Điểm đến

Tham quan 'đệ nhất nhà vườn' 140 năm tuổi ở vùng đất kinh thành xưa: Từng là nơi ở của công chúa, quan lại với tổng diện tích lên đến hơn 4.600m2

Hải Yến 12/12/2023 13:40

Công trình nhà vườn này được xây dựng vào năm 1883, chủ nhân đầu tiên là công chúa thứ 18 của vua Dục Đức.

Những di sản văn hóa, lịch sử là điểm nhấn của du lịch cố đô Huế, tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một loại hình di sản văn hóa đặc biệt mà chỉ cố đô mới có, ấy chính là các nhà vườn truyền thống. Và nhà vườn An Hiên chính là nhà vườn tiêu biểu nhất trong số những nhà vườn còn lại đến ngày nay ở Huế.

Di chuyển tới nhà vườn dễ dàng khi đến Huế

Di chuyển tới nhà vườn dễ dàng khi đến Huế

Nhà vườn An Hiên tọa lạc tại số 58 đường Nguyễn Phúc Nguyên, thôn Xuân Hòa, xã Hương Long, thành phố Huế. Khu nhà vườn nằm ngay cạnh dòng sông Hương thơ mộng, hiền hòa này chính là một công trình kiến trúc có giá trị tiêu biểu nhất tại cố đô cho đến thời điểm hiện tại.

Kể từ khi được xây dựng vào cuối thế kỷ XIX đến nay, ngôi nhà đã trải qua nhiều đời gia chủ: Công chúa thứ 18 của Hoàng đế Dục Đức chính là chủ sở hữu đầu tiên của ngôi nhà. Đến năm 1895, cơ ngơi này lại thuộc về ông Phạm Đăng Khanh - con trai của một Đại thần thời Gia Long. Năm 1920, ngôi nhà được chuyển nhượng cho một phú gia nổi tiếng nhân đức trong vùng là ông Tùng Lễ.

Chủ nhân của ngôi nhà đều là những người trong dòng dõi quý tộc

Chủ nhân của ngôi nhà đều là những người trong dòng dõi quý tộc

Đến năm 1936, ngôi nhà lại thuộc về ông Nguyễn Đình Chi - Tuần phủ tỉnh Hà Tĩnh. Khi ông Tuần phủ mất, năm 1940, ngôi nhà được tiếp quản bởi vợ ông là bà Đào Thị Xuân Yến. Ngày nay, nhà vườn An Hiên được thừa kế lại cho con dâu Phan Thị Hoàng Oanh và bốn người cháu nội của bà Yến.

Vết thời gian trong nhà vườn 'mẫu mực' 150 năm

Chào đón du khách là chiếc cổng vòm cổ xưa được xây dựng bằng gạch vôi vữa nhưng đến nay vẫn còn nguyên vẹn. Bước chân qua cánh cổng nhuốm màu rêu phong, du khách sẽ được đắm mình trong khuôn viên đậm chất nhà vườn xứ Huế với tổng diện tích lên đến 4.608 m2. Dọc theo lối vào là con đường đất gần 40m với hai hàng cây lâu năm đan tầng tầng lớp lớp vào nhau tựa như một mái vòm lớn.

Cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa đưa du khách vào bên trong nhà cổ. Dọc theo lối đi có hai dãy mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng

Cổng vòm nhỏ được xây dựng bằng gạch vôi vữa đưa du khách vào bên trong nhà cổ. Dọc theo lối đi có hai dãy mận trắng đan tầng vào nhau, tỏa bóng mát cả một vùng

Đi qua con đường này, rẽ trái hướng về phía nhà vườn An Hiên, du khách sẽ gặp bức hình bình phong cổ được trang trí chữ “Thọ” có ý nghĩa ngăn chặn những điều không tốt lành vào trong nhà. Trước nhà là một hồ sen hình chữ nhật được xây dựng theo phong thủy trong kiến trúc nhà vườn xưa.

Cảnh sắc bình yên bên khu nhà vườn

Cảnh sắc bình yên bên khu nhà vườn

Ngôi nhà được thiết kế gồm 3 gian 2 chái. Gian giữa là khu vực thờ cúng và hai gian ở bên là nơi tiếp khách. Hai chái nhà dùng làm nơi sinh hoạt của nam (bên trái) và nữ (bên phải). Mái ngói của ngôi nhà được lợp nhiều lớp. Đỉnh mái có hình hoa sen và hai bên đắp rồng chầu.

Nhà vườn An Hiên có diện tích 135m2, được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường quý tộc thời xưa

Nhà vườn An Hiên có diện tích 135m2, được xây dựng theo lối kiến trúc nhà rường quý tộc thời xưa

Nhà vườn An Hiên nhìn từ trên cao. Ảnh: Dân Trí

Nhà vườn An Hiên nhìn từ trên cao. Ảnh: Dân Trí

Tất cả các khung cửa của ngôi nhà cổ này đều được làm bằng gỗ. Hệ thống các cột, kèo trong nhà được điêu khắc hoa văn tinh xảo và tỉ mỉ. Trong nhà hiện nay còn lưu giữ nhiều đồ trang trí, đồ nội thất như hoành phi câu đối, tủ chè, bàn ghế, ấm chén cổ xưa.

Kiến trúc vô cùng tinh tế bên trong nhà vườn Huế

Kiến trúc vô cùng tinh tế bên trong nhà vườn Huế

Chi tiết trang trí trên bờ mái

Chi tiết trang trí trên bờ mái

Hoa văn chạm trổ tinh tế ở kèo hiên

Hoa văn chạm trổ tinh tế ở kèo hiên

Tất cả các món đồ nội thất trong nhà đều được bố trí hợp phong thủy theo nguyên tắc phòng thủy của nhà rường truyền thống của Việt Nam.

Hiên nhà với những hàng cột gỗ kê trên chân tảng hình vuông

Hiên nhà với những hàng cột gỗ kê trên chân tảng hình vuông

Nhà vườn An Hiên ngày nay vẫn còn lưu giữ nhiều cổ vật cổ và quý của cung đình triều Nguyễn. Nổi bật nhất là bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” được treo ở gian giữa do vua Bảo Đại ban cho gia chủ vào năm 1937.

Bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban năm 1937

Bức hoành phi đề 4 chữ “Văn Võ Trung Hiếu” do vua Bảo Đại ban năm 1937

Nội thất gian giữa nhà rường, đây là gian thờ phụng

Nội thất gian giữa nhà rường, đây là gian thờ phụng

Bộ khung với kết cấu gỗ chuẩn mực của thể loại kiến trúc nhà rường. Không gian rất lớn về cả chiều rộng và chiều sâu

Bộ khung với kết cấu gỗ chuẩn mực của thể loại kiến trúc nhà rường. Không gian rất lớn về cả chiều rộng và chiều sâu

Bao quanh nhà vườn là một khuôn viên vườn tược xanh mướt và trù phú với những loài hoa quý và trái cây đặc sản kết trái ngọt quanh năm. Trong vườn trồng nhiều hoa và các loại cây ăn trái tứ phương từ cam, bưởi, vải, măng cụt, mít, thanh long… Bao trùm những mái nhà cổ kính và không gian xanh mát và một bầu không khí trong lành.

Cây hồng do cụ Nghè Mai, chắt nội của đại thi hào Nguyễn Du, từ quê nhà Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mang tặng Tuần vũ Nguyễn Đình Chi

Cây hồng do cụ Nghè Mai, chắt nội của đại thi hào Nguyễn Du, từ quê nhà Nghi Xuân (Hà Tĩnh) mang tặng Tuần vũ Nguyễn Đình Chi

Cây vả – một loài cây rất đặc trưng của xứ Huế trong vườn An Hiên

Cây vả – một loài cây rất đặc trưng của xứ Huế trong vườn An Hiên

Nhiều hàng cây, gốc cây nơi đây đã có hàng chục năm tuổi, như hàng mơ ở lối vào được trồng từ những năm 1940. Nhiều loại cây ăn quả, nhiều giống cây quý hiếm khắp 3 miền cũng được đưa về đây tụ hội. Có thể kể tới những măng cụt, sầu riêng, thanh long… của miền nam; mơ, hồng, vài thiều… của miền bắc; thanh trà, dâu, vả… của miền trung và Huế. Có những gốc cây thật đặc biệt, như cây hồng xiêm Tiên Điền do cụ Nghè Mai – chắt nội đại thi hào Nguyễn Du mang từ quê hương Nghi Xuân – Hà Tĩnh tặng Tuần Vũ Nguyễn Đình Chi. Đây là một loài hồng quý, không có hột, rẩt thơm ngon. Hay có thể kể tới 13 gốc măng cụt Giang Châu, một loại quả quý nổi tiếng xứ Huế chuyên được dâng cho vua…

'Chiêu đãi' du khách với đặc sản ẩm thực và làn điệu ca Huế

Du khách đến đây cũng sẽ được mời thưởng thức bánh cộ - một đặc sản của xứ Huế và trước đây từng là một món bánh cung đình Huế. Bánh cộ được làm từ bột nếp, bột đậu xanh, bột đậu ván… và được tạo khuôn bằng khuôn đồng hình chữ nhật và khắc chữ Thọ. Ngoài ra, du khách cũng có thể thưởng thức bánh nậm, bánh khoái, bánh ép… khi đến đây.

Bánh cộ - một đặc sản của xứ Huế và trước đây từng là một món bánh cung đình Huế.

Bánh cộ - một đặc sản của xứ Huế và trước đây từng là một món bánh cung đình Huế.

Chương trình ca Huế đặc sắc bên trong nhà vườn

Chương trình ca Huế đặc sắc bên trong nhà vườn

Nhà vườn An Hiên còn “chiêu đãi” du khách bằng những làn điệu ca Huế ngọt ngào. Vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa thưởng thức miếng bánh ngọt bùi, vừa tận hưởng những làn điệu ca Huế đặc sắc sẽ là một trải nghiệm khó có thể quên với mọi du khách.

>> Khám phá nhà cổ hơn 200 tuổi nổi tiếng miền Nam Việt Nam: Kiến trúc đến nay vẫn nguyên vẹn như ban đầu, tọa lạc giữa vườn trái cây rộng gần 10.000m2

Ngôi nhà ống gần 300m2 phủ ‘rèm cây’ ở Việt Nam xuất hiện trên tạp chí kiến trúc nổi tiếng của Mỹ

Ngôi nhà Việt 140m2 treo lơ lửng độc nhất vô nhị, được ví như vườn treo Babylon giữa lòng thành phố biển

Ngôi làng cổ không đường đi nhưng có tới 180 cây cầu gỗ, mỗi ngôi nhà được ví như một ốc đảo nhỏ, hút 800.000 người kéo đến xem hằng năm

Theo Chất lượng và cuộc sống
https://chatluongvacuocsong.vn/tham-quan-de-nhat-nha-vuon-140-nam-tuoi-o-vung-dat-kinh-thanh-xua-tung-la-noi-o-cua-cong-chua-quan-lai-voi-tong-dien-tich-len-den-hon-4600m2-d112868.html
Bài liên quan
Đừng bỏ lỡ
Nổi bật Người quan sát
Tham quan 'đệ nhất nhà vườn' 140 năm tuổi ở vùng đất kinh thành xưa: Từng là nơi ở của công chúa, quan lại với tổng diện tích lên đến hơn 4.600m2
POWERED BY ONECMS & INTECH