổ đông sở hữu 40% cổ phần, sẵn sàng chuyển đổi 100% số nợ mà THAI nợ thành cổ phiếu.
Tổng khoản nợ này ước tính từ 70 đến 80 tỷ baht, tương đương 2-2,2 tỷ USD (50.847-55.932 tỷ đồng), bắt nguồn từ các khoản nợ tích lũy của hãng hàng không quốc gia kể từ năm 2020.
Theo kế hoạch tái cơ cấu của Thai Airways, các chủ nợ được yêu cầu chuyển đổi 24,5% số nợ của họ thành vốn chủ sở hữu, trong khi 75,5% còn lại được tùy chọn quyết định. Bộ Tài chính đã đồng ý chuyển đổi toàn bộ vốn chủ sở hữu vì hoạt động kinh doanh của Thai Airways đã được cải thiện đều đặn trong thời gian gần đây.
Hình ảnh minh họa, nguồn: Internet |
Ông Tibordee nhấn mạnh, khi THAI được giao dịch trở lại trên Sở Giao dịch Chứng khoán Thái Lan (SET), các chủ nợ có thể bán cổ phần của mình sau thời gian nắm giữ tối thiểu một năm. Nếu chọn chờ đợi hoàn trả nợ, quá trình này có thể kéo dài đến 11 hoặc 12 năm.
"Lợi thế của việc chuyển đổi nợ thành cổ phần là sau thời gian nắm giữ một năm, nếu giá cổ phiếu tăng, chúng tôi có thể bán để thu hồi vốn", ông Tibordee cho biết. "Chờ đợi hoàn trả nợ tuy có lãi suất cao hơn 1,5% so với giá trị nợ nhưng sẽ mất rất nhiều thời gian".
Các chủ nợ phải thông báo quyết định của mình trước ngày 21/11. Thai Airways cần công bố chi tiết về chuyển đổi nợ thành cổ phần với cổ đông, đồng thời xác định giá cổ phần trong đợt tăng vốn vào ngày 2/12 để cổ đông quyết định mức đóng góp nhằm duy trì tỷ lệ sở hữu.
Bộ Tài chính sẽ xem xét chi tiết về việc chuyển đổi nợ thành cổ phần và giá cổ phiếu được đề xuất để xác định số vốn cần thiết duy trì cổ phần.
Theo ông Tibordee, bộ không có ý định tăng tỷ lệ sở hữu vượt ngưỡng 40% để tránh việc Thai Airways quay lại trở thành doanh nghiệp nhà nước, nhưng vẫn muốn duy trì tỷ lệ cổ phần cao hơn 40% một chút nhằm bảo đảm quyền kiểm soát quản lý.
Kế hoạch tăng vốn sẽ được trình lên nội các vào tháng này để đảm bảo kịp thời hạn ngày 11/12. Thai Airways cũng đang xem xét tình hình tài chính để chuẩn bị thoát khỏi tình trạng tái cơ cấu vào tháng 2/2025 và dự kiến trở lại giao dịch trên sàn chứng khoán vào khoảng tháng 5/2025.
>> Đại gia Thái Lan đứng sau NguyenKim, Tops Market, Go! thu 28.000 tỷ đồng tại Việt Nam
Luật hôn nhân đồng giới sẽ mang lại nguồn lợi khổng lồ cho Thái Lan?
Gạo Việt 'gây sốc': Hàng phẩm cấp thấp đắt đỏ hơn gạo cao cấp Thái Lan